Với sự nghiệp ổn định trong các lĩnh vực ô tô điện và tàu tên lửa tư nhân, tỷ phú Elon Musk đã trở thành người giàu nhất thế giới (với giá trị tài sản ròng gần 274 tỷ USD) nhờ đặt cược vào các công nghệ của thế kỷ 21, theo Reuters. Không dừng ở đó, CEO Tesla và SpaceX vừa đưa ra đề nghị “mua đứt” Twitter với giá 43 tỷ USD mà theo ông là vì lợi ích cộng đồng, nhằm đảm bảo mang lại sự tin cậy cho nền tảng vận hành theo hướng tự do ngôn luận chứ hoàn toàn không phải để kiếm tiền.

tỷ phú
CEO Elon Musk. (Ảnh: Wikimedia/CC-BY-SA-4.0)

Theo hãng tin Reuters, động thái trên của vị CEO này cho thấy ông đang học tập theo nhiều tỷ phú khác trước đây, bằng cách nắm quyền kiểm soát một nền tảng truyền thông đã có nhiều đóng góp vào sự nổi tiếng của bản thân mình.

Trong một bức thư gửi tới ban lãnh đạo của Twitter, ông Musk bày tỏ sự tin rằng Twitter sẽ không phát triển mạnh mẽ cũng như không phục vụ cho yêu cầu tự do ngôn luận của xã hội nếu cứ vận hành như hiện tại và Twitter cần phải được chuyển đổi sang hình thức một công ty tư nhân. Trước đó, ông đã mua 9,2% cổ phần Twitter và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng này.

Elon Musk – người mang lại những sự thay đổi lớn

Sở hữu Twitter sẽ là một bước tiến quan trọng đối với một nhân vật gây nhiều tranh cãi như ông Musk. Vị tỷ phú này có được cả sự ngưỡng mộ và “khó chịu” của Phố Wall khi ông vừa có tầm nhìn lớn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô, vừa dám đương đầu với giới bán khống cổ phiếu như việc ông dám đưa một chiếc xe Tesla màu đỏ lên quỹ đạo Trái Đất hồi năm 2018. Với tất cả những yếu tố này, CEO Tesla và SpaceX được xem là một hình mẫu tỷ phú rất mới.

“Cho dù bạn có cảm nhận ra sao về Musk, ông ấy chắc chắn vẫn là một người mang lại những sự thay đổi lớn. Câu hỏi duy nhất là liệu ông ấy sẽ là cho mọi thứ xấu đi hay tốt lên mà thôi”, nhà phân tích Michael Hewson của CMC Markets cho hay.

Ở tuổi 50, ông Musk sở hữu gần 274 tỷ USD tài sản ròng (theo ước tính của tạp chí Forbes), nhiều hơn 92 tỷ USD so với người giàu thứ 2 thế giới là tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon. Ông sinh ra ở Pretoria, Nam Phi trong một gia đình có mẹ là người Canada và bố là người Nam Phi. Ông theo học Đại học Pennsylvania của Mỹ và tốt nghiệp năm 1997.

Musk chẳng sáng chế ra tên lửa hay chiếc ô tô điện nào, cũng không sáng lập Tesla, công ty mà ông lãnh đạo từ 2008. Nhưng tầm nhìn của ông về việc xe điện Tesla phải là những cỗ máy hiệu năng cao kết hợp với phần mềm tinh vi như một chiếc điện thoại thông minh đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trong cuộc cách mạng này, những hãng xe lâu năm đã phải vội vã đầu tư để theo kịp Tesla, và những công ty khởi nghiệp chỉ sản xuất xe điện như Rivian xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Ban đầu, nhiều người nhận định rằng Tesla sẽ thất bại và điều đó đã suýt trở thành hiện thực trong cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào giai đoạn 2008-2009 và 2017-2018, khi công ty rơi vào tình cảnh lao đao trong quá trình sản xuất mẫu xe Model 3. Phải đến năm 2020, Tesla mới bắt đầu phát sinh lợi nhuận theo quý.

Kết quả kinh doanh ngày càng khởi sắc của Tesla đã được Phố Wall ghi nhận bằng cách đưa giá trị vốn hoá thị trường của hãng lên hơn 1 nghìn tỷ USD, lớn hơn tổng vốn hoá của 3 hãng xe lâu năm của Mỹ gồm General Motor (GM), Ford, và Chrysler Stellantis cùng hãng xe Nhật Bản Toyota gộp lại. Ngoài ra, Tesla cũng là công ty lớn thứ 4 trong chỉ số S&P 500, thước đo tham chiếu của thị trường chứng khoán Mỹ.

Bên cạnh đó, SpaceX, tập đoàn công nghệ do ông Musk sáng lập đã khiến những “ông lớn” lâu năm trong lĩnh vực này phải dè chừng. SpaceX phát triển những tên lửa có khả năng đưa vệ tinh lên không gian và sau đó quay trở lại Trái Đất để được tái sử dụng.

