Cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã kết thúc. Đây là lần đàm phán đầu tiên của chính quyền Biden với Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tóm lại có thể nói rằng cả hai bên vẫn tiếp tục “ông nói gà, bà nói vịt”, xung đột vẫn tồn tại và các giải pháp vẫn đang được thăm dò. Đó là thứ xung đột gì? Điều rõ ràng nhất trước mắt là việc ĐCSTQ kết thúc sớm thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, khiêu khích và bành trướng các nước láng giềng như Đài Loan, Nhật Bản, Úc và Biển Đông.

Bài viết được chuyển thể từ video của Kênh YouTube Đông Phương.

Dông Phương Alaska
(Nguồn: Chụp màn hình video Guardian)

Ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, sau đó nói với các phóng viên rằng, hai chính phủ có quan điểm khác nhau về các vấn đề như Hồng Kông và các cuộc tấn công mạng, nhưng họ có sự đồng thuận về các vấn đề như Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu. Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia, nói thêm: Trước cuộc hội đàm, chúng tôi rất rõ ràng, sau cuộc hội đàm, chúng tôi vẫn rất tỉnh táo. Chúng tôi sẽ đánh giá thêm sau khi trở về Washington.

Chiến lược ngoại giao của ông Biden là đoàn kết các đồng minh của mình chống lại Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trước cuộc hội đàm Trung-Mỹ, Hoa Kỳ đã hội đàm với Nhật Bản và Hàn Quốc. Liên minh 4 nước, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc cũng đã tổ chức họp qua video ngày 12/3. Ngoài ra, trước khi hội đàm, Hoa Kỳ đã thống nhất với các đồng minh châu Á của mình, nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một số đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ĐCSTQ.

Mở đầu cuộc họp là bài phát biểu chào mừng. Một số kênh truyền thông cũng tham dự. Phát biểu khai mạc của ông Blinken đề cập đến sự không hài lòng của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm các cuộc tấn công mạng, đàn áp ở Tân Cương và Hồng Kông, cùng các hành động khiêu khích chống lại Đài Loan và các nước láng giềng. Những hoạt động này đều phá hoại nền tảng pháp quyền, đe dọa sự ổn định toàn cầu.

Ông Dương Khiết Trì, Giám đốc Văn phòng Đối ngoại ĐCSTQ, sau đó đã phát biểu và vi phạm thông lệ ngoại giao chỉ được phát biểu khai mạc dưới 2 phút trong khi ông nói đến hơn 16 phút. Ông chỉ trích Hoa Kỳ phải kiểm điểm lại các vấn đề chủng tộc của riêng mình, ngừng quảng bá nền dân chủ của Mỹ với thế giới. Ông Dương Khiết Trì nói thẳng rằng Hoa Kỳ không thể đại diện cho dư luận quốc tế, cũng như phương Tây, đồng thời chế nhạo Hoa Kỳ mới thực sự là “nhà vô địch của các cuộc tấn công mạng”.

Đại diện của Hoa Kỳ không hề ngắt lời. Khi ông Dương Khiết Trì kết thúc bài phát biểu và cuộc họp đi vào chủ đề chính, cũng là lúc lẽ ra giới truyền thông phải rời đi. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ đã yêu cầu các phóng viên ở lại. Ông cần đáp lại bài phát biểu vượt quá giới hạn thời gian của ông Dương Khiết Trì. Buổi lễ khai mạc vốn dĩ rất ngắn gọn này đã bị kéo dài thành một giờ đồng hồ.

Từ cuộc đối đầu nghiêm túc này, chuyên gia về các vấn đề Trung-Mỹ, các bên liên quan và cả những khán giả bình thường, đều hiểu rõ rằng cuộc chiến giữa hai nước có thể giãn ra trong một thời gian hay không. Theo tôi thấy bản thân cuộc nói chuyện này sẽ không thể thay đổi mối quan hệ giữa hai bên. Bản thân cuộc gặp là biểu hiện cụ thể cho hiện trạng của hai nước. Xét từ góc độ vĩ mô, trật tự quốc tế ngày nay được xây dựng trên cơ sở sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Trật tự quốc tế này được củng cố trong Chiến tranh Lạnh vì các nước đều phải đối phó với kẻ thù chung là Đảng Cộng sản Liên Xô.

Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ thống trị vũ đài thế giới và trật tự quốc tế bắt đầu thay đổi. Xã hội tự do phương Tây tin rằng dựa vào sức mạnh quân sự, kinh tế và công nghệ hùng mạnh của mình, họ có thể mở rộng hệ thống xã hội dân chủ, pháp quyền và tự do với quy mô lớn hơn trên toàn thế giới. Đây cũng là khởi đầu sai lầm của họ, sai lầm khi đã đánh giá sai ĐCSTQ.

Các chuyên gia phương Tây về Trung Quốc tin rằng chỉ cần ĐCSTQ được đưa vào quỹ đạo của xã hội quốc tế và trở thành thành viên của cộng đồng quốc tế; khi nền kinh tế phát triển và quyền lực của tầng lớp trung lưu lớn lên, họ ắt sẽ yêu cầu cải cách chính trị, đi theo hướng dân chủ, pháp quyền, hướng tới tự do. Ví như Đài Loan, Hàn Quốc và Philippines, đều đã hoàn thành quá trình chuyển đổi từ nhà nước độc tài, chuyên quyền sang dân chủ, hay còn gọi là “diễn biến hòa bình”.

Hiện giờ nhìn lại, mới biết rằng đây là đánh giá sai lầm của Hoa Kỳ, một trong những lý do chính của đánh giá sai lầm này là chế độ độc tài ở Bắc Kinh không chỉ là một chế độ độc tài bình thường, mà là ĐCSTQ, là chế độ độc tài cộng sản. Chẳng phải không một chế độ độc tài cộng sản nào trên thế giới sẽ diễn biến một cách hòa bình như vậy hay sao?

ĐCSTQ không ngu ngốc, họ biết rõ điều đó. ĐCSTQ biết rất rõ rằng hệ thống dân chủ phương Tây có một điểm yếu chí mạng là lợi ích thương mại. Trước kia, ông Đặng Tiểu Bình từng nói rằng Trung Quốc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đợi cho đến khi công nghệ, vốn, nền sản xuất và của cải của phương Tây được chuyển giao cho Trung Quốc, thì ngược lại, ĐCSTQ sẽ có thể gây ảnh hưởng đến xã hội tự do phương Tây. Thông qua lợi ích thương mại của các tập đoàn lớn phương Tây, ĐCSTQ sẽ làm xói mòn hệ thống tự do và dân chủ. Nhưng trước khi đạt đến bước này, ĐCSTQ sẽ áp dụng chiến lược “ẩn mình chờ thời”.

Hiện giờ, chẳng phải đã kết thúc việc ẩn mình, ĐCSTQ đang bắt đầu phản công hay sao? Đây chẳng phải là một đánh giá sai lầm của Hoa Kỳ sao? Tục ngữ có câu, một núi không thể chứa hai hổ, đây chính là hiện trạng của mối quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, các tổng thống kế nhiệm của Hoa Kỳ chưa bao giờ nhận rõ điểm này, cũng bởi yếu tố vận động hành lang của các nhóm lợi ích thương mại và yếu tố quán tính của chính sách. Vậy nên các chính trị gia vẫn luôn không thể thoát ra khỏi khuôn khổ đã được thiết lập.

Bởi vậy khởi đầu, Tổng thống Clinton đã giúp Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, sau đó TT. George W. Bush và TT. Obama vẫn tiếp tục chính sách “diễn biến hòa bình” này. Chỉ khi TT. Trump xuất hiện, ông mới dừng chúng lại.

Xét ở một mức độ nào đó, di sản chính trị lớn nhất của TT. Trump trong 4 năm chấp chính, là giúp đảng cầm quyền và đảng đối lập của Hoa Kỳ thay đổi nhận thức của mình, từ việc nhìn nhận ĐCSTQ như một đối tác trong chiến tranh lạnh, như một đối thủ cạnh tranh, đối tác mật thiết về lợi ích, tới hiện  nay là một kẻ thù.

Donald Trump
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Gage Skidmore/CC BY-SA 2.0).

Mục tiêu lớn nhất trong cuộc chiến thương mại của TT. Trump là ĐCSTQ. Kẻ thù giả tưởng trong các hoạt động quân sự của TT. Trump là ĐCSTQ. Chính sách Nước Mỹ trên hết, ưu tiên lợi ích của Hoa Kỳ và làm cho Hoa Kỳ hùng mạnh trở lại của TT. Trump, tương đương với việc từ bỏ chiến lược “diễn biến hòa bình“, không còn coi việc thúc đẩy dân chủ và tự do trên toàn cầu là chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Trên thực tế, phương pháp ngoại giao của chính quyền Trump là có đi có lại (reciprocal). Nói dễ nghe một chút là hai bên cùng có lợi, nói khó nghe một chút thì chính là ăn miếng trả miếng. Chẳng phải bạn đã đánh thuế cao cho tôi ư? Tôi cũng thu thuế của bạn thật cao.

Chẳng phải bạn đã không cho phép các công ty Mỹ của tôi thâm nhập thị trường Trung Quốc hay sao? Tôi cũng sẽ đưa doanh nghiệp do đảng của bạn điều hành vào danh sách đen. Chẳng phải bạn không cho phép các kênh truyền thông Mỹ tự do đưa tin ở Trung Quốc hay sao? Vậy thì, cơ quan ngôn luận tuyên truyền của bạn tại Hoa Kỳ cũng sẽ bị dán nhãn là đặc vụ nước ngoài. Nếu bạn hạn chế các nhà ngoại giao Hoa Kỳ của chúng tôi di chuyển tự do ở Trung Quốc, thì các nhà ngoại giao ĐCSTQ của bạn cũng sẽ bị hạn chế như vậy ở Hoa Kỳ, trước khi đi đâu cũng phải đến Bộ Ngoại giao nộp đơn đăng ký.

Ngoại giao là sự mở rộng của công việc nội bộ, thành tích và biểu hiện của đôi bên trên bàn đàm phán, nhất là khi có giới truyền thông, là để cho đối phương xem. Kỳ thực chẳng phải là đang thể hiện cho người trong nước nghe hay sao? Thể hiện cho vị nào xem? Cho cơ sở quyền lực của riêng mình!

Quyền lực của các chính trị gia Hoa Kỳ dựa trên cử tri. Ông Biden được thừa hưởng khuôn khổ cứng rắn với ĐCSTQ từ TT. Trump. Theo cuộc thăm dò mới nhất của Viện nghiên cứu Pew, 67% người Mỹ có ấn tượng tiêu cực hoặc rất tiêu cực về ĐCSTQ, vượt quá con số 2/3. Trong khi 3 năm trước, tỷ lệ này là 46%, chưa đến một nửa. Sự thay đổi này vượt qua ranh giới giữa các đảng phái. Tỷ lệ ấn tượng tiêu cực của đảng Cộng hòa đối về ĐCSTQ tăng 22%, và tỷ lệ ấn tượng tiêu cực của đảng Dân chủ đối với ĐCSTQ cũng tăng 23%.

Mặc dù ông Biden từng tỏ ra yếu thế trước Bắc Kinh khi còn là Phó Tổng thống, nhưng hiện giờ ông ấy phải cứng rắn vì tình hình đã khác. Ít nhất hiện giờ ông Biden cũng phải tỏ ra cứng rắn, trong cuộc họp mặt đầu tiên chính quyền Biden lại càng phải tỏ ra cứng rắn. Bởi nếu đắc tội với cử tri ắt sẽ gặp nhiều rắc rối.

Điều này cũng đúng đối với các nhà ngoại giao của ĐCSTQ, họ phải thể hiện cho cơ sở quyền lực của mình, cho ông Tập Cận Bình xem. Ông Tập Cận Bình ôm giấc mộng Trung Hoa, mơ ước Trung Hoa là một cường quốc quân chủ, vậy nên quan chức của ĐCSTQ cũng phải hành xử như vậy. Tại sao tất cả họ đều cư xử như những con sói chiến? Đây mới là lý do chính.

Ngoài ra còn có một lý do khác, đó là mạng xã hội và ngôn luận Internet. Các nền tảng mạng xã hội ngày nay có sức ảnh hưởng rất lớn, đã đạt đến độ ảnh hưởng đến tình hình chính trị và tình hình quốc tế.

Nền tảng truyền thông xã hội không phải là một ‘think tank’ (bể chứa những ý tưởng), mà là nơi khơi dậy cảm xúc. Bài phát biểu càng truyền cảm hứng thì càng hấp dẫn. Ở bất kỳ quốc gia nào có tự do ngôn luận, thì dư luận trên mạng xã hội đều có hiện tượng phân cực.

Ví dụ, ở Hoa Kỳ, có những kênh truyền thông rất thiên tả, cư dân mạng phe cánh tả theo họ rất sát. Hoa Kỳ cũng có những kênh truyền thông xã hội rất thiên hữu. Tương tự, cư dân mạng phe cánh hữu cũng bàn luận rôm rả trên đó. Nếu bạn muốn hiểu dư luận của một xã hội tự do, bạn có thể xem qua ngôn luận phân cực của phe cánh tả và phe cánh hữu, thì gần như có thể hiểu được tình hình thực tế.

Nhưng ở Trung Quốc Đại Lục thì khác, ở Trung Quốc không có tự do ngôn luận. Trung Quốc cũng có mạng xã hội và ngôn luận trực tuyến, nhưng đó không phải là sự phân cực, mà là sự nghiêng về một phía một cách nghiêm trọng. Bởi chính ĐCSTQ đã phong tỏa quyền tự do ngôn luận. Ví như trong cuộc đàm phán Trung – Mỹ lần này, thế giới mạng của Trung Quốc đang sôi sục, hoan nghênh bài phát biểu sói chiến của các quan chức ĐCSTQ. Nếu có tự do ngôn luận, thì chắc hẳn những lời chỉ trích cũng không ít, nhưng ở Trung Quốc thì không.

Ngôn luận trên mạng xã hội ngày càng trở thành nền tảng quyền lực của ĐCSTQ. Do đó, ĐCSTQ cũng phải phục vụ cho làn sóng ngôn luận trực tuyến ở một mức độ nào đó. Nhưng làn sóng này được hình thành bởi những hạn chế và định hướng giả tạo, trái với thực tế. Lâu dần, ĐCSTQ thực sự tin rằng mình đã nhận được sự ủng hộ của người dân, họ lại càng ôm chặt chính sách sói chiến, bởi càng hung hăng, càng được ủng hộ.

Hiện các đảng cầm quyền và đối lập của Hoa Kỳ đều nhận ra rằng họ đã đánh giá sai ĐCSTQ trong quá khứ. Đồng thời, ĐCSTQ cũng đang chìm đắm trong cảm giác được ủng hộ của chính mình. Người tiếp theo đánh giá sai lại chính là ĐCSTQ.

Đông Phương, Vision Times

Xem thêm: