Đức và Namibia đã đạt được thỏa thuận, theo đó Đức thừa nhận đã phạm tội diệt chủng ở Namibia trong thời kỳ thuộc địa. Đức đã cam kết bồi thường 1,1 tỷ euro (tương đương 1,3 tỷ đô la Mỹ) cho Namibia phục vụ các dự án phát triển phúc lợi cho Namibia.

Embed from Getty Images

Ngày 28/5, Ngoại trưởng  Đức Heiko Maas đã có bài phát biểu trước truyền thông, khẳng định Đức và Namibia đã đạt được thỏa thuận về vấn đề diệt chủng thời thuộc địa (Nguồn: Sean Gallup / Getty Images).

Thỏa thuận được công bố vào thứ Sáu (28/5) tại thủ đô Berlin của Đức. Hai bên đã đạt được thỏa thuận thực thi trong 5 năm. Cuộc diệt chủng được đề cập trong thỏa thuận xảy ra từ năm 1904 đến năm 1908, khi đó Đức là nước có chủ quyền tại đất nước miền nam châu Phi này.

Theo giới sử học, kể rằng vào năm 1904, tướng Đức Lothar von Trotha được lệnh đến Namibia (tên khi đó là Tây Nam Phi thuộc Đức) để đàn áp cuộc nổi dậy Herrero. Namibia là thuộc địa của Đức từ năm 1884 đến năm 1915.

Tướng Trotha đã ra lệnh cho quân tiêu diệt hoàn toàn bộ tộc Herrero. Theo ước tính của giới sử học thì khoảng 65.000 – 80.000 người Hereros đã chết trong các cuộc thảm sát và trục xuất, và từ 10.000 – 20.000 người Nama đã bị giết.

Ngoại trưởng Đức Maas cho biết trong một tuyên bố: “Theo trách nhiệm lịch sử và đạo đức của Đức, chúng tôi thỉnh cầu Namibia và con cháu của các nạn nhân tha thứ”.

Ngoại trưởng Maas cũng nói: “Mục tiêu của chúng tôi trong quá khứ và cả từ nay về sau là tìm ra một cách có thể chấp nhận được cho cả hai bên để đạt được hòa giải thực sự, để tưởng nhớ các nạn nhân”.

Phương pháp hòa giải mà ông Maas nói bao gồm nêu tên các sự kiện diễn ra trong thời thuộc địa của Đức (1904-1908) ở khu vực ngày nay là Namibia, làm rõ trách nhiệm của người Đức “mà không giấu giếm và tô vẽ”.

Ông nói, “Bây giờ chúng ta cần chính thức mô tả những sự kiện này là ‘cuộc diệt chủng’ cho đúng cách xác định của ngày nay”.

Đức và Namibia bắt đầu đàm phán vấn đề đó vào năm 2015. Năm 2004, Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức lúc bấy giờ là Heidemarie Wieczorek-Zeul đã đến thăm Namibia và lần đầu tiên lên tiếng xin lỗi người Namibia. Ông cho biết: “Theo cách gọi ngày nay, đó là ‘diệt chủng’”.

Hãng tin AP dẫn lời ông Maas, “Như nhận thức về nỗi đau khổ lớn lao, Đức có kế hoạch hỗ trợ Namibia và con cháu của các nạn nhân năm đó, thiết lập một dự án tái thiết và phát triển với tổng trị giá 1,1 tỷ euro”. Ông cũng nói, “Các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cuộc diệt chủng sẽ đóng vai trò quyết định trong thiết kế và thực hiện dự án này”.

Alfredo Hengari, phát ngôn viên của Tổng thống Namibia là Hage Geingob, nói với AFP, “Việc Đức công nhận tội ác diệt chủng là bước đầu tiên đi đúng hướng”.

Phát ngôn viên Hengari nói, “Đây là cơ sở để thực hiện bước thứ hai để xin lỗi. Sau đó là bồi thường”.

Tuy nhiên, thủ lĩnh Mutjinde Katjiua của các nhóm sắc tộc Herero – những người đã chịu thảm họa đó – không hài lòng về thỏa thuận dàn xếp đạt được hôm thứ Sáu giữa Chính phủ Namibia và Đức. AP dẫn lời Katjiua: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả nào mà chính phủ hai nước này đạt được”.

Theo VOA

Xem thêm: