Thủ tướng Imran Khan của Pakistan đã thành công ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để tránh bị cách chức, đồng thời đề nghị tổng thống ra lệnh tổ chức bầu cử mới. Động thái khiến phe đối lập phẫn nộ và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị của nước này.

49424936756 fd14f602a3 b
Thủ tướng Pakistan Imran Khan. (Nguồn: Valeriano Di Domenico/Flickr)

Reuters cho biết cách làm của ông Imran Khan đã khiến tình hình trong nước gia tăng bất ổn, các chuyên gia hiến pháp đã tranh luận về tính hợp pháp của động thái và lo ngại cho tình hình leo thang.

Quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân với hơn 220 triệu dân này có vị trí chiến lược quan trọng giữa Afghanistan, Trung Quốc và Ấn Độ.

Những hành động của ông Imran Khan ngày càng xa lạ với Mỹ kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2018, thể hiện mong muốn xích lại gần Bắc Kinh và gần đây là Nga – có thể kể như cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin vào ngày bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Nhưng nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ và châu Á cho rằng quân đội Pakistan có truyền thống kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng, hạn chế được bất ổn chính trị.

Reuters tóm tắt các yếu tố có thể dẫn đến việc lật đổ ông Imran Khan và chỉ ra ý nghĩa đối với các nước như Trung Quốc và Ấn Độ:

Afghanistan

Căng thẳng đã leo thang giữa Taliban cầm quyền Afghanistan và quân đội Pakistan. Phía Pakistan muốn Taliban tích cực hơn chống lại các nhóm cực đoan vì lo ngại bạo lực lây lan sang Pakistan theo những dấu hiệu đã cho thấy.

So với hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài, ông Imran Khan không mấy chú ý vấn đề nhân quyền của Taliban.

Trung Quốc

Ông Imran Khan, người đã xích lại gần Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn sau khi lên nắm quyền, thường nhấn mạnh “vai trò tích cực” của Bắc Kinh đối với Pakistan và thế giới.

Trong khi đó “Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan” trị giá 60 tỷ USD kết nối Trung Quốc và Pakistan được hình thành và khởi động bởi hai đảng của Pakistan, cả hai đảng đều không muốn ông Khan tiếp tục nắm quyền.

Lãnh đạo phe đối lập và người kế nhiệm tiềm năng Shehbaz Sharif là lãnh đạo tỉnh Punjab ở miền đông Pakistan, đã trực tiếp ký một thỏa thuận với Trung Quốc.

Ấn Độ

Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra 3 cuộc chiến kể từ năm 1947, hai trong số đó xảy ra trên lãnh thổ tranh chấp của Kashmir, đa số là người Hồi giáo.

Tương tự Afghanistan, quân đội Pakistan kiểm soát chính sách ở những khu vực nhạy cảm. Nhiều năm qua, Ấn Độ và Pakistan đã không có cuộc đàm phán ngoại giao chính thức nào do hai bên nghi ngờ nhau nghiêm trọng về một loạt vấn đề, trong đó có sự chỉ trích cực đoan của ông Imran Khan về việc Thủ tướng Narendra Modi xử lý các cuộc tấn công vào nhóm thiểu số Hồi giáo của Ấn Độ.

Nhà bình luận chính trị Ấn Độ Karan Thapar, theo sát mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan, cho biết quân đội Pakistan có thể gây áp lực lên chính phủ dân sự mới của Islamabad nhằm thành công đạt được lệnh ngừng bắn ở Kashmir.

Hôm thứ Bảy (2/4), Tổng tư lệnh đầy quyền lực của quân đội Pakistan là Qamar Javed Bajwa cho biết, nếu Ấn Độ đồng ý thì đất nước của ông sẵn sàng thúc đẩy vấn đề Kashmir.

Mỹ

Chuyên gia Nam Á có trụ sở tại Mỹ cho biết, khi Mỹ đang vật lộn với cuộc chiến ở Ukraine thì cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan khó có thể là ưu tiên của Tổng thống Biden, trừ khi cuộc khủng hoảng Pakistan dẫn đến bất ổn trên quy mô lớn hoặc căng thẳng với Ấn Độ leo thang.

Robin Raphel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Nam Á và là cộng sự cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Chúng tôi còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm”.

Giới phân tích chỉ ra, nếu phe quân đội duy trì quyền kiểm soát hậu trường đối với chính sách an ninh và đối ngoại của Pakistan thì vận mệnh chính trị của ông Khan không phải là vấn đề đáng kể.

Lisa Curtis, cựu giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay, chuyến thăm của Imran Khan đến Moscow là một “thảm họa” đối với quan hệ của Pakistan với Mỹ, ít nhất chính phủ mới của Islamabad có thể “phần nào” giúp sửa chữa mối quan hệ.

Ông Imran Khan đã đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại, nói rằng Washington muốn loại bỏ ông vì chuyến đi gần đây của ông đến Moscow.

Theo hãng thông tấn Press Trust of India (PTI) Ấn Độ, hôm Chủ nhật (3/4), sau khi tuyên bố giải tán quốc hội, Thủ tướng Imran Khan đã tuyên bố rằng động thái bất tín nhiệm của đảng đối lập đã được Mỹ hậu thuẫn.  

Tình hình biến động chính trị khá nhạy cảm của đồng minh Pakistan đang được phía Trung Quốc theo dõi sát sao.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nêu bật cáo buộc của ông Khan rằng Mỹ đứng sau động thái bất tín nhiệm của phe đối lập, điều mà Qasim Khan Suri (thành viên trong đảng của ông Khan và là Phó Chủ tịch Quốc hội) đã dựa vào để bác bỏ đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm của phe đối lập.

PTI đưa tin, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể không quá lo ngại về cuộc khủng hoảng, vì họ coi quân đội Pakistan là nền tảng của mối quan hệ “bền chặt” với Islamabad.