Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào sáng thứ 4 (12/4), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi giải pháp “hòa bình” đối với căng thẳng đang leo thang ở Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng cho biết Tổng thống Trump là người đề xuất nói chuyện với Chủ tịch Tập qua điện thoại. Trong khi, Nhà Trắng lại không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cuộc điện đàm này.

Trump nói trên Twitter rằng cuộc gọi với ông Tập, diễn ra chỉ vài ngày sau khi họ đã gặp trực tiếp ở Florida, Hoa Kỳ lần đầu tiên, là một cuộc thảo luận “rất hữu ích” về “mối đe dọa Bắc Hàn”.

Trong một buổi họp báo tại một sự kiện của Nhà Trắng sau đó, ông Trump đã hoan nghênh Trung Quốc vừa buộc các tàu than trở lại Bắc Hàn, tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) và nói ông nghĩ rằng Tập đã muốn giúp [giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng].

Chúng ta sẽ xem liệu ông ta có làm được hay không. Nếu không, chúng ta sẽ đi một mình, cũng sẽ ổn thôi, nhưng đi một mình có nghĩa là đi với nhiều quốc gia khác.” Trump nói.

Cuộc điện đàm Trump-Tập diễn ra vào thời điểm khi một tờ báo nhà nước có sức ảnh hưởng của Trung Quốc cảnh báo rằng bán đảo Triều Tiên đang tiến gần nhất tới một “cuộc đụng độ quân sự” kể từ khi Bắc Hàn tiến hành thử hạt nhân năm 2006.

Cuộc điện thoại này nhấn mạnh một cảm giác cấp bách vì những lo ngại rằng Bắc Hàn có thể sớm tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc phóng tên lửa nhiều hơn nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của LHQ, và lời đe dọa sẽ đơn phương giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của Trump.

Vào cuối tuần trước, Trump đã lệnh cho hạm đội hải quân USS Carl Vinson áp sát bán đảo Triều Tiên nhằm ngăn chặn những động thái quá khích của Bắc Hàn.

Ngay sau đó, Bình Nhưỡng đã lên tiếng cảnh báo sẽ tấn công hạt nhân vào Mỹ nếu phát hiện dấu hiệu xâm lược từ Hoa Kỳ. Hiện tại, về mặt kỹ thuật Bắc Hàn vẫn đang duy trì tình trạng chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc.  Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953 chỉ kết thúc bằng một quyết định ngừng bắn, không phải là một hiệp định hòa bình, và Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên đe doạ sẽ tiêu diệt cả Mỹ và Nam Hàn.

Bất chấp những lời lẽ hiếu chiến của Bắc Hàn, các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn vẫn sẽ là lựa chọn của Washington nhằm thúc ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Đồng thời, Mỹ đã nói tất cả các lựa chọn, bao gồm cả các biện pháp quân sự, đã được đặt lên bàn cân và rằng cuộc không kích vào Syria tuần trước chính là lời cảnh báo tới Bắc Hàn.

Trong khi đó, kênh truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Tập trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc “cam kết mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bảo đảm hòa bình và ổn định trên bán đảo và ủng hộ giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Khảng đã thúc giục các bên giảm căng thẳng. Ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan không có hành động vô trách nhiệm. Trong hoàn cảnh hiện tại, điều này rất nguy hiểm”.

Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo của ĐCS Trung Quốc, nhưng không đại diện cho các chính sách của chính phủ, đã nói rằng Bắc Hàn nên ngừng bất kỳ kế hoạch nào về các hoạt động hạt nhân và tên lửa để đảm bảo an ninh cho chính mình, trong khi cũng lưu ý đến quyết định gần đây của Trump cho phóng 59 tên lửa Tomahawk vào một căn cứ không quân Syria để đáp trả một cuộc tấn công bằng khí độc của lực lượng thân Assad tuần trước.

Một bài xã luận đăng trên tờ báo này có đoạn viết: “Washington không chỉ tràn đầy tự tin và kiêu ngạo sau các cuộc tấn công tên lửa vào Syria, mà còn cho thấy ông Trump đã sẵn sàng được tôn vinh là người biết giữ lời hứa của mình”.

Hoa Kỳ đang quyết tâm ngăn Bắc Hàn tiến hành các cuộc thử hạt nhân tiếp theo và không có kế hoạch cùng tồn tại với một Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng nên tránh những sai lầm vào thời điểm này.” Bài báo này nhấn mạnh.

Bài báo trên cũng nói rằng nếu Bắc Hàn thực hiện một động thái khiêu khích khác, “xã hội Trung Quốc” có thể sẽ sẵn sàng ủng hộ những biện pháp trừng phạt chưa từng thấy, ví như “hạn chế nhập khẩu dầu”.

Bắc Hàn đang tự chuốc lấy rắc rối

Cuộc điện đàm Trump-Tập diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump đăng lên Twitter về thông tin cuộc gặp đầu tiên với ông Tập.

Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng một hiệp định thương mại với Hoa Kỳ sẽ cực tốt cho họ nếu họ giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên!” ông nói điều này qua đoạn tweet và tiếp rằng “Bắc Hàn đang tìm kiếm rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp, điều đó sẽ rất tốt. Nếu không, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này mà không cần họ!”

Trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức Fox Business Network, ông Trump cũng nói: “Chúng ta đang điều động tới đó một hạm đội. Rất mạnh mẽ…Chúng ta có tàu ngầm. Rất mạnh mẽ. Sức mạnh vượt trội hơn cả tàu sân bay.”

Cùng với việc Mỹ đưa hạm đội hải quân Carl Vinson tới Tây Thái Bình Dương, nơi gần đây Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận chung với hải quân Hàn Quốc.  Hãng tin Reuters cho biết Hải quân Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch tập trận chung với các tàu chiến Mỹ.

Việc triển khai các tàu chiến này của các bên đã làm Bắc Hàn phẫn nộ, theo đó, Bình Nhưỡng tuyên bố mình có quyền để phát triển vũ khí hạt nhân cho mục đích tự vệ hoặc sử dụng để tấn công phủ đầu.

Bắc Hàn nói thêm rằng Hoa Kỳ đã cho thấy “những hành động xâm lược liều lĩnh”, và cảnh báo họ sẽ tự vệ “bằng sức mạnh  vũ khí”.

Bình Nhưỡng đã cho tiến hành các vụ thử tên lửa với tần suất ngày càng tăng trong những tháng gần đây, bất chấp lệnh cấm hoạt động hạt nhân và tên lửa của LHQ.

Bắc Hàn hồi đầu năm cũng đã tuyên bố rằng họ sắp tiến hành thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân – có thể vươn tới Bắc Mỹ.

Xuân Thành

Xem thêm: