Hôm thứ Hai (13/7) Hội Thương mại Mỹ tại Hồng Kông (The American Chamber of Commerce in Hong Kong) công bố kết quả khảo sát về Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông (có hiệu lực từ ngày 1/7), theo đó: hơn 80% hội viên cảm thấy bất an, có đến 1/3 số hội viên thậm chí đã cân nhắc tới hủy bỏ hoạt động kinh doanh đầu tư hoặc chuyển hoạt động ra khỏi Hồng Kông để tránh bị đối xử bất công.

hong kong shutterstock 1011334393
Hôm thứ Hai (13/7) Hội Thương mại Mỹ tại Hồng Kông cho biết, kể từ khi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông có hiệu lực vào ngày 7/7, hơn 80% hội viên cảm thấy bất an, có đến 1/3 số hội viên thậm chí đã cân nhắc tới hủy bỏ hoạt động kinh doanh đầu tư hoặc chuyển hoạt động ra khỏi Hồng Kông để tránh bị đối xử bất công (Ảnh minh họa: FS11 / Shutterstock).

Hội Thương mại Mỹ tại Hồng Kông tuyên bố rằng kể từ khi Bắc Kinh cưỡng ép áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, từ ngày 6 – 8/7 Hiệp hội đã tổ chức điều tra khảo sát qua bảng câu hỏi đối với các hội viên Mỹ làm kinh doanh tại Hồng Kông, kết quả cho thấy đa số cảm thấy không an tâm liên quan đến các vấn đề của luật này như “lật đổ quyền lực nhà nước”, “thông đồng với các thế lực nước ngoài”, “nhân viên an ninh quốc gia của Bắc Kinh có thể thi hành luật pháp ở Hồng Kông” “các thủ tục tố tụng chuyển cho tòa án tại Trung Quốc Đại Lục”…

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 30% số người được hỏi cho biết họ hiện đang xem xét tạm ngưng trong thời gian ngắn các nguồn vốn cũng như tài nguyên và hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông trước khi quyết định rút khỏi thị trường này; hơn một nửa số hội viên thừa nhận họ lo ngại công việc và cuộc sống của họ ở Hồng Kông sẽ bị cản trở trong tương lai, nên sớm chuyển ra khỏi Hồng Kông.

Kết quả khảo sát cũng cho biết hầu hết doanh nhân Mỹ không lạc quan về tương lai môi trường kinh doanh tại Hồng Kông, lo lắng nền tư pháp Hồng Kông sẽ bất lực trong bảo vệ người dân cũng như giữ gìn tính công chính của luật pháp; thậm chí còn có hội viên cho biết: “Càng tìm hiểu về luật này, tôi càng cảm thấy khó chịu.”

Một diễn biến khác, “Thời báo Tự do” (Liberty Times, Đài Loan) dẫn nguồn tin từ “Tạp chí Phố Wall” (WSJ) vào ngày 12/7 cho biết, liên quan đến biến cố nhà cầm quyền Bắc Kinh thực thi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, Mỹ cũng đang áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh, nhưng đã loại trừ việc làm suy yếu hệ thống tỷ giá hối đoái đối giữa đồng Đô la Mỹ và Đô la Hồng Kông.

Theo thông tin, chính quyền Tổng thống Trump lo ngại rằng việc áp dụng biện pháp quá mạnh đối với hệ thống tài chính Hồng Kông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng Hồng Kông, của Mỹ và các nước phương Tây nói chung, vì có thể khiến không ít doanh nghiệp Mỹ tại Hồng Kông chọn cách “án binh” hoặc rút khỏi, chờ thời cơ mới lại tiếp tục.

Trước đó, Bắc Kinh đã cưỡng ép thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, ngày 29/5 Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố Mỹ sẽ hủy bỏ quy chế đối xử đặc biệt với Hồng Kông một cách toàn diện, bao gồm các hiệp ước dẫn độ, thương mại, công nghệ, du lịch…; sẽ chế tài những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông liên quan đến việc làm xói mòn tự do và tự trị của Hồng Kông.

Cùng ngày Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Pompeo cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ chấm dứt xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng được kiểm soát sang Hồng Kông, Bộ Thương mại Mỹ cũng tuyên bố hủy bỏ quy chế miễn trừ giấy phép xuất khẩu.

Liberty Times Đài Loan cũng cho biết thái độ mơ hồ ban đầu của Liên minh châu Âu (EU) đã thay đổi, ngày 14/7 EU đã ra tuyên bố chuẩn bị để chống lại luật an ninh quốc gia của Hồng Kông.

Hồi tháng trước Chủ tịch Ủy ban điều hành EU là Ursula von der Leyen đã phát biểu cảnh báo rằng Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông sẽ khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh phải chịu những hậu quả rất tiêu cực. Trong khi Josep Borrell, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu cũng nói, “Hôm nay (14/7) chúng tôi đã đồng thuận phản hồi nhất quán đối với Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông để thể hiện sự ủng hộ đối với quyền tự trị và xã hội dân sự của Hồng Kông.”

Ông Borrell nói rằng mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể nào được thảo luận, nhưng không loại trừ EU sẽ mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm “công nghệ nhạy cảm” sang Hồng Kông, xem xét lại hiệp ước dẫn độ và vấn đề du lịch với Hồng Kông, hoặc tăng học bổng cho du học sinh Hồng Kông, cung cấp thêm thị thực cho người Hồng Kông.

Ngày 6/7, Chính phủ Hồng Kông công bố các quy tắc thực thi cho Điều 43 của Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông có hiệu lực vào ngày 7/7. Bản quy tắc nêu rõ rằng Lực lượng cảnh sát Hồng Kông có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau khi xử lý các trường hợp “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, bao gồm: tra xét địa điểm liên quan để tìm kiếm bằng chứng, hạn chế người bị điều tra rời khỏi Hồng Kông; đóng băng, hạn chế, hoặc tịch thu tài sản liên quan đến tội nguy hại an ninh quốc gia; xóa thông tin và yêu cầu hợp tác hỗ trợ để loại bỏ nguy cơ đối với an ninh quốc gia; yêu cầu thông tin về các hoạt động liên quan đến Hồng Kông đối với các tổ chức chính trị nước ngoài và Đài Loan; yêu cầu ủy quyền lấy thông tin liên lạc và thực hiện giám sát bí mật; cung cấp tài liệu và giao nộp vật liệu liên quan.

Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đã khiến cộng đồng quốc tế chú ý và mạnh mẽ lên án, đặc biệt là Điều 38. Điều luật này nêu ra Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông áp dụng cho tất cả mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả những người ở bên ngoài Hồng Kông, cũng như những người nước ngoài không có tư cách thường trú tại Hồng Kông. Đáp lại, các nước như Anh, Mỹ, Úc và Đài Loan đã quyết định mở rộng thông thoáng hơn đối với người nhập cư Hồng Kông.

Y Bình

Xem thêm: