Tình hình lạm phát nghiêm trọng ở Anh đã khiến giới chức nhiều ngành đình công yêu cầu tăng lương.

Embed from Getty Images

Cảnh nhân viên y tế của Anh đình công ở London vào ngày 15/12 (Ảnh: Leon Neal/Getty Images).

Đình công của giới y tế

Trường Cao đẳng Điều dưỡng Hoàng gia Anh (The Royal College of Nursing, RCN) từ chối thỏa thuận lương theo kế hoạch của Chính phủ, họ đã có cuộc tổng đình công đầu tiên trong lịch sử 106 năm của tổ chức này. Vào thứ Năm (15/12) có tới 100.000 y tá đã xuống đường ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland. Những người biểu tình cho biết họ không đủ khả năng chi trả cho các chi phí sinh hoạt cơ bản như thức ăn và chỗ ở, đồng thời phản đối việc tăng lương thấp hơn tỷ lệ lạm phát.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) quy định lương y tá chuẩn được 27.055 bảng Anh (khoảng 33.300 USD), còn y tá ở trung tâm London được 32.466 bảng Anh. Theo kế hoạch tăng lương của Chính phủ Anh thì lương trung bình của y tá sẽ tăng khoảng 4%, nhưng các công đoàn không chấp nhận và yêu cầu tăng lương cao hơn 5% so với tỷ lệ lạm phát chỉ số giá bán lẻ hiện tại là 14%, nhưng Chính phủ Anh cho biết sẽ không được chấp nhận.

Một cuộc đình công lần thứ hai của các y tá đã được lên kế hoạch vào ngày 20/12, nếu vẫn không đạt được thỏa thuận về lương thì vào tuần tới RCN có thể công bố các ngày đình công khác vào năm 2023.

Người phát ngôn của Thủ tướng Sunak cho biết, Bộ trưởng Y tế Steve Barclay sẵn sàng đàm phán thêm với RCN, nhưng cho rằng Chính phủ khó có thể nhượng bộ về lương. Ông Barclay cho biết không có khả năng đồng ý với yêu cầu của những người đình công vì Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh lương dựa trên các khuyến nghị từ một cơ quan đánh giá lương độc lập.

Bản thân ông Sunak cũng đã nói rõ trong chuyến đi tới Bắc Ireland vào thứ Sáu (16/12) rằng ông sẽ không xem xét tăng lương cho y tá. Trước đó ông Sunak cũng nói rằng ông có kế hoạch đưa ra luật chống đình công mới vào năm tới để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Đình công của ngành đường sắt

Liên minh Công nhân Đường sắt, Hàng hải và Vận tải Quốc gia (RMT) của Anh cũng bắt đầu đợt đình công thứ hai kéo dài 48 giờ vào thứ Sáu (17/12). Dự kiến thứ Sáu và thứ Bảy tuần này sẽ chỉ có 1/5 chuyến tàu ​​​​lửa sẽ chạy; các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm Anh, Scotland và xứ Wales.

Hôm 16/12 đông đảo công nhân trong các lĩnh vực vận tải khác cũng đình công, tiêu biểu như cả người làm việc trên đường cao tốc ở phía bắc nước Anh hay các tài xế xe buýt Abellio ở phía nam và tây London cũng đình công trong 48 giờ.

RMT cũng sẽ khởi động đình công từ 6:00 chiều Đêm Giáng sinh đến ngày 27/12 cũng như vào các ngày khác nhau trong tháng Giêng năm sau, điều này sẽ khiến gần một nửa dịch vụ đường sắt bị đình chỉ.

Người phát ngôn đại diện cho công ty đường sắt Rail Delivery Group cho biết các cuộc đàm phán mang tính xây dựng “khó khăn” vẫn đang diễn ra.

Đình công của giáo viên Scotland và nhân viên sân bay

Cùng với các cuộc đình công trên toàn nước Anh của giới dịch vụ đường sắt, bưu điện, và điều dưỡng, các công đoàn giáo viên của Scotland cho biết họ sẽ đình công vào ngày 10 và 11/1/2023.

Trong tháng 11 và tháng 12 năm nay các cuộc đình công tương tự của giáo chức Anh đã diễn ra trên khắp nước, tất cả đều dẫn đến việc bãi khóa ở các mức độ khác nhau.

Chính phủ Anh đề xuất tăng lương 5% cho giáo viên Scotland, bao gồm tới 6,85% cho nhân viên hưởng lương mức thấp nhất, nhưng kế hoạch đó bị các công đoàn giáo viên bác bỏ và coi đó là “xúc phạm”, yêu cầu tăng 10%.

Diễn biến này cũng có khả năng lan sang các khu vực khác của Vương quốc Anh và sẽ ảnh hưởng đến các trường học ở Anh và xứ Wales.

Bên cạnh đó, Lực lượng Biên phòng Anh (Border Force) cũng đã lên kế hoạch đình công trong 8 ngày từ Giáng sinh đến Năm mới, nhân viên tại nhiều sân bay yêu cầu được trả lương và phúc lợi tốt hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến một số sân bay lớn ở Anh như London Heathrow, Gatwick, Manchester, Birmingham, Cardiff và Glasgow…,. theo đó dự kiến ​​sẽ ảnh hưởng hàng chục nghìn chuyến bay và khoảng 2 triệu hành khách.