Ngày 15/9, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết, việc các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga là chính đáng về mặt đạo đức.

Embed from Getty Images

Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về sau chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Kazakhstan, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi Kyiv cởi mở với các cuộc đối thoại chung cuộc, mặc dù điều đó không mấy dễ dàng bởi nó gây khó khăn cho phía Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo bối cảnh cho chuyến thăm của Đức Giáo hoàng tới Kazakhstan, tại đây ông đã tham dự một đại hội của các lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới.

Trong một cuộc họp báo kéo dài 45 phút trên máy bay, một phóng viên đã hỏi Đức Giáo hoàng rằng liệu việc các nước gửi vũ khí đến Ukraine có đúng về mặt đạo đức hay không.

“Đây là quyết định chính trị có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, nếu được thực hiện dưới các điều kiện của đạo đức,” Đức Giáo hoàng trả lời.

Ông cũng giải thích các nguyên tắc “Chiến tranh chính nghĩa” của Giáo hội Công giáo La Mã, trong đó cho phép sử dụng vũ khí sát thương để tự vệ trước một quốc gia xâm lược.

“Tự vệ không chỉ là chính đáng mà còn là biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước. Ai không tự bảo vệ mình, không bảo vệ cái gì thì nghĩa là không yêu cái đó. Ai bảo vệ cái gì thì chính là họ yêu quý cái đó,” ông nhìn nhận.

Giải thích về sự khác biệt giữa đạo đức hay vô đạo đức trong việc cung cấp vũ khí cho quốc gia khác, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho hay: “Có thể là vô đạo đức nếu có ý định khiêu khích thêm chiến tranh, hoặc bán vũ khí, hoặc bán phá giá vũ khí mà (một quốc gia) không còn cần nữa. Về cơ bản, động cơ chính là yếu tố đáp ứng điều kiện đạo đức của hành động này.”

Đức Giáo hoàng cũng được hỏi liệu Ukraine có nên đàm phán với quốc gia đã xâm lược mình hay không, và liệu Ukraine có nên vạch ra “lằn ranh đỏ” tùy vào các hành động của Nga để có thể từ chối đàm phán hay không.

Ông phản hồi: “Việc đối thoại với các quốc gia đã gây ra chiến tranh luôn luôn khó khăn… rất khó nhưng không nên bỏ qua.”

“Tôi sẽ không loại trừ đối thoại với bất kỳ thế lực nào đang ở trong cuộc chiến, ngay cả khi đó là với kẻ xâm lược… Đôi khi sẽ phải thực hiện đối thoại như thế này. Dù khó chịu nhưng vẫn phải được thực hiện,” Đức Giáo hoàng tiếp tục.

“Đối thoại luôn là một bước tiến về phía trước, với một bàn tay dang rộng, luôn là vậy. Bởi vì nếu không, chúng ta sẽ đóng cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình.”

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Đôi khi họ (kẻ gây hấn) không chấp nhận đối thoại. Thật đáng tiếc. Nhưng luôn cần phải đối thoại, hoặc ít nhất là đề nghị. Và điều này có lợi cho những người đề nghị làm vậy.”

Nhật Minh (Theo Reuters)