Khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn, mất điện đã trở thành một từ thông dụng ở Đức và thậm chí cả châu Âu (EU). Liên minh châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp yêu cầu các quốc gia thành viên giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp khẩn cấp. Chính phủ Đức cũng đang gấp rút chuẩn bị cho tình huống mất điện có thể xảy ra vào mùa đông.

shutterstock 293332904
Với thời tiết mát mẻ hơn và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, Liên minh châu Âu, gồm cả chính phủ Đức, đang thảo luận cách đối phó với tình trạng mất điện có thể xảy ra. Hình ảnh cột điện cao thế tại Đức. (Ảnh minh họa: Tobias Arhelger / Shutterstock)

Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, nắng chiếu ngắn nên lượng điện tiêu thụ tương đối lớn. Nếu không có gió, năng lượng xanh sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Mọi người lo ngại rằng mùa đông năm nay sẽ rất đáng sợ, không có điện và không có hệ thống sưởi. Hiện nhiều chính quyền địa phương, cảnh sát, ngành công nghiệp ở Đức đều đang xây dựng các biện pháp khẩn cấp, chuẩn bị cho tình huống mất điện tồi tệ nhất.

Chuyên gia: Không thể loại trừ trường hợp mất điện, nhưng khả năng xảy ra là rất thấp

Điều đầu tiên cần lưu ý là không phải trường hợp cắt điện nào cũng được gọi là mất điện, chỉ các trường hợp cắt điện đột ngột trên diện rộng, kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần, mới được coi là mất điện hoặc cắt điện quy mô lớn. Trường hợp mất điện theo kế hoạch của các bộ phận liên quan đều không được tính đến.

Theo báo chí đưa tin, vào tháng 11/2006, công ty năng lượng Eon đã vô tình gây ra sự cố mất điện trên diện rộng. Khi đó, công ty này đã ngắt điện để đảm bảo cho một con tàu viễn dương có thể đi qua đường dây cao áp một cách an toàn. Do quy hoạch kém, hàng chục triệu hộ gia đình ở châu Âu đã không có điện trong 2 giờ.

Trên thực tế, xác suất mất điện ở Đức vẫn rất thấp. Giáo sư Christian Rehtanz, trưởng khoa Năng lượng của Đại học Công nghệ Dortmund ở Đức, nói với trang web biên tập truyền thông Đức RND rằng: “Tình hình mất điện trên diện rộng ở Đức trong vài tháng nay gần như không thể xảy ra, nhưng cũng không nên loại trừ hoàn toàn.”

Giáo sư cho biết, ví dụ không thể loại trừ sự cố mất điện do con người gây ra, chẳng hạn như các cuộc tấn công. Giống như nhiều chuyên gia, ông Rehtanz tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ không làm tăng khả năng mất điện.

Nếu công suất tiêu thụ tại một khu vực nào đó tăng đột biến có thể gây mất điện cục bộ. Các bộ phận liên quan cũng có thể hạn chế tiêu thụ điện tại một khu vực nào đó theo kế hoạch.

Cuộc khủng hoảng khí đốt ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện?

Trong thời gian gần đây, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên bao trùm khắp châu Âu, Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) số 1 và số 2 đều bị phá hoại. Cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên khiến nhiều người hoảng sợ. Nhiều người Đức lo ngại nguồn cung cấp sưởi ấm không thể đảm bảo vào mùa đông, thậm chí họ tranh nhau đi mua thiết bị sưởi điện.

Gần đây, vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và 2, đường ống năng lượng huyết mạch Nga –  châu Âu, đã làm nặng nề hơn tình trạng hỗn loạn ở châu Âu từ sau cuộc chiến Nga – Ukraine.

RND dẫn lời các chuyên gia nói rằng làm như vậy cái được không thể bù cho cái mất, vì chi phí sưởi ấm bằng điện cao hơn.

Một điểm khác, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên chỉ ảnh hưởng hạn chế đến việc cung cấp điện. Theo ông Wolfgang Fritz, giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng Consentec, điện của Đức do năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và sản xuất điện từ than nâu (lignite) tổ hợp thành.

Ông tin rằng sự thiếu hụt tiềm ẩn hiện nay trên thị trường điện châu Âu không phải do cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên gây ra, mà là do các vấn đề như công tác bảo trì các nhà máy điện hạt nhân của Pháp và tình trạng thiếu nước.

Ông Fritz giải thích rằng khí đốt tự nhiên chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn cung cấp năng lượng, nó chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm. Hơn nữa giá khí đốt tự nhiên khá cao, nên chủ yếu được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn năng lượng khác.

Các cá nhân cần chuẩn bị tự lực cánh sinh

Để đối phó với những trường hợp mất điện có thể xảy ra, EU, Chính phủ Đức, các chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều phương án khác nhau, đề phòng các trường hợp. Các chuyên gia cũng cho rằng dù khả năng xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng là rất thấp, nhưng các cá nhân vẫn cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, đừng hoảng sợ, đồng thời phải chuẩn bị tâm lý, vì không phải mọi vấn đề đều có thể được giải quyết kịp thời. Một số trường hợp và cá nhân cá biệt có thể phải đợi vài ngày mới được hỗ trợ.

Chính phủ Đức đã đưa ra một kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp, được giới thiệu riêng trên trang web của Chính phủ.

Ví dụ, yêu cầu người dân dự trữ nước, thực phẩm và các vật dụng sơ cứu được khuyến nghị như thuốc, thông tin liên lạc, sản phẩm vệ sinh và sách trong vài ngày khi có trường hợp khẩn cấp. Các chuyên gia cảnh báo rằng với tình hình hiện tại, cần chuẩn bị tốt các vật dụng giữ ấm.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng do chiến tranh đã khiến giá cả ở châu Âu tăng mạnh, giá khí đốt tự nhiên tăng gấp 5 lần, giá điện tăng gấp 10 lần, chi tiêu sinh hoạt của người dân tăng mạnh, và chi phí sản xuất công nghiệp tăng vọt. Rất có khả năng sau khi mùa đông này qua đi, rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản, nhiều gia đình không thể chi trả tiền điện và tiền sưởi ấm cao hơn cả tiền lương.

Bình Minh (t/h)