Ngày 4/1, Giáo sư danh dự Alan Dershowitz của Trường Luật Harvard cho biết, bản tóm tắt luận tội của Hạ viện đối với cựu Tổng thống Donald Trump, vốn đang tìm cách làm suy yếu lập luận biện hộ dựa trên Tu chính án thứ nhất của nhóm pháp lý của ông Trump, là một khía cạnh nguy hiểm chống lại quyền tự do ngôn luận của tất cả người Mỹ.

Embed from Getty Images

Giáo sư danh dự Alan Dershowitz của Trường Luật Harvard (Ảnh: Getty Images)

Ông Dershowitz đã viết trên chuyên trang ý kiến – bình luận của The Hill, phản đối một lập luận quan trọng được nêu ra bản tóm tắt luận tội, đó là “Tu chính án thứ nhất hoàn toàn không áp dụng cho thủ tục luận tội”, đây là dấu hiệu cho thấy Quốc hội sẵn sàng nhằm vào quyền tự do ngôn luận một cách rộng rãi hơn.

Ông Dershowitz viết: “Bản tóm tắt được đệ trình bởi các nhà quản lý Hạ viện ủng hộ việc kết án và truất quyền công dân của ông Donald Trump hàm chứa một cuộc tấn công trực diện vào quyền tự do ngôn luận của tất cả người Mỹ. Nó tuyên bố rõ ràng rằng ‘Tu chính án thứ nhất hoàn toàn không áp dụng cho các thủ tục luận tội’, bất chấp thực tế rằng ngôn ngữ diễn đạt của Tu chính án đó cấm Quốc hội đưa ra bất kỳ luật nào hoặc có thể là thực hiện bất kỳ hành động nào khác mà tước đoạt ‘quyền tự do ngôn luận’.”

Sau đó, học giả pháp lý này còn thách thức một tuyên bố khác trong bản tóm tắt, đó là “Tu chính án thứ nhất tồn tại nhằm thúc đẩy hệ thống dân chủ của chúng ta.”

Ông Dershowitz nhận định: “Tuyên bố mang tính phân loại này chắc chắn sẽ gây ngạc nhiên cho những người lập Hiến đã thiết lập Tu chính án thứ nhất, những người tin tưởng vào quyền tự do ngôn luận nhưng không quá tin tưởng vào nền dân chủ.” Ông còn lập luận thêm rằng tự do ngôn luận là “điều cần thiết để duy trì một nền cộng hòa, mà không nhất thiết phải là một nền dân chủ”. 

“Vì vậy, không phải, Tu chính án thứ nhất không tồn tại chỉ để ‘bảo vệ hệ thống dân chủ của chúng ta’. Nó tồn tại để bảo vệ quyền tự do của chúng ta, bất kể chúng ta lựa chọn hệ thống nào,” ông viết.

Ông Dershowitz nhìn nhận, lập luận của phía Hạ viện rằng Tu chính án thứ nhất “không áp dụng cho các tổng thống hoặc những người khác ‘tấn công nền dân chủ của chúng ta’, cũng giống như lập luận của Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy và các cộng sự của ông nhiều thập kỷ trước khi họ tìm cách bác bỏ sự bảo vệ của Tu chính án thứ nhất đối với những người cộng sản và những người khác bị coi là kẻ thù của nền dân chủ và những người mà nếu họ lên nắm quyền, sẽ phủ nhận nốt phần còn lại trong các quyền tự do của chúng ta, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận.”

“Quyền tự do ngôn luận phải dành cho cả những người sẽ thay thế nền dân chủ bằng các hệ thống quản trị khác. Nó thậm chí phải dành cho cả những người ủng hộ những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận, như nhiều người cánh tả cực đoan trẻ tuổi đang làm hiện nay. Họ cũng phải được phép bày tỏ quan điểm nguy hiểm của mình,” ông khẳng định.

Bản tóm tắt luận tội của Hạ viện lập luận rằng Tu chính án thứ nhất bảo vệ các công dân riêng biệt khỏi chính phủ nhưng “nó không bảo vệ các quan chức chính phủ khỏi trách nhiệm giải trình về những lạm dụng của chính họ khi đang cầm quyền”, đồng thời tin rằng, “các quyền tự do của Tu chính án thứ nhất chắc chắn không đưa ra lời bào chữa hay biện hộ nào cho hành vi phá hoại của Tổng thống Trump”.

Bản tóm tắt viết: “Ngay cả khi Tu chính án thứ nhất được áp dụng ở đây, thì các công dân và các quan chức chính phủ vẫn đứng trên những cơ sở rất khác nhau khi phải chịu trách nhiệm về những tuyên bố của mình.”

Trích dẫn các phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong các vụ kiện Branti với Finkel and Elrod với Burns, họ lập luận rằng, “với tư cách là người lãnh đạo Quốc gia, Tổng thống chiếm giữ một vị trí quyền lực duy nhất. Và Tòa án Tối cao đã nói rõ rằng Tu chính án thứ nhất không che chắn cho các quan chức công quyền, những người đảm nhận các vị trí hoạch định chính sách nhạy cảm, khỏi những hành động gây hại khi bài phát biểu của họ làm suy yếu các lợi ích quan trọng của chính phủ”.

Bản tóm tắt luận tội của Hạ viện cáo buộc rằng ông Trump đã kích động một đám đông đột nhập Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6/1, bằng cách gieo rắc nghi ngờ về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong khi đó, nhóm pháp lý của ông Trump phủ nhận cáo buộc và lập luận trong một bản ghi nhớ rằng phiên tòa luận tội này là vi hiến vì ông Trump đã không còn là tổng thống nữa. Họ cũng lập luận rằng ông Trump được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất khi nêu ra nghi vấn về kết quả của cuộc bầu cử.

Trong bản ghi chú, hai luật sư Bruce Castor và David Schoen nhấn mạnh: “Điều khoản hiến pháp yêu cầu một người đang thực sự giữ chức vụ mới bị luận tội. Vì Tổng thống thứ 45 không còn là ‘Tổng thống’, điều khoản ‘sẽ bị loại khỏi Văn phòng vì bị luận tội theo [tội danh]…’ là không thể thực hiện đối với Thượng viện, và do đó thủ tục pháp lý hiện tại trước Thượng viện là vô hiệu về mặt pháp lý ngay từ đầu, vì đi ngược lại với những ngôn từ rõ ràng trong Hiến pháp.”

“Sau cuộc bầu cử tháng 11, Tổng thống thứ 45 đã thực hiện quyền Tu chính án thứ nhất của mình theo Hiến pháp để bày tỏ tin tưởng rằng kết quả bầu cử là đáng ngờ, vì có rất ít trường hợp ngoại lệ, dưới chiêu bài [tạo điều kiện thuận tiện cho việc] thực hiện các biện pháp an toàn trong đại dịch COVID-19, mà luật bầu cử của các tiểu bang và các thủ tục đã được thay đổi bởi các chính trị gia hoặc thẩm phán địa phương, mà không có sự chấp thuận cần thiết từ các cơ quan lập pháp tiểu bang,” nhóm pháp lý cũng viết.

Quan điểm ​​của ông Dershowitz về việc những lý lẽ được nêu trong bản tóm tắt luận tội là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận trên phạm vi rộng hơn, cũng tương đồng với một tuyên bố của ông Jason Miller cố vấn cựu Tổng thống Trump: “Không chỉ Tổng thống Trump sẽ bị xét xử vào tuần tới. Tu chính án thứ nhất sẽ được đưa ra xét xử vào tuần tới bởi vì Đảng Dân chủ sẽ không dừng lại việc tấn công Tổng thống Trump, họ muốn truy đuổi quyền tự do ngôn luận và quyền của tất cả người dân Mỹ.”

Về phiên tòa luận tội, các thành viên Đảng Dân chủ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn tại Thượng viện, bởi hiện tại có tới 45 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết coi phiên tòa này là vi hiến. Thượng viện phải có tối thiểu 2/3 số phiếu cần thiết (67 phiếu) thì mới có thể buộc tội cựu Tổng thống.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: