Theo Bộ Y tế Đức, đến cuối tháng 6, nước này có thể phải vứt bỏ đến 3 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 hết hạn sử dụng trong bối cảnh “cung vượt xa cầu”.

vắc-xin ngừa COVID-19
(Ảnh minh họa: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Cụ thể, hôm 11/4 vừa qua, người phát ngôn Bộ Y tế Đức Hanno Kautz nói với các phóng viên tại Berlin rằng tính đến thời điểm này “chưa có nhiều liều vắc-xin” bị hủy nhưng ông không thể đưa ra con số cụ thể.

Ông Kautz cho biết thêm: “Hiện tại chúng ta có nhiều vắc-xin hơn số lượng đang được sử dụng và thậm chí có thể viện trợ”.

Ông Kautz cho hay vắc-xin của BioNTech-Pfizer có thể lưu trữ lâu hơn so với quan điểm trước đây. Do vậy, giới chức trách Đức nhận định rằng đến cuối tháng 6 sẽ phải tiêu hủy 3 triệu liều, thay vì ước tính trước đó là 10 triệu liều.

Chương trình tiêm vắc-xin của Đức có dấu hiệu chậm lại đáng kể với tuần trước chỉ, khi ghi nhận 33.000 liều tiêm mỗi ngày. Trong khi đó, vào tháng 12/2021, con số này là 1 triệu liều/ngày.

Đến nay, có khoảng 76% dân số Đức đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19 và 59% dân số đã tiêm liều bổ sung. Mặc dù giới chức nước này không hài lòng với tỷ lệ tiêm chủng (đặc biệt ở người cao tuổi), nhưng quốc hội Đức trong tuần trước đã bác bỏ đề xuất yêu cầu tất cả những người trên 60 tuổi phải tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Ở một diễn biến khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang xem xét và đánh giá về tình trạng bị mất thính giác hiếm gặp và mắc các vấn đề về thính giác khác sau khi tiêm chủng ngừa COVID-19.

Trong một bản tin đăng tải trên trang web của mình, WHO cho hay rằng cơ quan này đã nhận được một số báo cáo ghi nhận các trường hợp gặp các vấn đề về thính giác (đặc biệt là chứng ù tai) có thể liên quan đến vắc-xin ngừa COVID-19. Theo đó, tổ chức này đã ghi nhận 367 trường hợp bị ù tai và 164 ca bị mất thính lực ở những người đã tiêm vắc-xin trên toàn cầu, thường xảy ra trong vòng 1 ngày sau khi tiêm. Các trường hợp này dường như cực kỳ hiếm gặp, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hơn 11 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đã tiêm trên toàn cầu.

Các báo cáo được ghi nhận tại 27 quốc gia (trong đó có Ý, Anh và Mỹ) từ Trung tâm Giám sát Uppsala, tổ chức phi lợi nhuận và độc lập ở Thụy Điển hợp tác với WHO. Những người được ghi nhận xảy ra hiện tượng ù tai có độ tuổi từ 19 – 91, với gần 75% là phụ nữ và hơn 30% là những người làm việc trong ngành y tế. Nhiều người cho biết đã hồi phục sau đó; tuy nhiên, một số khác cho biết họ bị ù tai liên tục trong nhiều tháng sau khi tiêm vắc-xin.

Phan Anh (tổng hợp)

Nạn đói Nga 1921-1923 và chiến dịch cứu trợ vĩ đại của người Mỹ