David Kilgour là cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một nhà hoạt động nhân quyền uy tín từng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Suốt 27 năm làm việc trong chính phủ Canada, ông từng là Công tố viên, rồi Nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế, Cố vấn chính phủ,… Ông là một trong những nghị sĩ phụng sự lâu đời nhất trong Quốc hội Canada. Dưới đây là bài bình luận của ông về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc đăng trên tờ Ottawa Citizen.

*

Người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa tới hơn 1.300 trại tập trung ở Tân Cương, phía Tây Trung Quốc, mà không thông qua xét xử hay bất cứ quy trình pháp lý nào, theo Adrian Zenz, một học giả châu Âu là chuyên gia về các chính sách đối với người dân tộc thiểu số tại Trung Quốc. Những người Duy Ngô Nhĩ ấy phải chịu đựng hàng giờ tẩy não không ngừng nghỉ, “giết chết ký ức về bản thân họ, loại bỏ tính dân tộc, ngôn ngữ và lịch sử… Thậm chí chỉ có một bản kinh Koran trên điện thoại hay một liên hệ với nước ngoài cũng có thể dẫn tới việc bị tống giam”, Zenz nói.

Vụ rò rỉ thông tin vừa qua từ một người dũng cảm bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là rất quan trọng: 403 trang tài liệu nội bộ cung cấp cho tờ New York Times đã khiến Chủ tịch Tập Cận Bình và những lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc khác khó có thể né tránh trách nhiệm trong việc giam giữ lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ. Sáu văn kiện nội bộ Đảng do tổ chức Nhà báo Điều tra Quốc tế công bố sau đó cũng cho thấy những mệnh lệnh tàn bạo trong việc quản lý các trại cải tạo tư tưởng đang tăng lên nhanh chóng.

Năm 2017, ông Tập bắt đầu xây dựng một mạng lưới trại “cải tạo” dành cho cộng đồng Hồi giáo, giống như những trại đã từng được thiết lập tại Trung Quốc sau năm 1999 dành cho nhóm Pháp Luân Công, một nhóm người thiền định từng được chính quyền khuyến khích trước đó. Cả hai mạng lưới trại cải tạo này đều tiếp nhận bất cứ ai bị cảnh sát bắt giữ mà không qua xét xử hay kháng cáo.

Tác giả Robert D. Kaplan quan sát thấy kế hoạch Một vành đai một con đường của Trung Quốc đòi hỏi việc “hoàn toàn khuất phục… người Duy Ngô Nhĩ”.

Hành vi cướp tạng của người Duy Ngô Nhĩ xuất hiện sớm hơn cả đối với người tập Pháp Luân Công. Năm 2011, tác giả Ethan Gutmann xuất bản cuốn “Quy trình Tân Cương” (The Xinjiang Procedure), nêu ra các thông tin chi tiết mà ông thu thập được từ các nhân chứng Duy Ngô Nhĩ [đã trốn thoát và] đang sống bên ngoài Trung Quốc. Một cựu bác sĩ phẫu thuật người Duy Ngô Nhĩ tại một bệnh viện Tân Cương đã thuật lại việc ông bị yêu cầu tới một bãi tử hình để lấy thận và gan từ một người đàn ông còn sống bị thương vào năm 1995. Sau đó, hối hận về việc mình làm, ông đã trốn khỏi Trung Quốc.

Trong cuốn sách “Đại Thảm Sát” (The Slaughter) năm 2014, Gutmann đã đưa ra cách mà ông ước tính việc 65.000 người tập Pháp Luân Công và “2.000 đến 4.000” người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Kitô giáo đã bị “thu hoạch” tạng trên khắp Trung Quốc từ năm 2000 tới 2008.

Gutmann lưu ý rằng vào năm 2017, bất cứ đàn ông, phụ nữ và trẻ em Duy Ngô Nhĩ nào tại Tân Cương đều đã bị lấy mẫu máu và DNA, một điều bị nghi ngờ là để khớp mô, phục vụ cho mục đích tìm ra tạng cấy ghép phù hợp. 9 nhà hỏa thiêu đầu tiên đã được hoàn thành tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương, vào đầu năm 2018; 3 làn bay nhanh được mở để phục vụ việc chuyển nội tạng tại các sân bay trong khu vực.

Nhân chứng Duy Ngô Nhĩ tại Tòa án Trung Quốc ở London mô tả việc khám y tế [thực chất là kiểm tra nội tạng] trong trại giam giống như những điều người tập Pháp Luân Công từng trải qua. Tòa án nhân dân độc lập sau đó đã báo cáo kết luận của tòa tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh khăng khăng cho rằng họ đã dừng lấy tạng từ tử tù từ năm 2015 và đã thành lập một hệ thống hiến tạng tự nguyện, nhưng có đầy rẫy bằng chứng chứng minh điều ngược lại.

Báo cáo mới đây trên tạp chí y đức British Medical Ethics cho thấy các tuyên bố về việc cải cách này bao gồm việc “giả mạo và thao túng một cách có hệ thống dữ liệu hiến tạng chính thức tại Trung Quốc”. Bắc Kinh đang giả tạo dữ liệu cấy ghép tạng, và việc cải cách chỉ là “một mặt nạ bao che cho hành vi cưỡng ép lấy tạng từ những người không tình nguyện hiến tạng”.

Luật sư Canada David Matas tóm lược điều đang diễn ra tại Tân Cương như sau: “ma quỷ hóa và lấy mẫu máu/kiểm tra nội tạng người Duy Ngô Nhĩ; những cái chết không nguyên nhân/mất tích hoặc đưa họ rời khỏi Tân Cương…; du lịch ghép tạng tới Tân Cương và chuyển nội tạng ra khỏi Tân Cương… (thông qua sân bay); do sự suy giảm của nguồn tạng từ Pháp Luân Công…”

Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm cần phản ứng trước vấn đề này:

– Các quốc gia Hồi giáo và những đối tác kinh tế của Trung Quốc cần yêu cầu Bắc Kinh ngừng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trên diện rộng;

– Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần tạo một danh sách đen và không nhập khẩu tất cả các mặt hàng được sản xuất tại Tân Cương;

– Đạo luật Magnitsky quốc tế cần phải được sử dụng để cấm vận các quan chức đứng sau việc lạm dụng tại Tân Cương;

– Ngăn chặn việc du lịch tới Tân Cương; và

– Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh cần phải bị tẩy chay.

Miles M. Yu, một nhà sử học Đông Á đã kết luận: “Việc vội vàng xây… một lượng lớn các trại cải tạo…, việc bắt giữ và gom người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống…, sự phát triển đáng ngại của các nhà hỏa thiêu mới tại Tân Cương – tất cả đều giống như sự cảnh báo cho một cuộc diệt chủng hay thậm chí một cuộc diệt chủng quy mô lớn tương tự diệt chủng Do Thái đang hình thành… Liệu cuộc tàn sát của thế kỷ 20 có tìm thấy người anh em tà ác của thế kỷ 21?”

Canada và thế giới không thể để điều đó xảy ra. Chúng ta cần hành động.

David Kilgour
Minh Nhật biên dịch