Dưới đây là bản dịch toàn văn bài diễn thuyết “Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ – Canada đối đầu với Trung Quốc” của Cựu quốc vụ khanh Canada về Châu Á – Thái Bình Dương, ông David Kilgour, đọc tại sự kiện do Hội đồng Hòa bình Thủ đô Quốc gia Canada tổ chức.

David Kilgour: Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ - Canada đối đầu với Trung Quốc
Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada, phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: Minghui)

Cuộc đàn áp người dân tộc Turk ở Tân Cương/Đông Turkistan của Bắc Kinh dưới thời Tập Cận Bình đã vấp phải sự chỉ trích ngày càng gia tăng.

Cuộc đàn áp này đã bắt đầu sau khi quân đội của Mao Trạch Đông chiếm đóng nhà nước Đông Turkistan độc lập vào năm 1949. Sau đó, khu vực này đã bị sử dụng như một phòng thí nghiệm vô nhân đạo cho 47 vụ thử hạt nhân từ năm 1964 đến năm 1996. Những cuộc thử nghiệm đã khiến nhiều người dân mắc phải bệnh ung thư do phóng xạ gây ra.

Kể từ năm 2016, cuộc đàn áp đã tồi tệ đến mức ngày càng có nhiều người so sánh nó với cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã. Ngày nay, không có chính phủ nước ngoài nào được phép gửi các nhà ngoại giao hoặc công dân của mình đến Tân Cương. Các công ty có trụ sở nước ngoài cũng không được mở văn phòng tại Tân Cương; thế giới không biết đại dịch COVID-19 đã gây ra những gì với cư dân bản địa.

Chúng ta được biết từ những người sống sót đào thoát khỏi Tân Cương, từ tài liệu chính thức bị rò rỉ và từ hình ảnh vệ tinh rằng Bắc Kinh đang tống nhiều người vào trại tập trung, cưỡng ép họ từ bỏ đạo Hồi, giám sát 24/7, tra tấn và cướp nội tạng.

Theo Viện Chính sách Úc, ít nhất 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị chuyển đi làm lao động cưỡng bức trong các nhà máy ở các khu vực khác của Trung Quốc.

Hiệp ước dẫn độ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc

Vào ngày 28/12/2020, theo Kênh 24 của Pháp, nhà nước đảng trị Bắc Kinh đã tuyên bố phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó họ sẽ thúc đẩy việc dẫn độ một số người tị nạn và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị nghi ngờ là “khủng bố” về lại Trung Quốc.

Kênh 24 của Pháp cho biết:

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận song phương được ký kết vào năm 2017, nhưng thỏa thuận đã làm dấy lên lo ngại trong một cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ lớn (ước tính khoảng 50.000 người) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ ngôn ngữ và văn hóa với người Duy Ngô Nhĩ; Ankara [thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ] từ lâu đã là một trong những người bảo hộ chính nghĩa cho người Duy Ngô Nhĩ trên trường quốc tế.

“Hội nghị của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phê chuẩn hiệp ước dẫn độ Trung-Thổ”, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngắn trên trang web của họ. May mắn thay, việc dẫn độ vẫn có thể bị thách thức vì một số lý do.

Nếu quốc gia được yêu cầu dẫn độ coi việc dẫn độ là có liên quan tới ‘tội phạm chính trị’, nếu đương sự là một trong các công dân của quốc gia đó hoặc nếu người đó được hưởng quyền tị nạn, thì có thể việc dẫn độ sẽ không xảy ra.

Ông Dilxat Raxit, phát ngôn viên của Quốc hội người Duy Ngô Nhĩ Quốc tế, một tổ chức lưu vong có trụ sở tại Đức, nói với AFP: “Hiệp ước dẫn độ này sẽ gây lo lắng cho những người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi Trung Quốc và chưa có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.” Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ (…) ngăn hiệp ước này trở thành công cụ đàn áp”, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh đang gây áp lực kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn hiệp ước.

Vấn đề này là vô cùng tế nhị đối với Ankara vì người Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn cầu rất nhạy cảm với vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ. Các bài báo cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bí mật trục xuất người Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đa số người Hồi giáo duy nhất cho đến nay đã công khai lên án việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã mô tả điều này vào đầu năm 2019 là một “nỗi ô nhục cho nhân loại”. Tuy nhiên vào năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại ca ngợi chính sách được tiến hành ở Tân Cương, đánh giá người dân ở đó là ‘hạnh phúc’, theo bình luận của hãng tin China News.

Đài Á Châu Tự do

Để làm sáng tỏ tuyên bố ‘hạnh phúc’ trên, Đài Á Châu Tự do đã tiết lộ một tin tức vào ngày 18/11/2020 (1). Một bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm tại thành phố Aksu (dân số 600.000) ở Tân Cương đã được chuyển thành trại giam giữ cấp độ 2. Gần đó có một lò hỏa táng lớn và “hành lang xanh” để vận chuyển nhanh nội tạng tại sân bay Aksu gần đó.

Ông Ethan Gutmann, tác giả của cuốn sách Đại Thảm Sát (The Slaughter), người đã dành nhiều năm nghiên cứu việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân chính trị ở Trung Quốc, kết luận rằng hệ thống các trại Aksu, cơ sở hạ tầng bệnh viện và hành lang xanh là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch ổn định nguồn nội tạng từ người Duy Ngô Nhĩ.

Ông nói thêm, “… một trung tâm hỏa táng lớn và một bệnh viện… kết nối trực tiếp với trại tập trung… Họ lấy nội tạng từ (những) người sống, rồi để cho họ chết. Các cơ quan nội tạng được cho vào…. (một) máy (cung cấp oxy trong khoảng 20-24 giờ). … Đó là thời gian đủ để vận chuyển [một cơ quan nội tạng] đến sân bay và đưa nó đến bờ biển phía đông Trung Quốc.”

Các cựu tù nhân mà ông Gutmann gặp đã tiết lộ tỉ mỉ việc xét nghiệm DNA và máu dưới vỏ bọc của một “cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện” bắt buộc. Nhưng Gutmann cho rằng các xét nghiệm này là “để tìm kiếm mô phù hợp [cho cấy ghép tạng]”. Cơ sở hạ tầng tại các địa điểm Aksu “đẩy nhanh tiến độ… để có biên lợi nhuận cao hơn”, (bởi vì) khách du lịch cấy ghép tạng từ nước ngoài sẵn sàng trả giá cao hơn đáng kể so với công dân Trung Quốc. Có nghĩa là mỗi nạn nhân có thể “trị giá” khoảng 750.000 đô la Mỹ cho phổi, tim, thận và gan của họ.

Năm 2017, Tập Cận Bình bắt đầu xây dựng trại tập trung “cải tạo” cho các cộng đồng Hồi giáo, tương tự như những trại tập trung dành cho người tập Pháp Luân Công vào khoảng giữa năm 1999. Cả hai mạng lưới đều tiếp nhận các tù nhân bị cảnh sát bắt giữ mà thậm chí không cần qua thủ tục điều trần, xét xử hoặc kháng cáo – một cách làm nghiệt ngã được phát minh ở Liên Xô dưới thời Stalin.

Tác giả người Mỹ Robert D. Kaplan kết luận rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường khổng lồ của Trung Quốc “đòi hỏi sự khuất phục hoàn toàn của người Duy Ngô Nhĩ” (2).

Năm 2018, các học giả từ 40 quốc gia đã lên án việc giam giữ người thiểu số ở Tân Cương và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Bắc Kinh ngừng chiến dịch vô nhân đạo chưa từng có này.

Bác sĩ Tohti và nhà báo Gutmann

Thu hoạch nội tạng từ người Duy Ngô Nhĩ đã có trước việc thu hoạch tạng từ người tập Pháp Luân Công (việc thu hoạch tạng từ Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 2001). Tiến sĩ Enver Tohti, một người Duy Ngô Nhĩ, đã thường xuyên làm chứng chi tiết về việc vào năm 1995, với tư cách là bác sĩ khoa ngoại tại bệnh viện Ürümqi, ông đã bị đưa đến một khu hành quyết để mổ lấy thận và gan của một tù nhân còn sống.

Ông Gutmann ước tính rằng nội tạng của 65.000 người tập Pháp Luân Công và 2000-4000 người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người theo Kitô giáo đã bị “thu hoạch” từ năm 2000 đến năm 2008.

Bác sĩ Tohti đã công khai một bức ảnh về Con đường xanh vận chuyển nội tạng người (HOTGP) tại sân bay Ürümqi, nơi đang xúc tiến việc vận chuyển nội tạng đến những người nhận trên toàn cầu. Ảnh chụp biển báo làn đường ưu tiên được đánh dấu “Hành khách đặc biệt, Làn đường xuất khẩu nội tạng người” đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Tiến sĩ Maya Mitalipova tại Viện Nghiên cứu Y sinh Whitehead của trường MIT khẳng định: “… (toàn bộ) người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh và những người Hồi giáo khác ở (Tân Cương) (đã) được kiểm tra sức khỏe cưỡng bức và… mẫu máu (đã được) lấy… (từ) 2016 (trở đi). Những thủ tục này chỉ được thực hiện (đối với) người Hồi giáo… ”(3)

Ủy ban Liên Hợp Quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc đã gọi Tân Cương là “vùng không có nhân quyền”. Các trại lao động bị bao quanh bởi hàng rào thép gai, camera giám sát và lính canh có vũ trang, đó là nơi người thiểu số Turk [bao gồm người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số Hồi giáo khác] bị buộc phải làm việc với mức lương thấp hoặc không lương.

Kêu gọi hành động

Các chính phủ và doanh nghiệp có trách nhiệm trên toàn thế giới, bao gồm cả Canada, nên cùng Hoa Kỳ và Úc tẩy chay bất kỳ ai kinh doanh ở Tân Cương. Lao động cưỡng bức trong các trại tập trung đang đầu độc chuỗi cung ứng của nhiều công ty nổi tiếng từ các quốc gia dân chủ. (4)

Đạo luật Magnitsky toàn cầu giúp một số chính phủ, bao gồm Canada, dễ dàng áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và thị thực có mục tiêu đối với các quan chức vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.

Hạ viện Hoa Kỳ gần đây đã thông qua “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” bằng một cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 406-3; đạo luật hiện đang được Thượng viện xem xét. Đạo luật tuyên bố rằng trừ khi Hải quan Hoa Kỳ có thể xác minh rằng hàng hóa không được sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức, bằng không hàng hóa không thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Nếu điều này trở thành luật, nó sẽ đánh dấu nỗ lực đáng kể nhất để gây áp lực với Bắc Kinh về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.

Xin cảm ơn,
David Kilgour

Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: Hơn 100 tổ chức người Việt ở hải ngoại kêu gọi quan tâm tới tội ác thu hoạch tạng

Chú thích:

(1). https://www.rfa.org/english/news/uyghur/trade-11182020153703.html?fbclid=IwAR34GcboDv-S467RGduB1IayuIEqEqln9GoJTDHRIUUi9ukLViTLokqaopo

(2). source:www.newdelhitimes.com › beijings-mass-internment-of-uyghurs

(3). source:www.nytimes.com › 2019/12/03 › business › china-dna-uighurs-xinjiang

(4). https://www.rfa.org/english/news/uyghur/labor-10172019142633.html