Nghị viện châu Âu gần đây đã thông qua việc đóng băng Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc – Liên minh Châu Âu (EU-China Comprehensive Agreement on Investment, dưới đây gọi Hiệp định) với số phiếu áp đảo. Chỉ 6 tháng trước đó Bắc Kinh còn ăn mừng chiến thắng quan trọng này. Theo phân tích của Nikkei, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đánh mất châu Âu vì chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Tập Cận Bình.

EU Trung Quốc
(Nguồn: Shutterstock)

Tờ Epoch Times dẫn tin từ Nikkei cho biết, ngay trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cỗ máy toàn trị này đang đón tin đặc biệt không vui về việc Nghị viện châu Âu đóng băng Hiệp định.

Vốn dĩ giới lãnh đạo ĐCSTQ nhận thức Hiệp định là thành công quan trọng nhất trong thời đại Tập Cận Bình nên họ lo lắng bầu không khí kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ sẽ không còn hào hứng vì thực tiễn ngoại giao khắc nghiệt đó, đặc biệt với những khu vực quan trọng như EU và Mỹ.

Bài viết chỉ ra dường như lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình không còn nhiều quân bài để cứu vãn tình thế.

Khó cứu vãn được thỏa thuận đầu tư với EU

Vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng thì ĐCSTQ có được động lực lớn khi vào cuối năm 2020 đã hoàn tất Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc – EU, và Bắc Kinh đã xem đó như thắng lợi to lớn trên chính trường quốc tế. Giới phân tích đã chỉ ra, đối với ĐCSTQ thì ý nghĩa quan trọng của Hiệp định nằm ở giá trị chiến lược chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề lợi ích kinh tế.

Nhưng đám mây đen hiện đang trùm lên tương lai của thỏa thuận đầu tư này. Ngày 20/5, Nghị viện châu Âu đã quyết định tạm hoãn Hiệp định, chưa biết khi nào có hiệu lực trở lại.

Trước khi Nghị viện Châu Âu biểu quyết, cho đến những phút cuối cùng ĐCSTQ vẫn không ngừng nỗ lực cứu vãn Hiệp định. Ngày 17/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường của ĐCSTQ và Thủ tướng Ý Mario Draghi đã có cuộc điện đàm, tuyên bố rằng “hai bên cần cùng nỗ lực để đảm bảo Hiệp định sớm ký và có hiệu lực”.

Vốn dĩ ĐCSTQ dự kiến ​​Nghị viện Châu Âu xem xét Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU sẽ kết thúc muộn nhất là trước hội nghị thượng đỉnh G20.

Ý, một thành viên của EU, cũng là thành viên G7 duy nhất tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, hiện là chủ tịch luân phiên của G20, vào cuối tháng 10 năm nay sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20.

Một ngày trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã thúc giục Nghị viện châu Âu sớm thông qua Hiệp định vì lợi ích của cả Trung Quốc và Châu Âu.

Nhưng những động thái của phía giới chức ĐCSTQ không mang lại kết quả gì. Nghị viện châu Âu vẫn bỏ phiếu đóng băng Hiệp định như dự kiến.

Bài viết trên Nikkei cho rằng các vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ đã khiến căng thẳng EU-Trung Quốc khó giải quyết.

Tháng Ba năm nay, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức ĐCSTQ và một thực thể vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trong hơn 30 năm qua, đây là lần đầu tiên EU áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Bài viết của Nikkei cho biết, dù ĐCSTQ gọi đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, nhưng vì EU đặc biệt chú trọng vấn đề nhân quyền, sẵn sàng bỏ qua lợi ích kinh tế.  

Litva rút khỏi “17 + 1” có thể kích hoạt hiệu ứng domino

Một đòn giáng mạnh khác đối với các nỗ lực ngoại giao của ĐCSTQ ở châu Âu là vào ngày 22/5 vừa qua, một thành viên của EU là Litva đã tuyên bố rút khỏi khuôn khổ hợp tác “17 + 1”.

Khuôn khổ hợp tác “17 + 1” do ĐCSTQ khởi xướng, bao gồm Trung Quốc cùng 17 nước Trung và Đông Âu. Đây là một khuôn khổ quan trọng để ĐCSTQ phát huy ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu, bổ sung cho sáng kiến ​​“”Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ.

Tại Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo “17 + 1” được tổ chức vào tháng Hai năm nay, đích thân ông Tập Cận Bình tham gia (thay vì ông Lý Khắc Cường như thường lệ), đủ để thấy tầm quan trọng của cơ chế hợp tác “17 + 1” đối với ĐCSTQ.

Nikkei chỉ ra trong “17 + 1” có những nước thành viên EU, và ĐCSTQ cũng muốn dựa vào những nước đó để can thiệp vào các chính sách của EU.

Ngày 20/5, Quốc hội Litva đã thông qua một nghị quyết thừa nhận rằng ĐCSTQ đã phạm tội “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Động thái đã khiến ĐCSTQ tức giận.

Phân tích của Nikkei chỉ ra rằng Litva đã rút khỏi khuôn khổ hợp tác “17 + 1” nhằm có thể đối phó với ĐCSTQ hiệu quả hơn trong tư cách chỉ là thành viên của EU, tránh bị mắc kẹt trong những cuộc họp “17 + 1” ủng hộ ĐCSTQ. Nhận định cho rằng động thái này của Litva có thể có tác động mang tính dây chuyền đối với các nước thành viên “17 + 1” khác.

Một bài viết khác được Nikkei công bố cho rằng sự thiếu tiến bộ của ĐCSTQ trong hoạt động đầu tư mà đã họ đã cam kết với nhiều nước làm trầm trọng thêm thất vọng của các nước Trung và Đông Âu. Tập đoàn nhà nước Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc (CGN) đã đồng ý đầu tư và mở rộng một nhà máy điện hạt nhân ở Romania, nhưng kế hoạch này đã bị gác lại trong vài năm. Vào năm 2020, Romania đã hủy bỏ thỏa thuận này và ký với Mỹ một thỏa thuận thay thế.

Bài viết chỉ ra nhiệt tình đối với Trung Quốc ở hầu hết các khu vực Trung và Đông Âu đã nguội dần. Do các vấn đề nhân quyền và sự đình trệ của thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU đã khiến một số nước bắt đầu chuyển hướng tìm giải pháp khác với Mỹ, khiến Bắc Kinh lo ngại.

Tháng này, Tổng thống Biden đã tham dự cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Chín nước Trung và Đông Âu chủ trì cuộc họp đặt nhiều hy vọng vào khả năng quân sự của Mỹ.

Chuyên gia: Trung và Đông Âu sẽ tiếp tục rời xa Trung Quốc

Hôm 26/5, nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ là ông Dương Khiết Trì đã đến thăm Slovenia và thúc giục tăng cường quan hệ giữa Bắc Kinh và EU. Vào tháng Bảy năm nay, Slovenia sẽ đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của EU. Theo phân tích của Nikkei, chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì cho thấy Bắc Kinh muốn kéo nước này về phía mình để giúp thúc đẩy thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU trở lại.

Nhưng mối quan hệ giữa hai nước đầy bất ổn. Vào tháng Tám năm ngoái, Slovenia đã ký một tuyên bố về bảo mật mạng 5G, cơ bản là ngăn chặn công ty Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của nước này.

Bài viết chỉ ra ông Tập Cận Bình đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng và cần phải đánh giá lại chiến lược của ĐCSTQ trong khu vực, nhưng không rõ bằng cách nào Bắc Kinh có thể đảo ngược được thực trạng đang xấu đi.

Atsuko Higashino, phó giáo sư tại Đại học Tsukuba ở Nhật Bản và là chuyên gia về các vấn đề Trung và Đông Âu, cho biết: “Các nước Trung và Đông Âu sẽ tiếp tục rời xa Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Đồng thời, xung đột gay gắt giữa ĐCSTQ và Úc đã diễn ra trong một thời gian dài.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi gần đây đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội Mùa đông sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng Hai năm sau. Có vẻ như một dạng thể hiện bất đồng mới chưa có tiền lệ đang xuất hiện.

Trước hàng loạt những động thái dè chừng, tẩy chay ngoại giao đến từ  Mỹ, Nhật Bản, Anh, thành viên G7, EU, Ấn Độ, Úc… cho thấy ĐCSTQ đang ở thế bị “bao vây” ngoại giao toàn diện.

Theo phân tích của Nikkei, phản ứng duy nhất của ĐCSTQ dường như là tăng gấp đôi “ngoại giao sói chiến”. Nhưng vấn đề là khi Tập Cận Bình đang tìm kiếm con đường tiếp tục duy trì quyền lực tại Đại hội toàn quốc vào mùa thu năm tới, ông ta sẽ làm mọi cách theo con đường đã chọn để đạt được mục đích, nên sẽ khó có đảo ngược gì lớn trong mối quan hệ giữa ĐCSTQ và các nước phương Tây.

Nikkei chỉ ra, nếu đúng như vậy thì thực trạng bế tắc hiện nay có thể trở thành “trạng thái bình thường mới” trong chính sách ngoại giao của các nước phương Tây đối với Trung Quốc. Khó khăn của ông Tập Cận Bình vẫn còn rất lớn trước thời điểm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ.

Trương Đình (t/h), Epoch Times 

Xem thêm: