Đức đã công bố các biện pháp vào ngày 19/6 nhằm giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên và quay lại tăng sử dụng than đá, do việc Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt đe dọa sự thiếu hụt trong mùa đông tới.

Embed from Getty Images

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, nước này sẽ cần quay trở lại các nhà máy nhiệt điện than “trong một giai đoạn chuyển tiếp”, đồng thời tích trữ thêm khí đốt vào kho để giúp đất nước vượt qua mùa đông.

“An ninh nguồn cung hiện đang được đảm bảo, nhưng tình hình khá nghiêm trọng,” ông Habeck nhấn mạnh trong một tuyên bố. “Thành thật mà nói, điều đó có nghĩa là, cần phải có nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn cho giai đoạn chuyển tiếp. Điều đó thật tồi tệ, nhưng nó rất cần thiết trong tình huống hiện tại để giảm tiêu thụ khí đốt.”

Ông Habeck cũng cho hay, Đức đang chuẩn bị một mô hình đấu giá khí đốt dự kiến được công bố vào cuối mùa hè này để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. Hồi tháng 3, các nhà lập pháp Đức đã thông qua đạo luật dự trữ khí đốt, quy định rằng kho khí đốt phải đầy đủ trước khi bắt đầu thời kỳ sưởi ấm để đảm bảo có thể vượt qua mùa đông.

Thông báo này được đưa ra sau khi tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga tuyên bố sẽ giảm thiểu hơn nữa việc cung cấp khí đốt hàng ngày qua đường ống Nord Stream 1 vào tuần trước, đổ lỗi cho việc sửa chữa bảo dưỡng. Phía Đức, quốc gia mua khí đốt lớn nhất của Nga tại Liên minh châu Âu, bác bỏ các tuyên bố này, khẳng định đây là một động thái nhằm tăng giá.

Biện pháp mới khiến các kế hoạch thoát khỏi than đá của Đức bị đình trệ vì họ đang phải cố  giải quyết nhu cầu năng lượng hiện tại. Tháng 7/2020, các nhà lập pháp Đức đã thông qua dự luật nhằm tiến tới rút khỏi ngành than, trong đó vạch ra kế hoạch chấm dứt sản xuất điện than hoàn toàn vào năm 2038.

Minh Ngọc (Theo Washingtonexaminer)