Hôm 14/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine để giảm leo thang tình hình trong khu vực, theo tin từ Reuters.

Embed from Getty Images

Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đang bày tỏ sự lo ngại trước việc quân Nga tập trung số lượng lớn gần Ukraine và ở Crimea, bán đảo mà Moscow sáp nhập từ Kyiv vào năm 2014.

Nga và Ukraine đã đồng thời tổ chức các cuộc tập trận quân sự vào thứ Tư, khi các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng NATO bắt đầu thảo luận khẩn cấp về việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới Ukraine.

Cộng đồng quốc tế hôm thứ Hai đã đưa ra yêu cầu Nga kiềm chế. Các ngoại trưởng G7 của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã ra tuyên bố chung khẳng định ủng hộ Ukraine.

Trong cuộc điện đàm hôm 14/4, bà Merkel và ông Biden đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở miền đông Ukraine và kêu gọi Nga cần tránh bất kỳ hành động leo thang nào thêm nữa.

Người phát ngôn chính phủ Đức, ông Steffen Seibert cho biết: “Thủ tướng [Đức] và Tổng thống [Mỹ] nhất trí rằng Nga nên giảm các đợt điều động binh lính mới nhất để giảm leo thang tình hình.”

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng ông Biden và bà Merkel “bày tỏ quan ngại về việc quân đội Nga tăng cường ở biên giới Ukraine và tại khu vực Crimea, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (13/4) để nhấn mạnh về hậu quả của các hoạt động của Nga.

Các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư cho biết Hoa Kỳ đã hủy bỏ việc triển khai hai tàu chiến đến Biển Đen.

Nga phớt lờ đề nghị thảo luận của Ukraine

Theo Just The News, các quan chức ở Kiev hôm thứ Hai cho biết Moscow đã phớt lờ lời đề nghị để thảo luận về tình hình đang căng thẳng ở khu vực biên giới.

Các hoạt động chuyển quân của Nga kể từ tháng 3 đã làm dấy lên nhiều đồn đoán ở Ukraine bởi nó có sự tương đồng với các phong trào tương tự trước khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Theo Yulia Mendel, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho đến nay, Nga đã đồn trú hơn 40.000 quân ở Crimea và 40.000 quân khác gần biên giới phía đông với Ukraine. Văn phòng của ông Zelensky còn nói rằng Nga sẽ sớm tăng gấp đôi nhóm đông đảo gần biên giới.

Ukraine hôm thứ Hai tuyên bố rằng Nga từ chối nỗ lực để lãnh đạo hai nước nói chuyện trực tiếp.

Theo đúng thủ tục, “Ukraine đã gửi yêu cầu chính thức tới phía Nga để giải thích về việc Nga tăng cường quân sự quy mô lớn trong những ngày qua dọc biên giới với Ukraine và trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời”, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố hôm 12/4. “Rất tiếc, phía Nga đã từ chối cung cấp thông tin quan trọng theo yêu cầu, tuyên bố rằng họ không tiến hành các hoạt động như vậy.”

Ông Mendel lưu ý rằng văn phòng của ông Zelensky đã kêu gọi nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng “chúng tôi chưa nhận được câu trả lời và chúng tôi rất hy vọng rằng đây không phải là một lời từ chối đối thoại.”

Tuy vậy, tại Moscow, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov cho biết ông “không biết về bất kỳ yêu cầu nào [như vậy] được đưa ra gần đây”, theo truyền thông Nga.

Tình báo Mỹ không rõ lý do ông Putin triển khai quân đội tới biên giới Ukraine

Trong một diễn biến khác, các quan chức tình báo Hoa Kỳ cho hay lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin điều động lượng quân lớn ở biên giới Ukraine vẫn còn là một ẩn số.

Trung tướng Lục quân Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, nói trước các nhà lập pháp tại Thượng viện hôm thứ Tư: “Chúng tôi không biết mục đích ngay bây giờ của họ là gì.”

Các quan chức Điện Kremlin đã bảo vệ việc điều quân của mình, nói rằng đó là vấn đề nội bộ vì các lực lượng này vẫn chưa rời khỏi biên giới Nga. Tuy nhiên, các quan chức Nga cũng ám chỉ rằng họ có thể có lý do để xâm lược miền đông Ukraine nhân danh những người nói tiếng Nga ở Donbas.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Tư trong khi xuất hiện tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: “Tất cả chúng tôi đều lo ngại về sự tăng cường quân sự khổng lồ này và Nga cần phải chấm dứt hoạt động xây dựng lực lượng, dừng các hành động khiêu khích và leo thang tình hình”.

Trong khi đó, ông Yulia Zhdanova, cố vấn cho phái đoàn của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, cho biết hôm thứ Tư (14/4) rằng: “Tất cả các biện pháp di chuyển các đơn vị quân đội Nga là một phần của quá trình huấn luyện chiến đấu bên trong lãnh thổ quốc gia của chúng tôi. Chúng phù hợp với tình hình và không ảnh hưởng đến an ninh của các nước khác”.

Theo các quan chức Mỹ, các lực lượng Nga được bố trí theo cách có thể cho phép thực hiện các cuộc tập trận huấn luyện hoặc “điều gì đó tồi tệ hơn.”

Giám đốc CIA William Burns cũng đưa ra đánh giá tương tự về việc Nga tập hợp lực lượng. “Đó có thể là sự kết hợp của … các tín hiệu, một cách cố gắng đe dọa giới lãnh đạo Ukraine, báo hiệu cho Hoa Kỳ, nhưng việc tập hợp lực lượng của họ cũng đạt đến mức có thể cho phép họ tiến hành cuộc xâm nhập quân sự hạn chế [vào Ukraine]. Và vì vậy, không chỉ Hoa Kỳ, mà các đồng minh của chúng ta cũng cần phải hết sức cẩn trọng”.

Lê Xuân (tổng hợp)

Xem thêm: