Hôm thứ Tư (16/5), Guatemala đã chính thức chuyển Đại sứ quán của nước này từ Tel Aviv tới Jerusalem. Điều gì đã khiến quốc gia Trung Mỹ này nối gót Mỹ ủng hộ Israel?

Embed from Getty Images

Tổng thống Guatemala Jimmy Morales và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới tham dự lễ khai trương Đại sứ quán Guatemala đặt tại tây Jerusalem.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Netanyahu cho hay: “Không phải ngẫu nhiên mà Guatemala lại nằm trong số những nước đầu tiên hiện nay mở Đại sứ quán tại Jerusalem. Các bạn luôn luôn là những người đầu tiên. Các bạn là nước thứ hai công nhận nhà nước Israel độc lập [năm 1948]”.

Tổng thống Morales cho biết đất nước của ông, Israel và Mỹ “chia sẻ tình hữu nghị, dũng khí và lòng trung thành”.

Trong khi đó, Palestine đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định của Guatemala. Nhà đàm phán cao cấp của Palestine, ông Saeb Erekat nói rằng: “Chính phủ Guatemala đã lựa chọn đứng về bên sai trái của lịch sử, đứng về bên vi phạm luật pháp quốc tế và nhân quyền, và thực hiện bước đi thù địch chống lại nhân dân Palestine và thế giới Ả Rập”.

Vậy tại sao Guatemala lại nhanh chóng nối gót Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem? Dưới đây là ba nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, Guatemala và Israel là những đối tác lâu năm, mối quan hệ đã hình thành ngay từ khi Israel lập quốc cách đây 70 năm. Guatemala là quốc gia thứ hai trên thế giới công nhận nhà nước Israel độc lập năm 1948 và là nước đầu tiên đặt sứ quán tại Jerusalem vào năm 1956. Năm 1980, khi Quốc hội Israel ra tuyên bố Jerusalem là thủ đô vĩnh cữu, không thể chia tách của Israel khiến Liên Hiệp Quốc ban bố nghị quyết chống lại Israel, kêu gọi các nước, trong đó có Guatemala, chuyển sứ quán về Tel Aviv. Guatemala sau đó đã thực thi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Mối quan hệ gần gũi giữa hai quốc gia tiếp tục trong suốt cuộc nội chiến tại Guatemala từ 1960 tới 1996. Khi Mỹ cấm vận bán vũ khí cho Guatemala trong giai đoạn 1978 – 1982 vì cáo buộc chính quyền quân sự của Tướng Romeo Lucas Garcia vi phạm nhân quyền, Israel đã cung cấp cho Guatemala các hệ thống tình báo và các loại vũ khí do Israel sản xuất như súng trường Galil.

Trước khi quyết định chuyển sứ quán về Jerusalem, Quốc hội Guatemala đã bắt đầu có động thái đẩy mạnh mối quan hệ gần gũi hơn với Israel khi vào tháng Tư vừa qua đã tuyên bố rằng Guatemala sẽ coi ngày 14/5 (ngày Độc lập của Israel) là “ngày quốc gia hữu nghị với Israel”.

Thứ hai, chính quyền của Tổng thống Jimmy Morales đang bị bủa vây bởi các vấn đề kinh tế, bao lực băng nhóm và các cáo buộc tham nhũng với cá nhân Tổng thống và các cộng sự thân tín của ông. Do đó, việc chuyển sứ quán về Jerusalem là cách để ông Morales tìm kiếm sự ủng hộ của giới hoa chính trị có quan điểm bảo thủ và ủng hộ Israel.

Ông Michael Allison, nhà phân tích chính trị chuyên về Trung Mỹ tại Đại học Scranton, bang Pennsylvania nhận định rằng: “Tôi nghĩ [việc chuyển sứ quán tới Jerusalem] được thúc đẩy nhiều hơn bởi các yếu tố nội địa ở Guatemala, những người cách hữu theo Tin Lành ủng hộ cả ông Morales và cách ông ủng hộ nhà nước Israel”.

Theo Fox News, một mục sự Tin Lành đã tháp tùng Tổng thống Morales tới dự lễ khách thành Đại sứ quán Guatemala tại Jerusalem hôm thứ Tư.

Trong vài năm qua, ông Morales đang chịu áp lực ngày càng tăng vì các cuộc điều tra tham nhũng ở Guatemala, thậm chí dẫn đến việc cầm tù cựu Tổng thống Otto Perez Molina.

Vào tối thứ Ba (15/5), các điều tra viên đã tiết lộ các tình tiết mới về cáo buộc chống lại chính ông Morales liên quan tới vận động tài chính bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử. Các nhà điều tra cho biết những bằng chứng này đủ để luận tội ông Morales, cho dù Tổng thống vẫn khẳng định ông không làm gì sai.

Thứ ba, ông Morales đang muốn nhận được sự ủng hộ của chính phủ Trump.

Chuyên gia Michael Allison cho rằng: “Ông Morales và nhiều người trong giới tinh hoa chính trị và kinh tế tại Guatemala ủng hộ việc chuyển sứ quán của họ [về Jerusalem]. Họ sẽ không làm điều đó nếu Mỹ không thực hiện việc này trước tiên”.

Trong khi đó, Mỹ đã và đang ủng hộ mạnh mẽ tiến trình chống tham nhũng tại Guatemala. Bà Adriana Beltran, giám đốc an ninh công dân tại Văn phòng Washington về Mỹ La tinh – một nhóm tư vấn có trụ sở ở Mỹ nhận định rằng: “Chính quyền Guatemala đang tìm cách để loại bỏ sự ủng hộ đó của Mỹ”.

Guatemala cũng là nước nhận tài trợ an ninh và phát triển của Mỹ và nước này cũng sẽ bị tổn hại lớn nếu chính quyền Trump tiến hành trục xuất hàng loạt di dân người Guatemala.

Chính phủ Trump chưa có động thái rõ ràng với chính phủ của ông Morales cho dù hồi tháng Hai ông Trump đã bày tỏ rằng ông đánh giá cao sự ủng hộ của ông Morales về vấn đề sứ quán Jerusalem khi hai nhà lãnh đạo này gặp mặt tại Washington.

Việc chuyển sứ quán về Jerusalem cũng giúp Guatemala nhận được sự ủng hộ của các nhóm và các nhà lập pháp thân Israel tại Mỹ để hy vọng phía Mỹ sẽ đưa ra các quyết sách chính trị không gây bất lợi cho Guatemala.

Xuân Thành

Xem thêm: