Các quan chức Liên minh Châu Âu (EU) đã làm nhẹ chỉ trích chế độ Trung Quốc trong một báo cáo đánh giá về thông tin sai lệch liên quan tới đại dịch virus corona. Động thái này của EU được cho là do họ bị áp lực từ Trung Quốc, theo các bản tin của Thời báo New York và Nam Hoa Tảo báo.

Embed from Getty Images

Cả Thời báo New York (NYT) và Nam Hoa Tảo báo (SCMP) đều tuyên bố rằng họ đã có bản gốc của báo cáo “Đánh giá nhanh về các câu chuyện và thông tin sai lệch xung quanh đại dịch COVID-19” do Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS) phát hành bản cập nhật hôm thứ Sáu (24/4). Hai tờ báo này cho rằng báo cáo mà EEAS xuất bản hôm 24/4 đã bị thay đổi một số nội dung so với bản gốc vì EU phải chịu áp lực từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau đó EEAS đã lên tiếng phủ nhận việc họ đã chỉnh sửa bất kỳ phần nào trong báo cáo nêu trên do áp lực chính trị. EEAS cũng bày tỏ thất vọng về thông tin mà Thời báo New York đăng tải.

Trong khi đó, tờ Điện tín Hàng ngày (Daily Telegraph) của Anh Quốc đưa tin rằng chế độ Trung Quốc ban đầu đã cố gắng chặn báo cáo của EEAS trước khi cơ quan của EU “sắp xếp lại hoặc loại bỏ” một số nội dung chỉ trích nhắm vào chính phủ Trung Quốc.

Báo cáo được EEAS công bố hôm 24/4 cũng đã nêu ra một số nỗ lực của Trung Quốc nhằm truyền bá thông tin sai lệch, đặc biệt là “sự thúc đẩy do các nguồn chính thức của Trung Quốc điều phối để làm chệch hướng mọi sự đổ lỗi cho nước này về đại dịch”.

Tuy nhiên, theo Nam Hoa Tảo báo, bản báo cáo công khai đã loại bỏ phần nói về “chiến dịch truyền tin sai lệch toàn cầu [của Trung Quốc] để làm chệch hướng đổ lỗi về đại dịch cho họ và nhằm cải thiện hình ảnh quốc tế của họ”. Bản báo cáo cập nhật hôm 24/4 cũng đã không nhắc tới Trung Quốc chỉ trích Pháp và một mạng lưới thân Trung Quốc tại Serbia. Nam Hoa Tảo báo cho biết EEAS đã loại bỏ các phần này sau khi Bắc Kinh cảnh báo các nhà ngoại giao EU đang công tác tại Trung Quốc rằng nếu EEAS công bố văn bàn này, thì EU sẽ nhận “hậu quả”. Theo Nam Hoa Tảo báo, các nhà ngoại giao EU tại Trung Quốc đã lo ngại rằng báo cáo của EEAS sẽ “làm căng thẳng” mối quan hệ với Bắc Kinh và khiến cho EU “gặp khó trong việc nhập thiết bị y tế” từ Trung Quốc.

Thời báo New York nói rằng bà Esther Osorio – cố vấn truyền thông của Bộ trưởng Ngoại giao EU Josep Borrell, chính là người đã ra lệnh cho EEAS hoãn xuất bản báo cáo đánh giá thông tin sai lệch liên quan tới đại dịch virus corona Vũ Hán.

Bà Osorio được cho là đã yêu cầu các nhà phân tích phải sửa tài liệu sao cho nó giảm bớt tập trung vào Trung Quốc và Nga để tránh bị cáo buộc thiên vị. Thay vì tập trung vào hai nước trên, bà Osorio đã yêu cầu EEAS chỉnh tài liệu theo hướng phân biệt giữa thúc đẩy thông tin sai lệch và tích cực thúc đẩy một câu chuyện.

Theo Thời báo New York, ít nhất một nhà phân tích đã chính thức phản đối việc trì hoãn xuất bản và chỉnh sửa báo cáo. Người này đã viết thư cho lãnh đạo nói rằng EU đang “tự kiểm duyệt để xoa dịu Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Thời báo New York đã trao đổi với phát ngôn viên EU Peter Stano. Ông này nói rằng không có ai ra lệnh sửa báo cáo của EEAS vì áp lực ngoại giao và tài liệu này cũng không bị trì hoãn xuất bản.

Fox News cho biết họ cũng đã trao đổi với ông Stano liên quan đến các cáo buộc EU “tự kiểm duyệt” để xoa dịu chế độ Trung Quốc.

Ông Stano nói: “Các ấn phẩm của EEAS là loại tài liệu độc lập. Chúng tôi chưa bao giờ quỳ gối trước bất kỳ áp lực bên ngoài nào như cáo buộc. Cũng vậy, báo cáo đánh giá tổng quan về các xu hướng truyền tin sai lệch được xuất bản hôm thứ Sáu không chịu bất kỳ áp lực nào”.

Báo cáo đặc biệt của EEAS đề cập rõ ràng đến việc tiếp tục sử dụng các câu chuyện âm mưu và thông tin sai lệch từ các nguồn chính phủ và nhà nước, bao gồm Nga và Trung Quốc. Đây là chỉ dấu tốt cho thấy thực tế rằng EU đã không lùi bước trước bất kỳ áp lực bên ngoài nào”.

Bài báo của Thời báo New York đưa ra những cáo buộc không có căn cứ, không chính xác và chứa đựng những kết luận thực sự không đúng về báo cáo của EEAS. Họ cũng đã sử dụng chọn lọc những trả lời và giải thích của chúng tôi. Chúng tôi đã viết thư cho Ban biên tập Thời báo New York bày tỏ sự thất vọng về bài báo đó, và đã mời họ tham khảo trên trang web www.euvsdisinfo.eu để hiểu đầy đủ về việc EEAS đang thu thập, phân tích và phơi bày các thông tin sai lệch về virus corona”.

EEAS tổng hợp báo cáo từ các tài liệu, thư điện tử và các cuộc phỏng vấn để xác định thông tin sai lệch về đại dịch đã được phép lan truyền ở mức độ nào. Ông Stano nhấn mạnh rằng báo cáo hiện tại của EEAS “không bỏ qua việc nêu đích danh các nhân tố nỗ lực truyền tin sai lệch”.

Phần mở đầu của báo cáo EEAS công bố hôm 24/4 viết: “Mục tiêu của báo cáo này là để cung cấp một cái nhìn tổng quan về những xu hướng hiện tại và hiểu biết về các hoạt động truyền tin sai lệch liên quan tới COVID-19/Virus corona. Báo cáo không cung cấp đánh giá toàn diện hoặc đầy đủ và chỉ tập trung chủ yếu vào các chiều hướng bên ngoài phù hợp với nhiệm vụ của EEAS”.

Trong bản báo cáo phát hành vào ngày 1/4 , đội ngũ chuyên gia phân tích của EEAS đã tuyên bố “truyền thông nhà nước và các quan chức chính phủ Trung Quốc thúc đẩy các thuyết âm mưu chưa được chứng minh về nguồn gốc COVID-19”. Báo cáo này cũng nói thêm rằng truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh “một số lãnh đạo Châu Âu bày tỏ biết ơn về sự cứu trợ của Trung Quốc”.

EU thành lập EEAS có mục đích ban đầu là để giám sát các thông tin sai lệch được truyền đi từ Nga, nhưng năm ngoái, cơ quan này đã được mở rộng nhiệm vụ sang giám sát cả chế độ Trung Quốc.

Như Ngọc (Theo Fox News)

Xem thêm: