Hôm thứ Bảy (18/8), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu về các mối quan hệ kinh tế song phương lớn hơn. Qua đó, hai bên đã đồng ý rằng thời gian tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia “tích cực hơn” vào sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thăm và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5/2017.

Trong những năm qua nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhiều khó khăn và tới nay tiếp tục lao dốc khi Mỹ mở rộng chế tài Ankara.

Tuần trước, Washington đã thông báo chế tài hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu giới hạn thương mại với Ankara để phản đối việc chính quyền của Tổng thống Erdogan đang bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Ông Brunson bị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tham gia vào cuộc đảo chính bất thành tại Ankara năm 2016. Nhưng phía Mỹ khẳng định rằng các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Brunson vi phạm bất kỳ tội danh nào. Bất chấp lời kêu gọi của ông Trump và các thành viên Nội các, Tổng thống Erdogan vẫn không chấp nhận thả tự do vô điều kiện cho mục sư Brunson.

Trước hoàn cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp nguy hiểm khi Mỹ chế tài, chính quyền Erdogan dường như đang bắt đầu quay sang nhờ cậy sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ Nhật (19/8) loan tin rằng ngoại trưởng hai nước đã thảo luận về hợp tác kinh tế nhiều hơn và ông Vương Nghị khẳng định rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo “an ninh quốc gia và ổn định kinh tế”. Ông Vương cũng lưu lý rằng lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ vượt qua những khó khăn tạm thời hiện nay, thêm rằng Trung Quốc tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển một cách ổn định”.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Çavuşoğlu đáp lời rằng: “Chúng tôi hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tham gia sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ tích cực hơn”.

Được biết, “Vành đai, Con đường” là chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu mà Trung Quốc được cho là có mục đích tăng cường kết nối lớn hơn với toàn thế giới thông qua việc tái lập Con đường Tơ lụa cổ đại kết nối giao thương Châu Âu tới Châu Á.

Mặc dù mục đích cốt lõi của “Vành đại, Con đường” là xây sân bay, bến cảng, đường bộ và đường sắt để nối Trung Quốc tới Tây Âu gọi là Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa trên bộ, nhưng sáng kiến này cũng bao gồm cả “Con đường Tơ lụa Hàng hải” trên biển Đông. Thông qua việc xây dựng các bến cảng quanh Ấn Độ Dương, Trung Quốc tuyên bố họ đặt kỳ vọng kết nối Châu Phi với Châu Á, cũng như các thị trường Châu Âu. Giới chức Trung Quốc cũng khẳng định rằng kể cả các nước Mỹ La-tinh cũng đóng vai trò trong “Vành đai, Con đường”, lập luận rằng khi người Tây Ban Nha thuộc địa Philippines ở Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ La-tinh khi đó là một phần “truyền thống” của Con đường Tơ lụa cổ đại.

Những gì giới chức Trung Quốc tuyên bố có thể chỉ là lý tưởng và mong muốn đạt được, nhưng thực tế triển khai sáng kiến “Vành đai, Con đường” cho thấy Trung Quốc đang tiến hành chích sách “bẫy nợ” bằng việc cho các đối tác tham gia chương trình vay các khoản tín dụng khổng lồ, hứa hẹn về tạo việc làm cho người dân địa phương, lợi ích kinh tế cho nước chủ dự án. Nhưng sau đó, Trung Quốc sẽ đưa nhân công của họ sang làm việc, các dự án cũng đội chi phí lên nhiều lần so với dự toán ban đầu, khiến các nước gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay khổng lồ, cuối cùng Trung Quốc ép các nước này bàn giao cho họ kiểm soát các dự án hoàn thành. Trung Quốc đã kiểm soát được bến cảng quan trọng tại Sri Lanka theo cách này và những quan ngại đang tăng lên cho các dự án tại Kenya và Djibouti, nơi nằm trong các vị trí địa chính trị chiến lược gần bán đảo Ả Rập.

Trên biển Đông, Trung Quốc cũng tiến hành triển khai “Vành đai, Con đường” bằng cách bồi đắp và đẩy mạnh các công trình dân sự và cả quân sự trên các hòn đảo và bãi đá họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực. Chế độ Bắc Kinh gần đây đã công khai quân sự hóa biển Đông và lập luận rằng đó là các dự án cần thiết để họ bảo vệ an toàn hàng hải.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có lãnh thổ nằm ở cả hai lục địa Á, Âu, có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với tham vọng gây ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh từ lâu đã nhắm Thổ Nhĩ Kỳ là nước trọng điểm trong thực thi sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Hoàn cầu Thời báo, cơ quan của nhà nước Trung Quốc, hôm thứ Hai (20/8) đã có bài xã luận cho rằng việc Trung Quốc được phép phát triển nhiều dự án hơn trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một cách hay để Ankara vượt qua tình huống khó khăn kinh tế hiện tại khi bị Mỹ chế tài.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh: “Qua cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng Vương Nghị và Cavusoglu cho thấy Trung Quốc đã phản ứng tích cực với mong muốn của Ankara trong việc đẩy mạnh tương giao chiến lược. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều cơ hội hội để làm sâu sắc thêm hợp tác song phương, đặc biệt về sáng kiến Vành đai, Con đường. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều bất đồng lớn… Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những thách thức thực sự, một vài thách thức trong số đó Trung Quốc cũng gặp phải.

Bắc Kinh nên cố gắng là đối tác với Ankara vì đây là một lựa chọn có lợi”, Hoàn cầu Thời báo đưa ra lời khuyên cho giới chức Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Hoàn cầu Thời báo cũng chỉ ra trở ngại lớn nhất trong quan hệ Trung Quốc – Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề Hồi giáo. Một số quan chức chế độ Bắc Kinh không muốn đẩy mạnh hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là quốc gia theo đạo Hồi và đang do một người Hồi giáo lãnh đạo. Thổ Nhĩ Kỳ trước nay cũng không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối mạnh mẽ việc chế độ Bắc Kinh cấm người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương nhịn ăn ở nơi công cộng trong mùa thánh lễ Ramadan.

Người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương là gốc Thổ Nhĩ Kỳ và họ nói tiếng Thổ. Vì mối quan hệ thân thuộc sắc tộc này, Ankara luôn phản đối mạnh mẽ Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Hoàn cầu Thời báo đề nghị giải pháp để vượt qua thách thức này là Trung Quốc phải thao túng chính trị Thổ Nhĩ Kỳ để làm im lặng những người phản đối chế độ Bắc Kinh đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Định hình Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược của Trung Quốc có thể ngăn chặn Ankara can thiệp vào Tân Cương. Một chính sách tích cực hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ nên là có đi có lại”, Hoàn cầu Thời báo khẳng định.

Thanh Long

Xem thêm: