Bloomberg đưa tin hôm thứ Ba (22/2) rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không muốn ủng hộ phong trào ly khai, bởi vì tình hình ở Ukraine có thể là một tiền lệ không hay đối với chính họ trong những vấn đề như Đài Loan, dù bản thân Đài Loan thực tế đang là một khu vực có chủ quyền riêng.

Embed from Getty Images

Đêm muộn ngày 21/2/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn về xung đột Ukraine-Nga. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đang phát biểu (Nguồn: TIMOTHY A. CLARY / AFP/Getty).

Có quan điểm cho rằng ĐCSTQ vừa muốn tránh chỉ trích về hành động của Nga đối với Ukraine, lại đồng thời có thể thể hiện chủ trương nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp mà họ luôn tuyên bố, nhưng cách này ngày càng khó khăn khi xung đột ở Ukraine không ngừng căng thẳng hơn.

Tờ Epoch Times dẫn ý kiến của Phó giáo sư Chong Ja Ian tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng tuy ĐCSTQ có thể ủng hộ động thái của Nga trong vấn đề sáp nhập khu vực nào đó, nhưng việc Moscow công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai thuộc Ukraine cũng có thể tạo tiền lệ cho việc phương Tây công nhận độc lập của Đài Loan.

ĐCSTQ luôn yêu cầu các nước phương Tây không can thiệp vào các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc với lý do phản đối việc chia cắt Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, đồng thời thường sử dụng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như không can thiệp và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ để lên án phương Tây nhằm tránh họ ủng hộ Đài Loan độc lập.

Giáo sư Chong Ja Ian nói: “Các hành động và tuyên bố của Nga đã tạo ra một tình huống khó xử đối với ĐCSTQ. Bắc Kinh tiếp nhận vấn đề này một cách rất thận trọng, chỉ biết nhấn mạnh tính cần thiết của hòa bình”.

Chuyên gia quân sự Cheng-Kang Lee tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan nói với Epoch Times: “Bắc Kinh đặc biệt theo chủ trương nên duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vì họ lo ngại các nước khác như Mỹ can thiệp vào eo biển Đài Loan, cản trở kế hoạch của ĐCSTQ trong việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”.

Tuyên bố của ĐCSTQ tránh nêu tên “Nga”

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào tối thứ Hai, trong khi hầu hết các nhà ngoại giao lên án Nga về việc leo thang căng thẳng với Ukraine thì đặc phái viên ĐCSTQ tỏ ra cẩn thận tránh đề cập “Nga”.

Các bên phải kiềm chế, tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng”, đại sứ Trương Quân (Zhang Jun) của ĐCSTQ tại LHQ cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Hai. “Tình hình Ukraine hiện nay là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp”, trong tuyên bố không có từ nào nhắc tên “Nga”.

Phát biểu ngắn gọn của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với tuyên bố chung kéo dài mà nhà lãnh đạo ĐCSTQ và Nga đưa ra hồi đầu tháng. Do sự bùng phát COVID-19, sau hai năm thì đây là lần đầu tiên ông Tập và ông Putin gặp nhau ở Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình bày tỏ ủng hộ Nga đối với yêu cầu các đảm bảo an ninh ràng buộc từ Mỹ và NATO về vấn đề Ukraine, trong khi ông Putin cũng có ủng hộ quan trọng cho ĐCSTQ trong cuộc đối đầu với phương Tây.

Ngày 19/2, Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị cho biết Trung Quốc ủng hộ các quyền của Ukraine đối với “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ”, qua đó lên án phương Tây “gây ra tình trạng hoảng loạn”.

Hôm 21/2, ông Putin thừa nhận địa vị “nước cộng hòa” của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ sau đó đã kêu gọi tất cả các bên liên quan “làm rõ tình hình thông qua đối thoại và đàm phán”.

Bắc Kinh đành “đu dây” trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Noah Barkin, chuyên gia về quan hệ EU – Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Rhodium Group của Mỹ, nói với Bloomberg: “Trung Quốc không thể không ‘đu dây’ trong cuộc khủng hoảng này”.

Barkin nói: “Họ sẽ tránh công khai chỉ trích Nga trong vấn đề Ukraine, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với toàn vẹn lãnh thổ và nguyên tắc không can thiệp. Nhưng khi xung đột Ukraine ngày càng căng thì cách ứng xử này càng khó hơn”.

Năm 2022 là một năm nhạy cảm về mặt chính trị đối với ĐCSTQ. Người ta suy đoán tại Đại hội ĐCSTQ vào nửa cuối năm nay, ông Tập Cận Bình muốn tại nhiệm nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ thông lệ tại nhiệm hai nhiệm kỳ.

Giá dầu thô đã lên khoảng 100 USD/thùng, trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga sẽ chỉ đẩy giá lên cao hơn. Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, trong khi Nga là nước chiếm vị thế quan trọng về dầu, khí đốt, nhôm và lúa mì.

Người sáng lập công ty tư vấn chiến lược Arcipel là Christian Le Miere cho biết: “Bắc Kinh không muốn thấy giá dầu ở mức 100 USD/thùng, không muốn thấy thêm bất kỳ tác động nào từ các lệnh trừng phạt nối tiếp, không muốn quan hệ với các đối tác thương mại lớn của châu Âu trở nên xấu đi”.

Khi khởi đầu Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc, ĐCSTQ và Nga đã ký một tuyên bố chung cam kết quan hệ đối tác chiến lược không gián đoạn.

Amanda Hsiao, một nhà phân tích về Trung Quốc tại International Crisis Group, cho biết Bắc Kinh muốn duy trì đoàn kết với Nga mà không đối đầu thêm với Mỹ và châu Âu.

Bà nói: “Trong trường hợp này, Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối mặt với một tình huống không dễ ứng xử.  Bắc Kinh không lên án động thái của Nga, cũng không thể công nhận Donetsk và Luhansk độc lập, tuy vậy họ có thể cung cấp hỗ trợ theo cách khác: có thể trong trường hợp Nga bị phương Tây trừng phạt thì họ sẽ có những hỗ trợ tài chính nào đó”.