Truyền thông Đức hôm 14/3 đưa tin cơ quan công tố liên bang của nước này đang tiến hành điều tra một lãnh đạo tình báo trong Bộ Công An Việt Nam, người bị cho là đóng vai trò quan trọng trong vụ ‘bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin‘ hồi tháng Bảy năm ngoái.

Theo đài phát thanh quốc tế Đức Deutsche Welle, người đang bị cơ quan công tố Đức điều tra là trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục An Ninh, Bộ Công An.

Báo chí Đức mô tả ông Trịnh Xuân Thanh, một doanh nhân người Việt đang xin tị nạn ở Đức, đã bị bắt cóc gần công viên Tierpark, trung tâm Berlin vào tháng 7/2017 và bí mật đưa về Việt Nam, nơi ông bị kết án trung thân vì biển thủ tài sản trong thời gian làm việc tại công ty dầu khí quốc gia.

txthanh 1
Ông Trịnh Xuân Thanh khi ở nước ngoài

‘Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’: Nước Đức không thể chấp nhận và đang cân nhắc trừng phạt VN?

Tờ Sueddeutsche Zeitung tường thuật, ông Thanh “ngay lập tức bị đưa tới Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin-Treptow và từ đó được đưa về Việt Nam bằng một ngả nào đó không rõ”.

Ông Hưng được cho là đã tới Berlin một tuần trước khi xảy ra vụ ‘bắt cóc’.

Ông đã trú tại khách sạn “Berlin, Berlin”, và đã gặp gỡ với đầu mối của cơ quan tình báo tại Tòa Đại sứ Việt Nam, theo truyền thông Đức.

Báo Tagesschau nói rằng trong tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay được thể hiện rõ ràng.

Theo cáo trạng này thì chỉ hai ngày trước vụ bắt cóc hôm 23/7, ông Hưng đã chuyển chỗ ở, tới khách sạn “Sylter Hof”, và từ phòng khách sạn này ông đã “chỉ đạo vụ bắt người“. Ông Hưng “hầu như không rời khỏi phòng cho tới khi xảy ra vụ bắt cóc”.

Ông đã gọi hơn 100 cuộc điện thoại di động và gửi các tin nhắn cho những đối tượng khác cùng tham gia vụ bắt cóc để điều phối hoạt động.

Báo Sueddeutsche Zeitung bình luận rằng việc Đức mở điều tra một viên tướng cấp cao ở Việt Nam cho thấy câu chuyện Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên một tầm mức chính trị cao hơn.

Trước đó, Đức đã trục xuất một nhân viên tình báo và một nhà ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin

Đến nay, người Việt duy nhất bị Đức truy tố trong vụ này là ông Nguyễn Hải Long. Ông Long sinh sống tại Séc nhiều năm, bị cáo buộc là lái xe trong vụ bắt cóc.

Tuần trước công tố viên Đức đã buộc tội ông Long làm gián điệp và thực hiện hành vi bắt cóc. Ông Long đã phủ nhận các cáo buộc này.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, nói với BBC rằng phiên tòa đối với ông Nguyễn Hải Long có thể sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4/2018 tại Berlin.

Chưa tìm ra lối thoát ngoại giao

Các báo Đức nhận định rằng “lối thoát ngoại giao cho hai nước trong vụ việc này dường như chưa hé lộ”.

Sau “vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh”, mà bên Việt Nam gọi là “ông Thanh tự nguyện về nước đầu thú” chính quyền Thủ tướng Merkel lên án Việt Nam vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Đức.

Quan hệ song phương đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đó. Đức đã nhanh chóng trục xuất 2 nhân viên ngoại giao tại Tòa sứ quán Việt Nam ở Berlin.

Hôm 22/9, Đức tuyên bố “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.

Đức cũng tạm dừng chế độ miễn visa dành cho các quan chức Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao tới Đức.

Sự việc dường như tạm ngưng lại sau khi Đức trải qua một kỳ bầu cử cam go, trong đó Đảng của bà Merkel tuy thắng nhưng ở thế mong manh phải tìm liên minh để lập chính phủ.

Hôm 14/3, bà Angela Merkel đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức, chính phủ liên minh đã được thành lập sau gần 6 tháng bầu cử và liên tiếp trải qua các cuộc đàm phán khó khăn.

Với việc hình thành bộ máy lãnh đạo chính phủ mới của Đức, câu hỏi về việc xử lý vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ còn là một đề tài tiếp tục nóng”, một nhà báo tại Berlin bình luận.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: