Phiên bản cuối cùng của Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ hiện đã được thông qua Hạ viện và Thượng viện, và đang chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật. Nó được một số nhà quan sát cho rằng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Mỹ từ Trung Quốc khi yêu cầu các nhà nhập khẩu chứng minh rằng hàng hóa của họ không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức ở Tân Cương. 

Các công ty Mỹ đã nhập khẩu hơn 430 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào năm ngoái.

Giờ đây, sự chú ý được chuyển sang cơ quan hải quan Hoa Kỳ, nơi sẽ có 180 ngày để đưa ra kế hoạch thực thi luật mới.

Các cựu quan chức hải quan và luật sư thương mại nói với SCMP rằng sức nặng thực tế của luật là tùy thuộc vào mức độ quyết liệt của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).

Ana Hinojosa, cựu giám đốc điều hành thực thi pháp luật phòng vệ thương mại tại cơ quan hải quan cho biết: “CBP luôn sẵn sàng xử lý vấn đề này. Vấn đề là, họ có xử lý ở mức cao nhất không.”

Quốc hội đã tăng cường tài trợ cho cơ quan này vào năm ngoái, cho phép mở thêm một chi nhánh mới để điều tra lao động cưỡng bức.

Luật mới sẽ mở rộng các lệnh cấm trước đây của Hoa Kỳ đối với bất kỳ sản phẩm nào đến từ Tân Cương.

Các nhóm nhân quyền và nhiều chính phủ trên thế giới đã cảnh báo rằng các chính sách đồng hóa và “giáo dục cải tạo” hàng loạt của Bắc Kinh nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương cũng bao gồm việc sử dụng lao động cưỡng bức một cách phổ biến.

Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền trong khu vực và nói rằng các chính sách của họ nhằm xóa đói giảm nghèo và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Một khi luật có hiệu lực, các nhà nhập khẩu sẽ phải chứng minh với chính phủ Hoa Kỳ rằng hàng hóa của họ không sử dụng lao động cưỡng bức.

Nhưng các chuyên gia nói rằng việc chứng minh điều đó gần như là bất khả thi vì không thể tiến hành các cuộc kiểm toán độc lập ở Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát gắt gao.

Đầu năm nay, cơ quan hải quan đã đưa ra lời kêu gọi các công ty đệ trình kế hoạch về công nghệ có thể giúp họ truy xuất nguồn gốc hàng dệt, được coi là một công cụ tiềm năng giúp loại bỏ bông Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ. Tân Cương sản xuất khoảng 1/5 lượng bông của thế giới. 

Tuy vậy, lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc chảy vào Mỹ đồng nghĩa với việc cơ quan hải quan sẽ gặp khó khăn trong việc chặn bắt mọi mặt hàng có khả năng vi phạm luật mới, ngay cả khi sử dụng các công nghệ thông minh có thể giúp truy xuất nguồn gốc của chúng.

Bà Hinojosa nói: “Sẽ không thể ngăn chặn mọi chuyến hàng đến từ Trung Quốc và kiểm tra thủ công xem nó có chứa những hàng hóa đó hay không.”

Thay vào đó, bà cho biết CBP sẽ cố gắng hết sức để nhắm mục tiêu vào các lô hàng được coi là có nguy cơ cao nhất sử dụng lao động cưỡng bức. 

Trên lý thuyết, điều này có thể bao gồm cả những mặt hàng được sản xuất tại các nhà máy cách xa Tân Cương cả nghìn km, bởi có những báo cáo cho hay chính phủ Trung Quốc đưa người Duy Ngô Nhĩ đến nhiều khu vực khác của đất nước để làm việc.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu trực tiếp của Tân Cương sang Hoa Kỳ trong mười tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 4% của 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

Các chuyên gia cho rằng bất kể thách thức là gì, các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho việc thông qua dự luật lao động Tân Cương.

Lê Vy

Xem thêm: