Bộ Ngoại giao Đức đang lên kế hoạch thắt chặt quy định với các công ty chịu ảnh hưởng mạnh từ Trung Quốc, yêu cầu họ phải giải trình nhiều thông tin hơn, và có thể tiến hành các kiểm tra áp lực đối với các rủi ro địa chính trị, theo Reuters đưa tin khi xem xét một tài liệu dự thảo mật.

Embed from Getty Images

Các biện pháp được đề xuất trong bản thảo là một phần trong chiến lược mới về kinh doanh với Trung Quốc do chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vạch ra nhằm loại bỏ rủi ro phụ thuộc kinh tế vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Mục tiêu là điều chỉnh cơ cấu khuyến khích cho các công ty Đức bằng các công cụ kinh tế thị trường, để cho việc giảm phụ thuộc vào xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn”, tài liệu cho hay, chỉ ra ngành công nghiệp hóa chất và ô tô.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao từ chối bình luận, theo Reuters đưa tin.

Hơn một tuần trước, như tin đã đưa, chính phủ liên bang Đức đã ra quyết định chặn 2 thương vụ mà Trung Quốc dự định tiếp quản nhà máy xuất chip của Đức, ngay sau cuộc gặp gỡ giữa ông Scholz và chủ tịch Tập Cận Bình, do lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng “trật tự và an ninh công cộng”. Lưu ý là trước đó không lâu, chính ông Scholz đã từng ủng hộ việc Trung Quốc mua cổ phần một hải cảng trọng yếu của Đức, nhưng sau đó chính phủ đã cắt giảm hạn ngạch mua vì lo ngại nguy cơ phụ thuộc vào ĐCSTQ.

Bản dự thảo được soạn bởi Bộ Ngoại giao này cần được sự đồng ý của các bộ khác. Quyết định cuối cùng về chiến lược quan hệ với Trung Quốc dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu năm tới.

Mối quan hệ thương mại sâu rộng đã gắn kết các nền kinh tế lớn giữa châu Á và châu Âu. Sự mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc và nhu cầu gia tăng đối với ô tô và máy móc của Đức đã thúc đẩy tăng trưởng cả hai bên hơn hai thập kỷ qua. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2016.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã bị lọt vào tầm ngắm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm nay. Các diễn biến sau cuộc chiến đã khiến Đức chấm dứt mối quan hệ năng lượng kéo dài cả chục năm với Moscow và khiến nhiều công ty từ bỏ hoạt động kinh doanh tại địa phương.

“Chúng ta không được tái phạm sai lầm này. Đây là trách nhiệm của các chính khách và các công ty”, tài liệu viết.

“Chúng ta có mục tiêu là buộc các công ty đặc biệt chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, phải chỉ rõ ra và liệt kê ra các số liệu và những nội dung liên quan đến Trung Quốc”, như được viết trong tài liệu.

“Trên cơ sở này, chúng ta sẽ đánh giá liệu các công ty chịu ảnh hưởng đó có phải tiến hành các bài kiểm tra áp lực thường kỳ, với mục tiêu xác định các mối nguy liên quan đến Trung Quốc ngay từ sớm và thiết lập các biện pháp đối phó thích đáng”.

Các khoản bảo lãnh đầu tư sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, và phải tính đến các ảnh hưởng về môi trường, thị trường việc làm, và các tiêu chuẩn xã hội cũng như tránh tình huống nạn lao động cưỡng bức lọt vào chuỗi cung ứng. Để tránh rủi ro, bảo lãnh đầu tư được đề xuất giới hạn ở mức 3 tỷ Euro cho mỗi công ty mỗi quốc gia, theo như tài liệu viết.

Chính phủ cũng có kế hoạch thắt chặt bảo lãnh tín dụng xuất khẩu để tránh chuyển giao công nghệ ngoài mong muốn, đặc biệt là các công nghệ nhạy cảm có thể ứng dụng cả trong kinh tế và quân sự, và những công nghệ có thể được dùng để giám sát và đàn áp, theo như tài liệu viết.

Chiến lược mới – được Đảng Xanh thúc đẩy mạnh mẽ trong một liên minh hiện do ông Scholz thuộc Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo và cũng gồm cả Đảng Dân chủ Tự do vốn ủng hộ kinh doanh [với Trung Quốc], đã đánh dấu đường lối phát triển mới so chính sách của Berlin dưới thời cựu Thủ tướng bảo thủ Angela Merkel.

Tiến Minh (theo Reuters)