Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực thúc đẩy sử dụng vắc-xin COVID-19 được sản xuất trong nước, với việc nhiều chính quyền địa phương hoặc tổ chức dùng nhiều chiến thuật khác nhau nhằm thực hiện mục tiêu chính trị này.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Par Esra Pekdemir/Shutterstock)

Gần đây, Thượng Hải được cho là đang trao tiền thưởng hoặc nhiều vật phẩm khác nhau cho những người tiêm vắc-xin nội, trong khi một công ty quản lý bất động sản đã đăng thông báo rằng những ai từ chối tiêm vắc-xin sẽ bị cấm vào khu vực này.

ĐCSTQ áp dụng chính sách “Cây gậy và Củ cà rốt” (Carrot and Stick)

Một cư dân mạng với biệt danh “người đến sau (latecomer)” đã đăng trên Twitter rằng: “ĐCSTQ đã thực sự lo lắng quá nhiều về việc tiêm chủng của mọi người. Ở giai đoạn đầu, [chúng tôi] nhận được trứng miễn phí, sau đó là vé xem phim và sau đó là 100 nhân dân tệ (15 USD) tiền mặt. Bây giờ, đó là 200 nhân dân tệ (30 USD) tiền mặt. Nó trông giống như một thị trường giá lên (bull market). Chúng ta hãy chờ xem liệu chúng ta có nhận được hàng nghìn hoặc thậm chí hàng chục nghìn nhân dân tệ cho một lần tiêm hay không. Việc giàu qua một đêm không còn là giấc mơ nữa!”

Trong một video đăng tải trên Twitter, một người đàn ông đang đứng trên đường phố, tay cầm một tấm áp phích có nội dung: “Mỗi người tiêm chủng sẽ nhận được 200 nhân dân tệ”. Loa phát thanh liên tục phát cùng một thông tin: “Tin vui! Tiêm phòng sẽ nhận đươc 200 nhân dân tệ”.

Trong bài đăng vào ngày 27/4, một blogger đại lục sử dụng trang mạng xã hội Sina Weibo có tên Guoliyoudongxi cho biết một cư dân mạng đã tiết lộ rằng: “Bất cứ ai mang một hộp sữa trên đường phố ở Thượng Hải những ngày này chắc chắn đều đã tiêm vắc-xin!”

Nhiều cư dân mạng đã trả lời bài đăng trên.

Cư dân mạng “Miss Tsundere” cho biết: “Ở khu vực của tôi, 300 nhân dân tệ (45 USD) cho một lần tiêm. Vị trí của tôi: Thượng Hải”.

Cư dân mạng “Rio zlyee” đã viết: “100 nhân dân tệ/người/mũi vắc-xin ở quận Bảo Sơn”.

Cư dân mạng “CaCateleya” bình luận: “Tại cộng đồng khu phố Taopu, 200 nhân dân tệ cộng với 2 hộp sữa khi tiêm 2 mũi vắc-xin. Một hộp sữa khi tiêm 1 liều”.

Cư dân mạng “I’m SuperSuperSuper Invincible Girl” đã đăng tải nội dung: “Tiêm chủng đồng nghĩa với việc nhận những món quà như gạo, dầu ăn, coca-cola và rau”.

Cư dân mạng “ZBIFELY24” cho biết: “Thêm bánh quy, khăn tắm và dầu ăn”.

Điều này cho thấy có hiện tượng các trung tâm tiêm chủng tranh nhau vận động người dân từ các quận, huyện khác nhau đi tiêm.

Một cư dân mạng viết rằng: “Nhiều cộng đồng khu phố ở Thượng Hải đang sử dụng các biện pháp khuyến khích nhằm thúc đẩy mọi người tiêm vắc-xin. Thậm chí, các cộng đồng đang cạnh tranh với nhau để đưa mọi người đến cộng đồng của họ nhằm thực hiện việc tiêm chủng. Bản chất [của việc tiêm vắc-xin] đã hoàn toàn thay đổi!”

Một số người cũng cho biết, mặc dù có nhiều phần thưởng khi tiêm vắc-xin nhưng nhiều người vẫn tỏ ra e ngại khi tiêm.

Một blogger trên Weibo cho hay: “Thành thật mà nói, tôi cũng rất tò mò. Mặc dù chính phủ không bắt buộc tiêm vắc-xin, nhưng nhiều quận ở Thượng Hải đưa ra các biện pháp khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Một số nơi tặng 500 nhân dân tệ (77 USD), một số nơi tặng 200 nhân dân tệ (30 USD) và tối thiểu sẽ là nhận được quà tặng. Chính phủ đang rất muốn khuyến khích mọi người sử dụng vắc-xin, nhưng họ không làm điều đó. Hai vợ chồng tôi phải làm thêm giờ mỗi ngày để tiêm phòng, mỗi ngày phải về nhà sau 10 giờ tối. Nó giống như cầu xin mọi người tiêm vắc-xin vậy”.

Một công ty quản lý tài sản ở Thượng Hải đã đăng thông báo nói rằng những người chưa tiêm chủng sẽ bị cấm vào khu vực này. Thông báo có đoạn: “Chúng tôi đã được cấp trên thông báo rằng tất cả mọi người đều phải tham gia tiêm chủng toàn dân! Kể từ ngày 28/4/2021, bất kỳ ai vào Tòa nhà Vạn Lý Trường Thành để làm việc hoặc việc riêng sẽ phải có hồ sơ tiêm phòng. Nếu không, họ sẽ không được vào”.

Trước đó, các tài liệu nội bộ độc quyền cũng như các cuộc phỏng vấn đã bị rò rỉ trên tờ The Epoch Times, trong đó tiết lộ rằng ĐCSTQ đang ép buộc người dân phải tiêm vắc-xin nội ở tất cả các khu vực, gồm các doanh nghiệp, tổ chức và thị trường.

Không có báo cáo về tác dụng phụ của vắc-xin

Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là China News đã báo cáo rằng tính đến 24:00 ngày 28/4/2021, có 240 triệu trường hợp tiêm chủng đã được báo cáo trên toàn quốc. Tuy nhiên, ĐCSTQ chưa báo cáo bất kỳ ca bất thường hoặc tử vong nào sau khi tiêm vắc-xin nội. Các tin tức liên quan thường xuyên được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông nước ngoài và mạng xã hội.

Vào ngày 29/4, một video lan truyền trên Twitter cho thấy cảnh một phụ nữ Trung Quốc (khoảng 50 tuổi) phàn nàn rằng bà vẫn ổn sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên, nhưng bất ngờ bị liệt mặt sau khi tiêm liều thứ 2. Trong đoạn video, khuôn mặt của bà đã bị vẹo và méo miệng, nửa mặt bên trái gần như bất động, và chỉ có mắt phải là liên tục chớp.

Một người đàn ông 63 tuổi ở Hồng Kông bị co giật và bất tỉnh tại nhà vào ngày 26/4 sau khi tiêm liều vắc-xin thứ 2 của hãng Sinovac (Trung Quốc). Ông được tức tốc đưa đến bệnh viện, và mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng ông vẫn tử vong ở đó. Cho đến nay, có 20 người đã thiệt mạng ở Hồng Kông sau khi tiêm vắc-xin Sinovac.

Một phụ nữ Hàn Quốc 40 tuổi sống tại Thượng Hải đã được tiêm một loại vắc-xin của Trung Quốc vào ngày 19/4 và tử vong vào hôm 22/4. Bà không mắc bất kỳ bệnh lý nền nào trước đó.

Ngày 15/4, một người dùng Weibo đã đăng một thông báo cho biết anh trai 28 tuổi trong quân đội của cô đã tử vong vào cùng ngày do xuất huyết não sau khi tiêm một loại vắc-xin bất hoạt do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Cũng trong ngày 15/4, người dùng Weibo này đã bị người đứng đầu đơn vị của anh trai cô và Phòng Y tế Quận Phủ Điền ở Thâm Quyến cảnh báo rằng cô nên “cẩn thận về hậu quả”. Tất cả các bài đăng trên Weibo của cô đã bị xóa sau đó.

Vắc-xin nội có hiệu quả thấp

Hiện tại, có 4 loại vắc-xin nội có thể được sử dụng ở Trung Quốc.

Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) sản xuất 2 loại vắc-xin trong số đó. Công ty Công nghệ sinh học Sinovac Bắc Kinh (Sinovac) cung cấp loại vắc-xin thứ 3. Ba loại này là vắc-xin bất hoạt.

Vắc-xin nội thứ 4 của Trung Quốc là sản phẩm hợp tác giữa CanSino Biologics Inc. và Chen Wei, thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Thiếu tướng và là nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự. Vắc-xin này thuộc loại véc-tơ adenovirus.

Vào ngày 10/4/2021, tại Hội nghị Quốc gia về vắc-xin và Sức khỏe, Gao Fu (Cao Phúc), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã thừa nhận rằng vắc-xin Trung Quốc không có hiệu quả cao và phải được cải thiện bằng cách pha trộn các loại vắc-xin sử dụng những công nghệ khác nhau.

Vào tháng 1, Viện Butantan của Brazil đã giảm tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Sinovac từ 77,96% xuống còn 50,38%.

Nhiều quốc gia ở khu vực Nam, Trung Mỹ và Trung Đông, trong đó có Brazil, Chile, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, đã sử dụng vắc-xin Sinovac do “chính sách ngoại giao vắc-xin” của ĐCSTQ. Dẫu vậy, các nước này đã phải chứng kiến ​​một sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm bệnh đã được xác nhận và tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi sử dụng rộng rãi.

Theo tờ The Epoch Times cho biết trước đó, khi có tin vào ngày 13/4 rằng lô hàng vắc-xin đầu tiên của Pfizer, do BioNTech của Đức sản xuất, đã đến Trung Quốc, thì thông tin này ngay lập tức bị các cơ quan chức năng ở Trung Quốc chặn lại. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho hay rằng họ sẽ tiêm loại vắc-xin nhập khẩu ngay cả khi họ phải tự trả tiền, và sẽ từ chối vắc-xin nội ngay cả khi nó miễn phí.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: