Ngày 23/12, Chính phủ Đức tuyên bố chính thức đình chỉ tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh đầu tư cho doanh nghiệp ở Iran sau khi chính quyền này tiến hành đàn áp các cuộc biểu tình.

Bộ Kinh tế cho hay, họ cũng đình chỉ các chương trình khác, bao gồm cả đối thoại về các vấn đề năng lượng, do “tình hình [đàn áp] rất nghiêm trọng ở Iran”.

Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu vốn để bảo vệ các công ty Đức khỏi thua lỗ khi hàng xuất khẩu không được thanh toán. Còn bảo lãnh đầu tư được đưa ra để bảo vệ các khoản đầu tư trực tiếp của các công ty Đức tránh khỏi rủi ro chính trị tại các quốc gia nơi chúng được thực hiện.

Theo Bộ Kinh tế, việc áp dụng các chương trình đó cho các dự án ở Iran từng bị đình chỉ trong nhiều thập kỷ cho đến tận “giai đoạn mở cửa ngắn” từ năm 2016, theo thỏa thuận của Iran với các cường quốc thế giới, bao gồm cả Đức, về chương trình hạt nhân của nước này. Bộ này cho biết thêm, chương trình bảo lãnh đã được cấp hoặc gia hạn cho một số dự án trong giai đoạn đó, nhưng không có bảo lãnh mới nào kể từ năm 2019.

Chính phủ Đức hiện đã quyết định “đình chỉ hoàn toàn” các khoản bảo lãnh; trong khi các khoản miễn trừ chỉ có thể được xét duyệt nếu có lý do nhân đạo đáng tin cậy. Thống kê từ Bộ Kinh tế cho thấy, thương mại Đức-Iran đạt tổng cộng 1,76 tỷ Euro (gần 1,9 tỷ USD) vào năm 2021; và 1,49 tỷ Euro trong 9 tháng đầu năm nay.

Làn sóng biểu tình ở Iran đã diễn ra hơn 2 tháng, xuất phát từ cái chết của cô Mahsa Amini (22 tuổi, người Kurd) trong khi bị Cảnh sát Đạo đức Iran bắt giữ vì không đeo khăn trùm đầu đúng quy định, đến nay đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất kể từ khi chính quyền Cách mạng Hồi giáo lên nắm quyền vào năm 1979.

Trong thời gian vừa qua, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran vì tiến hành đàn áp tàn bạo người biểu tình, cũng như việc nước này cung cấp hàng trăm máy bay không người lái cho Nga để sử dụng trong chiến tranh ở Ukraine.

Minh Ngọc (Theo AP)