Ngày 26/4, Bộ Quốc phòng Đức đã đảo ngược chính sách và thông báo sẽ gửi xe tăng phòng không Gepard đến Ukraine, cho dù trước đó Thủ tướng Olaf Scholz lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này.

Gepard 1a2 overview
Xe tăng phòng không Flakpanzer Gepard (Ảnh: Wikipedia)

Trong một cuộc họp tại Căn cứ Không quân Hoa Kỳ Ramstein ở Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht công bố quyết định gửi các hệ thống phòng không tới Ukraine.

“Ngày hôm qua chúng tôi quyết định sẽ hỗ trợ Ukraine với các hệ thống phòng không… đó chính xác là những gì Ukraine cần hiện nay để bảo vệ không phận từ mặt đất,” ông Lambrecht cho biết trong cuộc họp công khai tại căn cứ hôm 26/4.

Bloomberg dẫn nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Đức đưa tin, Đức dự định sẽ chuyển 50 xe tăng phòng không Flakpanzer Gepard cho Ukraine. Gepard được phát triển lần đầu vào những năm 1960. Trong nhiều thập kỷ, loại vũ khí này đã trở thành “xương sống” của lực lượng phòng không Đức sau nhiều lần nâng cấp hệ thống radar và nhắm mục tiêu.

Ông Lambrecht cũng lưu ý, Đức đang chuyển sang huấn luyện các lực lượng Ukraine và “chúng tôi đang phối hợp cùng với những người bạn Mỹ của mình trong việc huấn luyện quân đội Ukraine về các hệ thống pháo trên đất Đức”, Deutsche Welle đưa tin.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, trước đó khá miễn cưỡng trong việc gửi vũ khí hoặc các hệ thống phòng thủ khác đến Ukraine trong bối cảnh chiến tranh, chủ yếu là chỉ đồng ý hỗ trợ nhân đạo và thiết bị y tế. Việc này phù hợp với chính sách lâu nay của Berlin về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho các khu vực đang khủng hoảng. Hồi tháng 2, Thủ tướng Đức Scholz đã ngăn chặn việc bán vũ khí hạng nặng cho chính phủ của Kyiv và nói rằng động thái như vậy sẽ làm leo thang xung đột với Moscow.

Ông Scholz trao đổi với Der Spiegel vào tuần trước, ông sẽ không chuyển giao những vũ khí như vậy tới Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng làm như vậy sẽ dẫn đến xung đột hạt nhân hoặc chiến tranh thế giới thứ ba.

Ông cho hay: “Chúng ta cần làm mọi thứ để tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và một siêu cường được trang bị vũ khí mạnh như Nga, một cường quốc hạt nhân. Tôi sẽ làm những gì có thể để tránh leo thang xung đột dẫn đến Thế chiến III – không thể có chiến tranh hạt nhân.”

Ông nêu rõ: “Ưu tiên hàng đầu đối với tôi là tránh leo thang [đối đầu Nga] với NATO. “Đó là lý do tại sao tôi không tập trung vào các cuộc thăm dò ý kiến ​​hoặc để bản thân bị kích động bởi những lời kêu gọi dồn dập. Hậu quả của một sai sót có thể là thảm kịch.”

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 25/2 thông báo đã chuyển cho Ukraine một số xe tăng, nhưng không nêu rõ số lượng và chủng loại. Theo đó, Ba Lan trở thành nước NATO thứ 3 cấp xe tăng cho Ukraine sau Cộng hòa Séc và Slovakia. 

Minh Ngọc (T/h)