Một sinh viên người Hoa đã bị bắt do đe dọa công dân thường trú Hoa Kỳ, vì công dân này dán tài liệu đòi tự do dân chủ cho người dân ở Trung Quốc Đại Lục, theo thông cáo báo chí hôm qua 14/12.

Wu Xiaolei
Ảnh của Wu Xiaolei trên @aldimeowu/Instagram.

“Còn dán nữa thì tao sẽ chặt bàn tay (văng tục) của mày,” trích 1 câu từ hàng loạt những lời đe dọa thô bỉ mà Wu Xiaolei gửi qua WeChat, theo đơn khiếu nại.

Theo thông cáo báo chí nói trên của Văn phòng Luật sư Quận của tiểu bang Massachusetts, thì khung phạt tối đa cho tội danh bám đuôi đe dọa (stalking) có thể lên đến 5 năm tù giam, 3 năm quản chế, và khoản tiền phạt lên tới 250.000 USD.

Wu Xiaolei (25 tuổi) sinh viên quốc tịch Trung Quốc đang theo học ở Đại học Âm nhạc Berklee, Boston, Hoa Kỳ, đã bị bắt sau khi có đơn khiếu nại sinh viên này với tội danh bám đuôi đe dọa người Mỹ gốc Hoa, vì người này dán tờ ủng hộ tự do dân chủ ở khu vực trường học.

Screen Shot 2022 12 15 at 11.41.54 am 270x350 1
“Chúng tôi muốn tự do! Chúng tôi muốn đồ ăn! Chúng tôi muốn hít thở! Chúng tôi muốn nghệ thuật! Chúng tôi muốn dân chủ! Chúng tôi muốn tình yêu! HÃY SÁT CÁNH ỦNG HỘ NGƯỜI TRUNG QUỐC!” (Ảnh trích từ đơn khiếu nại)

Những nội dung đòi tự do dân chủ như vậy tuy hoàn toàn bình thường ở Hoa Kỳ, nhưng lại là điều cấm kỵ ở Trung Quốc Đại Lục.

“Tao đã gọi cho đường dây nóng trong nước [Trung Quốc], và công an sẽ đến thăm hỏi người nhà của mày,” Wu Xiaolei đã tuyên bố như vậy, theo bằng chứng trong đơn khiếu nại.

Hồ sơ không tiết lộ thông tin cá nhân của nhà hoạt động tự do dân chủ, nhưng cho biết người này là công dân thường trú Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc, và hiện giờ có người nhà đang sống ở Trung Quốc.

Vụ việc này xảy ra trong bối cảnh đã có hàng loạt các truy tố tương tự, mà Hoa Kỳ miêu tả là “đàn áp xuyên quốc gia” của Bắc Kinh.

Chỉ riêng năm nay, hơn chục đặc vụ, quan chức, và cá nhân Trung Quốc ở Hoa Kỳ đã bị cáo buộc làm việc cho ĐCSTQ để làm các việc quấy rối, đe dọa, và ép hồi hương những người Hoa đang sinh sống hợp pháp ở Hoa Kỳ.

Những báo cáo gần đây cho thấy ĐCSTQ có một hệ thống ít nhất trên 100 “đồn 110” trải rộng khắp thế giới, hoạt động dưới danh nghĩa là các hội đồng hương, hiệp hội kinh tế, v.v. nhưng thực chất họ nghe theo lệnh của ĐCSTQ để làm những việc như quấy rối, đe dọa, và “thuyết phục hồi hương” những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại.

Theo bằng chứng viết trong đơn khiếu nại, Wu Xiaolei đã đưa địa chỉ email của nhà hoạt động tự do dân chủ lên các nhóm trên WeChat, nhằm dẫn những người khác tới quấy rối, đe dọa, và tìm cho ra nơi mà nhà hoạt động này đang sống.

Trong một email đề ngày 24/10 gửi cho nhà hoạt động, mà sau đó Wu Xiaolei đăng trên tài khoản Instagram của mình, Wu Xiaolei cho biết nhà hoạt động sẽ bị bắt khi trở về Trung Quốc, và các thành viên gia đình của người đó sẽ nhận được “kiểm điểm chính trị” của ĐCSTQ.

“Mày đi mà rửa bát cho bọn chó tư bản,” lời của Wu Xiaolei, trích từ đơn khiếu nại.

“Được thôi, mày có thể kiện tao vì công kích cá nhân, nhưng tao cho là với gia cảnh của mày, thì mày sẽ không thoát khỏi tao được đâu. Tao đã chụp lại các liên lạc trên mạng xã hội của mày. Tao cũng đọc học bạ của mày rồi. Tao đã gọi điện đường dây nóng trong nước. Mày mà có thể đảo ngược tình thế thì tao bái phục mày luôn.”

“Đừng mong tưởng về nước, nơi đó không đón chào mày.”

Phản ứng của chính quyền

Luật sư Hoa Kỳ Rachael Rollins nói các hành vi đe dọa và quấy rối của Wu Xiaolei “là những nỗ lực nhằm bịt ​​miệng và đe dọa những quan điểm bày tỏ bất đồng với CHND Trung Hoa của nhà hoạt động [tự do dân chủ].”

“Chúng tôi sẽ không tha thứ cho các đe dọa, quấy rối, hoặc bất kỳ nỗ lực đàn áp nào khác đối với những người đang thúc đẩy ý tưởng, thực hiện công việc hoặc bày tỏ ý kiến ​​của họ một cách hòa bình.”

“Tự do ngôn luận là một quyền định ra trong Hiến pháp Hoa Kỳ và chúng tôi sẽ giữ gìn và bảo vệ nó bằng mọi giá.”

Joseph Bonavolonta, một đặc vụ trong bộ phận Boston của FBI cho biết: “Hành vi của bị cáo này là vô cùng đáng lo ngại, nó hoàn toàn đi ngược lại các giá trị dân chủ của đất nước chúng ta.”

Cảnh báo gia tăng

Vụ việc sinh viên trường Berklee xuất hiện tại Tòa án Quận của tiểu bang Massachusetts xảy ra sau một loạt vụ việc tương tự, khi mà các nhà hoạt động hoặc nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa trở thành mục tiêu của ĐCSTQ.

Vào tháng 3, Bộ Tư pháp (DOJ) thông báo 5 cá nhân bị buộc tội bám đuôi đe dọa, quấy rối, và lén theo dõi công dân Trung Quốc trên đất Mỹ. Các công tố viên cho biết các bị cáo là những người tham gia vào “đàn áp xuyên quốc gia” của Bắc Kinh, nhằm đàn áp những người chỉ trích chế độ cộng sản.

Trong những mục tiêu nói trên của ĐCSTQ, có một nghệ sĩ ở California và một cựu chiến binh đang tranh cử ghế quốc hội đại diện cho một quận ở Long Island.

Vào tháng 10, DOJ mở một bản cáo trạng buộc tội 7 cá nhân làm việc theo lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ép buộc các công dân Trung Quốc đang sống ở Hoa Kỳ trở về nước. Đây là nằm trong một hoạt động đàn áp xuyên quốc gia rộng lớn mang tên là “chiến dịch săn cáo”.

Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, một cơ quan lưỡng đảng độc lập của Chính phủ Hoa Kỳ, trong  báo cáo thường niên công bố vào tháng 11, đã nhấn mạnh “chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia kéo dài nhiều năm của chính quyền Trung Quốc đối với những người chỉ trích, người Duy Ngô Nhĩ và những người khác nhằm ngăn chặn sự chỉ trích và tăng cường kiểm soát các cộng đồng người di cư và hải ngoại.”

Các báo cáo gần đây của tổ chức phi lợi nhuận Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha cho biết đã phát hiện hơn 100 trạm cảnh sát trá hình của ĐCSTQ trên khắp thế giới, trong đó có hai trạm ở Thành phố New York và một ở Los Angeles. Cộng đồng người Hoa thường gọi đó là “đồn 110”, đặt tên theo số điện thoại của cảnh sát ở Trung Quốc.

id13868102 10062022 DSC03862 1200x800 600x400 1
“Hiệp Hội Trường Lạc” (Chang Le), Nhóm người Hoa thân cộng ở hải ngoại có trụ sở tại Khu Phố Tàu, Manhattan, thành phố New York. (Ảnh: Samira Bouaou / Epoch Times)

Mạng lưới toàn cầu này được thiết lập và đã hoạt động nhiều năm để đàn áp xuyên quốc gia theo lệnh của ĐCSTQ.

Các báo cáo đã làm dấy lên lo ngại giữa các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, và các nước châu Âu khác. Đã có những quan chức nhà nước các nơi trên thế giới lên tiếng chỉ trích rằng đó là hoạt động vi phạm các công ước quốc tế về hành pháp và tư pháp, tình báo, toàn vẹn lãnh thổ, và hoạt động của lãnh sự. Ít nhất 14 quốc gia đã mở một cuộc điều tra về các trạm này. Một số “đồn 110” đã đóng cửa sau khi bị phát hiện.

Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết trong một phiên điều trần vào tháng 11 rằng những trạm cảnh sát trá hình này đang được điều tra.

“Đối với tôi, cảm thấy thật là xúc phạm khi biết cảnh sát Trung Quốc thiết lập cơ quan —các ngài biết đấy, ở New York chẳng hạn— mà không có sự phối hợp thích đáng,” ông Wray đã nói với các nhà lập pháp vào ngày 17/11.

“Điều đó vi phạm chủ quyền và phá vỡ tiêu chuẩn quá trình hợp tác tư pháp và thực thi pháp luật. Tôi quan ngại sâu sắc về điều này. Tôi sẽ không thể để nó như thế.”