Trong quá trình làm việc, ông Musk phải đối mặt với tình trạng nhiều cấp dưới không thể theo kịp hoặc chán ngán với những đòi hỏi bất tận của mình. Ngay cả những cổ đông lớn nhất của Tesla cũng không ít lần mất kiên nhẫn với ông. Nhà đầu tư có tiếng Cathie Wood, người nhờ nắm giữ nhiều cổ phiếu Tesla mà quỹ ARK Innovation ETF của bà đã đạt được kết quả tốt nhất trong số tất cả các quỹ đầu tư ở Mỹ trong năm 2020, đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng bà hầu như không còn giữ liên lạc cá nhân với ông Musk nữa.

Thêm vào đó, CEO Tesla và SpaceX cũng gây nhiều tranh cãi vì sự thiếu thân thiện của ông với các tổ chức công đoàn. Ông còn xung đột với nhiều cộng sự cũ, giới chức tiểu bang và liên bang, cùng các nhân vật tầm cỡ ở Phố Wall như nhà bán khống Jim Chanos của Kynikos Associates. Ông Chanos đã hứng chịu cơn thịnh nộ của ông Musk vì cho rằng dự báo của vị tỷ phú về sản lượng của Tesla, cũng như công ty giao thông đường hầm The Boring Company của ông, là những mục tiêu không thể trở thành hiện thực.

Chính nhờ Twitter m ôngà Musk trở thành một trong những cái tên quen thuộc trên phạm vi toàn cầu. Ông có hơn 80 triệu người theo dõi trên mạng xã hội này và đã tạo được một sức hút đủ lớn để giúp ông có được một vị trí quan trọng trong chương trình truyền hình nổi tiếng “Saturday Night Live” của Mỹ vào năm 2021.

Tỷ phú Elon Musk đề nghị mua đứt, Twitter gặp khó? 

CEO Tesla và SpaceX phản đối những gì ông coi là thiếu tự do ngôn luận trên Twitter. Ông Musk cho rằng nền tảng nên mở mã nguồn thuật toán để tăng tính minh bạch trong các quyết định về nội dung. Đây sẽ là thay đổi lớn với cách hoạt động của Twitter.

Khi được hỏi làm cách nào để thay đổi việc kiểm duyệt nội dung của Twitter, ông Musk giải thích rằng bài kiểm tra một nền tảng có tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không rất đơn giản. “Nếu bạn cho phép người bạn không ưa nói điều bạn không thích, đó là tự do ngôn luận”, ông nói.

Khi được hỏi về kế hoạch dự phòng nếu nỗ lực mua Twitter không thành công, Musk cho biết ông có nhiều ý tưởng khác nhau. Nhưng CEO SpaceX từ chối giải thích và nói rằng những điều này sẽ cần chờ một thời điểm khác.

Nếu thâu tóm được toàn bộ Twitter, ông Musk sẽ gia nhập danh sách dài các tỷ phú Mỹ dùng các tài sản truyền thông để củng cố khối tài sản cá nhân của họ, từ William Randolph Hearst vào cuối thế kỷ thứ 19 cho tới Jack Wealch, người vào năm 1986 quyết định mua lại kênh NBC khi còn đang là CEO của tập đoàn công nghiệp General Electric (GE).

Ông Musk đã dùng Twitter để tấn công các nhà bán khống cổ phiếu Tesla, từ lớn đến nhỏ. Ông cũng đăng lên Twitter đủ mọi nội dung, từ những câu chuyện đùa cho tới các cuộc khảo sát về việc liệu ông nên làm gì với phần tài sản gia tăng có được nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu Tesla.

Những nội dung mà ông Musk đăng tải trên Twiter đã trở thành một trong số những nguyên nhân dẫn tới cuộc đụng độ đến nay còn chưa dừng lại giữa ông với Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC). Vào năm 2018, vị CEO này và SEC đã đạt một thoả thuận theo đó cơ quan này yêu cầu ông phải có sự phê chuẩn trước khi đăng lên Twitter một số nội dung nhất định. Thoả thuận này dàn xếp vụ kiện mà SEC nhắm vào Musk sau khi ông đăng lên Twitter với nội dung rằng ông đã “tìm được nguồn vốn” để đưa Tesla trở thành một công ty tư nhân. Sau đó, SEC đã cáo buộc ông Musk lừa dối nhà đầu tư, nhưng trong thoả thuận giữa 2 bên, ông không thừa nhận cáo buộc này. Sau khi đạt thoả thuận với SEC, thì CEO Tesla và SpaceX đến nay vẫn cáo buộc cơ quan này “không ngừng quấy rối” mình.

“Twitter gắn liền với danh tiếng toàn cầu của ông Musk. Đó là lý do tại sao vị CEO này lại đam mê nền tảng đó đến như vậy”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities cho hay. “Nhưng đối với ban lãnh đạo của Twitter, việc ông Musk muốn mua đứt công ty này là một cơn ác mộng. Nếu không muốn bị vướng vào kiện tụng, họ sẽ phải tìm một lời chào mua khác”.

Phan Anh (tổng hợp)

Cuộc thi húc xe kỳ lạ – nơi những tay đua không ngại va chạm