Khu vực Đông Nam Á đang trở thành chiến trường trong cuộc chiến viễn thông khi Singapore, Việt Nam đều chọn các đối thủ châu Âu phát triển mạng 5G.

Huwei giúp Triều Tiên, Huawei giúp Triều Tiên xây dựng mạng viễn thông, huawei Trung Quốc giúp Triều Tiên
(Ảnh minh họa từ Shutterstock)

Theo tờ Nikkei Asia Review, công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng mạnh trong cuộc đua toàn cầu về thiết bị mạng 5G, với việc Singapore trở thành quốc gia mới nhất hợp tác với các nhà sản xuất châu Âu về hạ tầng Internet tốc độ cao.

Tháng trước, các nhà khai thác viễn thông lớn của quốc gia này, Công ty Vô tuyến Viễn thông Singapore (Singtel) và Tập đoàn tài chính quốc tế StartHub-M1 tuyên bố họ đã lần lượt chọn hãng Ericsson của Thuỵ Điển và Nokia của Phần Lan làm đối tác mạng 5G sẽ được triển khai vào tháng 1 năm 2021. 

Mặc dù chính phủ Singapore nhấn mạnh điều này không có nghĩa là Singapore từ chối nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng có thể thấy Huawei đã thất bại tại quốc đảo này, đặc biệt khi Singtel rất có tầm ảnh hưởng ở châu Á với cổ phần tại AIS của Thái Lan, Telkomsel của Indonesia và Globe Telecom của Philippin cũng như Bharti Airtel của Ấn Độ.

Giờ đây khi quốc gia giàu nhất và tiến tiến nhất về công nghệ của Đông Nam Á đã chọn các công ty châu Âu, trọng tâm tiếp theo của Huawei là các nước khác trong khu vực.

Do đại dịch virus corona, các công ty và cá nhân đang có xu hướng sử dụng Internet nhiều hơn trong công việc và học hành, cũng như thương mại điện tử và truyền phát video từ xa. Các nhà khai thác hệ thống viễn thông Đông Nam Á đang tăng tốc triển khai dịch vụ 5G vì tình hình gần đây đã làm gia tăng nhu cầu về hạ tầng công nghiệp và thương mại Internet tốc độ cao.

Nhà điều hành hãng điện thoại lớn nhất của Thái Lan Advanced Info Service (AIS) đã tiết lộ hồi tháng Năm rằng công ty đã dành 1,2 tỷ đôla vào đầu tư mở rộng mạng 5G nhằm mục đích phủ sóng khoảng 13% toàn dân số Thái Lan vào cuối năm nay. 

Huawei với giá cả cạnh tranh, có thể rẻ hơn tới 30% so với Ericsson và Nokia, đang tích cực mở rộng thị trường ở Đông Nam Á. Hãng này đã làm việc với AIS của Thái; hợp tác với Maxis của Malaysia; và làm việc với Globe Telecom của Philippines để thí điểm, triển khai các dịch vụ 5G. Đất nước Campuchia vốn thân Trung Quốc cũng sử dụng Huawei.

Tuy nhiên, Huawei cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ châu Âu không chỉ với Singtel. Tập đoàn True, một đối thủ cạnh tranh của AIS (Thái Lan) đã chọn Ericsson làm nhà cung cấp hệ thống truy cập vô tuyến điện như một phần của hệ thống 5G quốc gia, qua đó Ericsson sẽ cung cấp hệ thống trong ba khu vực ở Thái Lan. 

Ba nhà điều hành mạng viễn thông lớn của Việt Nam gồm Viettel, MobiFone và Vinaphone, tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước, cũng đã hoàn thành thử nghiệm mạng 5G tại các thành phố lớn vào tháng Tư. Viettel đã hợp tác với Nokia, và cũng tự phát triển thiết bị 5G của riêng mình, cho phép công ty bỏ qua các thiết bị 5G do Huawei cung cấp.

Theo tờ Nikkei, căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang leo thang đồng thời cũng làm xuất hiện nhiều vấn đề kinh tế.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng các nỗ lực làm tê liệt nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc trong thời gian qua, điều này có thể tác động tới các nước vẫn còn mở cửa cho Huawei. Vương quốc Anh ban đầu không định loại trừ Huawei, nhưng hiện đang xem xét lại các kế hoạch 5G của họ khi căng thẳng ngoại giao gia tăng tại Hồng Kông.

Ấn Độ cũng có kế hoạch loại trừ các nhà mạng Trung Quốc khỏi các thử nghiệm 5G sau cuộc đụng độ tại biên giới tháng trước với Trung Quốc, theo truyền thông địa phương. Quốc gia Nam Á này cũng đã cấm các ứng dụng của Trung Quốc như TikTok và WeChat.

Trước đó vào năm 2018, Úc cũng đã quyết định loại trừ Huawei và ZTE khỏi mạng 5G quốc gia do những quan ngại về an ninh.

Trong một thông cáo báo chí ngày 24/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng hiện các nước đều quan tâm hơn tới vấn đề an ninh. Ông cho rằng ngày càng nhiều quốc gia, nhiều công ty, nhiều công dân sẽ nhận thấy rằng họ sẽ không thể tin tưởng nhà nước giám sát của ĐCSTQ trong việc quản lý những dữ liệu thông tin nhạy cảm nhất của mình.

Tại Đông Nam Á, căng thẳng cũng gia tăng tại biển Đông khi Trung Quốc leo thang các hoạt động trong khu vực. Một tranh cãi chính trị như vậy có thể ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế như việc ký kết hợp đồng mạng 5G. 

Xuân Lan (theo Nikkei)

Xem thêm: