Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa tin hôm thứ Ba (13/12) rằng ĐCSTQ đã gửi số lượng kỷ lục 18 máy bay ném bom H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân vào vùng trời phòng không phía Tây Nam của Đài Loan, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng đe dọa quân sự lên Đài Bắc khiến thế giới chú ý.

1024px H 6K landing cropped
Oanh tạc cơ H-6K của ĐCSTQ. (Nguồn: Alert5/Wikimedia)

Theo thông tin cập nhật quân sự theo thời gian thực do Bộ Quốc phòng công bố, trong vòng 24 giờ từ sáng ngày 12 đến sáng ngày 13/12, tổng cộng 21 chiến cơ —18 máy bay ném bom và 3 tàu chiến— của Đại Lục đã tiến vào đặc khu phòng không Tây Nam của Đài Loan.

Đây là số lượng oanh tạc cơ H-6 nhiều nhất trong khoảng thời gian 24 giờ kể từ khi Bộ Quốc phòng bắt đầu công bố dữ liệu hàng ngày về các máy bay chiến đấu của ĐCSTQ vào năm 2020, và cũng là lần có nhiều chiến cơ nhất kể từ 7/11 từng có 31 chiến cơ.

Bộ Quốc phòng cũng tuyên bố rằng quân đội quốc gia dùng máy bay, tàu chiến, và hệ thống tên lửa bờ biển để giám sát nghiêm ngặt và sẵn sàng phản ứng.

Kể từ đầu năm nay, căng thẳng trên eo biển Đài Loan đã leo thang đáng kể.

Kể từ khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, đến thăm Đài Loan vào tháng 8, ĐCSTQ đã lấy đó làm cái cớ để tổ chức một loạt tập trận quân sự. Kể từ đó, Bắc Kinh đã tăng cường áp lực quân sự lên Đài Loan, đưa các chiến cơ vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với thời báo The Guardian của Anh quốc gần đây rằng các đe dọa của ĐCSTQ và số chiến cơ xâm nhập vào đặc khu phòng không của Đài Loan đã đạt đến mức chưa từng có trong năm qua: tăng gấp 5 lần, từ 380 lượt lên hơn 1500 lượt.

Ông Ngô Chiêu Nhiếp nói rằng kể từ khi lãnh đạo ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình, đã bảo đảm được nhiệm kỳ 3 của mình cùng với thanh trừng những kẻ thù chính trị nội bộ trong Đảng Cộng sản, đã cắt đứt các mối quan hệ không chính thức vốn đã ít ỏi giữa hai bờ, làm giảm hơn nữa trao đổi qua eo biển. Đài Loan từng duy trì một số kênh liên lạc với Hoa Lục thông qua các doanh nhân Đài Loan và các “học giả có quan hệ tốt với Hoa Lục”. Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi ông Tập tái đắc cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, Đảng Cộng sản đã trải qua một cơn địa chấn nhân sự và cánh cửa thông tin liên lạc qua eo biển đã bị đóng kín.

Bắc Kinh càng ngày càng kiên quyết tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

ĐCSTQ không chỉ gia tăng mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan mà còn gây “áp lực tổng hợp” đối với Đài Loan, bao gồm chèn ép kinh tế, tấn công mạng, và chiến tranh nhận thức chủ quyền cùng pháp lý, đồng thời cố gắng cô lập Đài Loan trên trường quốc tế từ góc độ ngoại giao. Ông Ngô Chiêu Nhiếp nói: “ĐCSTQ rồi sẽ tìm ra một cái cớ khác để tập dượt các cuộc tấn công vào Đài Loan trong tương lai. Đây là một mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan.”

Báo cáo cũng chỉ ra rằng trước nguy cơ xâm lược ngày càng tăng của ĐCSTQ, Chính phủ Đài Loan đã tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ phe tự do dân chủ quốc tế trong những năm qua. Trước nguy cơ xảy ra chiến tranh trên eo biển Đài Loan, nhà lập pháp Lại Phẩm Dư đề nghị Chính phủ nên củng cố hệ thống phòng thủ dân sự để có thể phát huy sức mạnh chiến đấu tối đa trong thời chiến.