Từ bệnh viện, đường sắt, bến tàu đến trường học, cửa hàng, tiệm tạp hóa đều ngừng hoạt động, đất nước Myanmar đang rơi vào cảnh bế tắc. Những người đình công hy vọng hành động của họ sẽ buộc quân đội trao lại quyền lực sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Embed from Getty Images

(Ảnh: Giáo viên Myanmar trên khắp cả nước đình công)

Cửa sổ của các quầy giao dịch ngân hàng bám đầy bụi. Hàng hóa tại cảng vẫn chưa được thu gom. Và trong các Bộ của chính phủ ở Naypyidaw, thủ đô của Myanmar, những chồng tài liệu đang cuộn tròn ẩm mốc. Hầu như không còn mấy người đến xử lý các thủ tục giấy tờ.

Kể từ khi quân đội nắm chính quyền trong cuộc đảo chính vào tháng trước, cả quốc gia đã đi vào bế tắc. Từ bệnh viện, đường sắt, bến tàu đến trường học, cửa hàng và tiệm tạp hóa, phần lớn xã hội đã ngừng hoạt động trong nỗ lực ngăn cản chế độ quân sự và buộc nó phải trả lại quyền lực cho chính phủ dân sự.

Trong khi những người biểu tình tiếp tục đối mặt trước làn đạn, với ít nhất 220 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, theo AAPP, thì sự kiên trì âm thầm của phong trào bất tuân dân sự trên khắp đất nước đã trở thành vũ khí mạnh mẽ chống lại quân đội. Khi mọi thứ đã vào trong thế cờ, các tướng lĩnh dường như hoàn toàn không thể ngờ được người dân lại kháng cự ở mức độ đến như vậy. 

Daw Cho Cho Naing, thư ký tại Bộ Ngoại giao, người đã từ chối làm việc cùng với hầu hết các đồng nghiệp của mình, nói với New York Times rằng: “Họ đã cướp quyền của người dân từ chính phủ được bầu của chúng tôi. “Hành trình dân chủ của đất nước chúng ta vừa mới bắt đầu và chúng ta không thể để mất nó một lần nữa.”

Hệ quả của việc hàng triệu người từ chối làm việc là rất lớn, ngay cả khi quân đội vốn đã quen chịu áp lực. Theo các quan chức từ bốn Bộ, tới 90% hoạt động của chính phủ quốc gia đã ngừng hoạt động. Các nhà máy ngừng sản xuất. Trong tháng 2, cơ quan đăng ký kinh doanh quốc gia chỉ ghi nhận chưa đến 190 hồ sơ đăng ký mới, so với gần 1.300 của năm trước.

Ở một đất nước có ít nhất một phần ba dân số đã sống dưới mức nghèo khổ, phong trào bất tuân dân sự đang mang lại vô vàn khó khăn cho người dân. Nhưng những người đình công hy vọng rằng chỉ một vài tuần hoặc vài tháng nữa, các cuộc cưỡng chế tài chính sẽ khiến quân đội chết đói và thiếu những nguồn lực cần thiết để điều hành đất nước.

Hôm Chủ nhật, hàng chục người đã thiệt mạng tại các khu nhà máy ở Yangon, thành phố lớn nhất ở Myanmar, khi lực lượng an ninh trấn áp những người biểu tình trên đường phố bằng vũ khí sát thương. Khu vực này hiện đang được thiết quân luật, nhưng nhiều công nhân đã thề sẽ không từ bỏ [đấu tranh].

Cô Ma Thuzar Lwin, người có chồng là anh Ko Chan Thar, một công nhân xây dựng, đã bị bắn vào cổ trong một vụ tấn công gần đây, cho biết: “Chúng tôi có thể nghèo về tiền bạc, nhưng chúng tôi giàu có vì giá trị của lòng yêu nước.”

Đầu tuần này, khi chồng cô đấu tranh với tử thần, cô Thuzar Lwin đã nói lên nguyện vọng của mình: “Tôi muốn anh ấy tận mắt chứng kiến ​​ngày quân đội từ chức.” Anh Chan Thar đã qua đời hôm thứ Tư.

Trong các cuộc đột kích sau cuộc đảo chính, binh lính đã vây bắt hàng trăm quan chức được coi là trung thành với chính phủ dân sự do đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lãnh đạo. Một cố vấn kinh tế người Úc cho bà Aung San Suu Kyi cũng đã bị giam giữ. Hơn 200 nhân viên của ngân hàng trung ương, bao gồm 5 phó giám đốc, đã bị sa thải vì bất tuân dân sự.

Do đó, hiện không có ai thu thuế ở Myanmar. Phần lớn các giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu và nhiều giấy phép khác không còn được cấp. Khi nhiều nhân viên của các ngân hàng tư nhân tham gia cuộc đình công, hầu hết dòng tiền ra vào đất nước đã ngừng lại. Nhiều công ty đã không thể trả lương cho nhân viên. Các ngân hàng quân đội hạn chế cho rút tiền vì sợ hết tiền.

Tuần trước, quân đội đã ra lệnh cho các ngân hàng tư nhân chuyển tiền mà các thương nhân nông nghiệp gửi đến các ngân hàng nhà nước hoặc ngân hàng quân đội để số tiền này có thể được rút ra cho vụ thu hoạch sắp tới. Mệnh lệnh đã không được tuân theo.

Daw Phyu Phyu Cho, nhân viên cho vay của một ngân hàng tư nhân đã tham gia cuộc đình công, cho biết: “Bây giờ họ là vua, nhưng chúng tôi không phải là người hầu của họ. Nếu tất cả chúng ta đoàn kết, họ sẽ không thể làm gì được.”

Myanmar hiện đang thiếu nhiều thứ cùng một lúc: xăng dầu, ngũ cốc và các loại đậu nhập khẩu, kem đánh răng của nước ngoài. Tại khu vực Yangon, giá bán lẻ dầu cọ đã tăng 20% ​​kể từ cuộc đảo chính, theo Chương trình Lương thực Thế giới.

Mọi người đã quen với việc xếp hàng dài tại các máy A.T.M. để rút tiền, nhận lương hưu, để được phát gạo và cà ri. Các công nhân của những nhà máy đình công đang phải lựa chọn giữa việc tham gia biểu tình hoặc chờ đợi dưới trời nắng nóng để nhận các nhu yếu phẩm căn bản có thể được cung cấp vào ngày hôm đó.

Hiện tại, các mạng lưới tài chính phi chính thức đang cố gắng giúp người dân giảm thiểu khó khăn khi bị mất tiền lương. Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở Myanmar, một nhóm Facebook do những công dân bình thường điều hành đã gây quỹ để hỗ trợ gần 5.000 người đang tham gia phong trào bất tuân dân sự.

Nền kinh tế của Myanmar, một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất ở châu Á sau nhiều thập kỷ quản lý yếu kém, đã chịu thiệt hại nặng nề bởi virus corona, với tác động đặc biệt nghiêm trọng đến ngành may mặc và du lịch. Thêm cuộc đảo chính, các nhà đầu tư nước ngoài đang cảm thấy ái ngại. Toyota đã trì hoãn kế hoạch mở nhà máy. Ngân hàng Thế giới đã tạm dừng giải ngân trong nước.

Nhiều lệnh trừng phạt của các chính phủ phương Tây đối với các sĩ quan và công ty quân đội đã được đưa ra. Tuần trước, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cấm giao dịch với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của con cái Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu cuộc đảo chính. Chính phủ Hoa Kỳ đã phong tỏa khoảng 1 tỷ USD tài sản do Myanmar nắm giữ trong một tổ chức tài chính của Mỹ.

Nhưng quân đội vẫn có nhiều nguồn thu khác, đáng chú ý nhất là từ các mỏ dầu khí. 

Một nhóm các nhà lập pháp cho biết họ đại diện cho Quốc hội bị lật đổ đã viết thư cho các công ty nước ngoài có liên kết với công ty dầu khí ở Myanmar, bao gồm cả các công ty từ Pháp, Hàn Quốc và Malaysia, yêu cầu họ ngừng thanh toán cho chế độ quân sự vì lo ngại quân đội tiếp tục leo thang bạo lực và làm giàu cho các nhà lãnh đạo của họ. 

Nhưng việc khai thác khí đốt tự nhiên ở Shwe, sau đó được gửi đến Trung Quốc, không hề giảm kể từ cuộc đảo chính. Theo ước tính của Quốc hội (đã giải tán), thu nhập từ dầu và khí đốt như vậy lên tới 90 triệu đô la mỗi tháng.

Ngoài dầu khí, quân đội và các tổ chức kinh doanh của họ còn thu lợi từ việc khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như ngọc bích và gỗ, mang lại thu nhập ngang với doanh thu chính thức của đất nước.

Tiến sĩ Sasa, đặc phái viên Liên Hợp Quốc của chính quyền dân sự bị lật đổ cho biết: “Rất nhiều tiền của họ đến từ thị trường chợ đen.”

Phong trào bất tuân dân sự sẽ không ngăn chặn được hoạt động bất hợp pháp như vậy. Trong một số trường hợp, việc sản xuất methamphetamine và các loại ma túy khác thậm chí có thể bùng nổ trong bóng tối của xung đột chính trị.

Trong khi đó, công dân Myanmar đang phải trả giá đắt nhất. Một quản lý thị trấn ở bang Shan, người yêu cầu giấu tên, đã mô tả cách anh bị bắt để thẩm vấn sau khi tham gia vào cuộc đình công của công chức. Sau khi trốn thoát qua rừng rậm, anh hiện đang ở ẩn.

Tại Yangon, Ko Soe Naing, một công nhân nhà máy may mặc, cho biết gần đây anh đã chứng kiến ​​cảnh một công nhân đình công bị bắn vào đầu và thiệt mạng. Soe Naing kiếm được khoảng 115 đô la mỗi tháng, mức lương chỉ đủ sống.

“Chúng tôi không có gì để mất,” anh nói. “Là lao động cơ bản, chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn. Đó là chống lại chính quyền.”

Tuần trước, trước bình minh, các binh sĩ đã xuống khu nhà ở dành cho nhân viên đường sắt ở Yangon. Theo các nhân chứng, binh lính yêu cầu những người đình công rời khỏi nhà của họ ngay lập tức. Tất cả khoảng 700 cư dân đã rời đi, cầm theo nhiều tài sản trước họng súng.

U Ko Ko Zaw, một trong những cư dân đã chạy ra khỏi nhà với tất cả những gì anh sở hữu: một vali đồ dùng cá nhân, một bình dầu ăn và một con gà sống. Cuối ngày hôm đó, anh đã phải bán gà để lấy tiền.

Ko Ko Zaw nói: “Chết vì đói dưới sự cai trị của quân đội cũng được, họ sa thải tôi cũng không sao. Tôi sẽ tiếp tục tham gia bất tuân dân sự, bởi vì tôi tin rằng nó có thể làm suy giảm kinh tế của họ”.

Lê Xuân (theo New York Times)

Xem thêm: