Học giả người Mỹ Steven W. Mosher, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Bắt nạt tại Châu Á: Tại sao Trung Quốc mộng là mối đe dọa mới với trật tự thế giới”, mới đây đã viết bài bình luận đăng trên trang tin Breitbart đưa ra lời khuyên với các nhà đàm phán Mỹ khi làm việc với Trung Quốc: Đừng tin, hãy kiểm chứng mọi thứ.

Embed from Getty Images

Dưới đây là toàn văn bài bình luận của ông Steven W. Mosher:

Sau ba tháng đàm phán đổ vỡ, tuần trước Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn lĩnh xướng tới Washington nối lại đàm phán với những người đồng cấp Mỹ. Nhưng sau hai ngày đối thoại, hai bên không đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào.

Trước đó, vào tháng Năm, đội ngũ đàm phán cấp cao hơn của Tổng thống Trump đã tới Trung Quốc cùng với bản yêu sách 8 điểm, trong đó có việc đòi hỏi chế độ Bắc Kinh phải chấm dứt trợ cấp công nghệ tiên tiến, giảm mạnh thuế quan và cắt giảm 200 tỷ USD thặng dư hàng năm của họ với Mỹ vào năm 2020.

Đáp lại yêu sách của Mỹ, phía Trung Quốc đã trù liệu 8 yêu cầu của chính họ và các cuộc đàm phán cuối cùng đã không đi tới đâu.

Có thể viễn cảnh đó là điều chính xác mà Bắc Kinh đã muốn trong đầu họ ngay từ trước khi đàm phán. Tại sao họ phải dừng lại, khi mỗi ngày trôi qua họ đang tăng thêm 1 tỷ USD thặng dư khác trong thương mại với Mỹ?

Bây giờ Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán và điều quan trọng là phải hiểu tại sao họ làm vậy: Chính là đe dọa đánh thuế bổ sung của ông Trump đã kéo Bắc Kinh trở lại đàm phán.

Một ngàn lời yêu cầu không hiệu quả bằng một lời đe dọa”, đó là một câu châm ngôn nổi tiếng của người Trung Quốc.

Các mức thuế Mỹ đánh vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc cho đến nay đã làm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm đi khoảng 0,5%. Sản lượng công nghiệp, bán lẻ và đầu tư của Trung Quốc đều đang giảm hơn so với dự báo. Thị trường chứng khoán của chế độ Bắc Kinh cũng đang lao dốc và đồng Nhân Dân Tệ (NDT) đang giảm giá trị.

Nếu Tổng thống Trump đánh thuế 25% lên tất cả hàng hóa nhập từ Trung Quốc như những gì ông đe dọa, điều này có thể làm giảm 1% hoặc nhiều hơn nữa trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Vào thời điểm này, Trung Quốc bước vào bàn đàm phán với vị thế đang yếu đi, trong khi vị thế của Mỹ lại tăng lên. Những chính sách của ông Trump và nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ mà họ tạo ra đã khiến thế giới ngả theo định hướng của Mỹ. Liên minh Châu Âu, nơi mà các nước thành viên cũng là nạn nhân của thực hành kinh tế ăn cướp của Trung Quốc, đang gia nhập vào liên minh không chính thức cùng với Mỹ để gây sức ép lên chế độ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng các nhà đàm phán của ông Trump nên thỏa hiệp về các yêu cầu của tổng thống. Cũng không phải là nhà nước độc đảng Trung Quốc dù sẽ dần yếu đi sẽ đặt ra ít mối đe dọa hơn đối với trật tự thế giới hiện tại.

Đối với các yêu sách của Mỹ, các nhà đàm phán hàng đầu của chế độ Bắc Kinh luôn tự hào về các kỹ năng của họ trong việc đạt được sự đồng cảm từ những người phương Tây “ngây thơ”.

Những nhà đàm phán Trung Quốc sẽ nỗ lực giành được nhiều nhượng bộ về thương mại bằng cách tuyên bố họ là “nước nghèo, đang phát triển”. Tất nhiên, điều này là vô lý. Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quân đội của họ là lớn nhất toàn cầu.

Phía Trung Quốc sẽ cố gắng dùng lời lẽ của chúng ta để chống lại chúng ta, rao giảng cho chúng ta về sự cần thiết phải thực hành “thương mại tự do” và nhã nhặn bày tỏ hy vọng của họ về một thỏa thuận “cùng thắng”. Họ sẽ nói ra những điều này mặc dù bản thân họ đang thực hiện một trong những chính sách kinh tế “gây hại cho hàng xóm” tàn bạo nhất mà thế giới từng thấy.

Ý tưởng về thỏa thuận “cùng thắng” của chế độ Bắc Kinh là rằng chính họ chiến thắng cả hai: trước tiên trong các cuộc đàm phán và sau đó bằng việc lừa gạt. Điều duy nhất dám chắc là Washington hiểu được Bắc Kinh đó là họ sẽ lừa gạt.

Tại sao tôi dám chắc như vậy? Bởi vì nhiều thứ mà chính phủ Trump đang yêu cầu Trung Quốc thực thi – từ đẩy mạnh bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm thuế quan để mở cửa ngành dịch vụ và nông nghiệp của họ tới sự cạnh tranh hoàn toàn cho người Mỹ – Trung Quốc đã hứa thực hiện từ lần đầu họ nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995. Đã 23 năm trôi qua, và những gì Trung Quốc hứa từ đó đến nay vẫn chưa diễn ra.

Trung Quốc giống như một tay quyền anh đã đồng ý thi đấu theo luật của Huân tước vùng Queensbury, nhưng sau đó anh này lại phá luật bằng cách cắn, lừa gạt và đá vào bụng dưới đối phương để chiến thắng. Không những thế, anh ta lại coi bản thân mình là thông minh khi làm như vậy.

Với lịch sử lừa gạt lâu dài của nhà nước Cộng sản Trung Quốc, ông Trump đặc biệt thêm một bước ngoặt mới vào vòng đàm phán hiện tại. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ 200 tỷ USD vào năm 2020. Điều này được thực hiện trong hai giai đoạn, với 100 tỷ USD cắt giảm vào cuối năm 2019 và 100 tỷ USD còn lại cắt giảm vào năm 2020.

Những người chỉ trích ý tưởng của ông Trump về việc cắt giảm có dàn xếp trong thặng dư thương mại với Mỹ của Trung Quốc là “vô nghĩa về mặt kinh tế“, rõ ràng là những người chỉ trích đó không hiểu cách mà nền kinh tế chỉ huy của chế độ Bắc Kinh thực sự hoạt động.

Tổng thống Trump biết rằng ông Tập có thể dễ dàng ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang đóng góp 40% GDP, phải tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Ông Tập cũng có thể ép khối tư nhân vốn chỉ trên danh nghĩa buộc phải tuân thủ điều này. Và ông Tập sẽ làm chính xác điều đó nếu ông ta hiểu rằng việc Trung Quốc có thể tiếp tục tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới phụ thuộc vào mệnh lệnh mua hàng Mỹ của ông.

Để hiểu tại sao yêu cầu mới của ông Trump là hiệu quả, hãy tự hỏi bản thân chúng ta câu hỏi: Điều gì trong số hai tình huống sau tại Trung Quốc có khả năng xảy ra nhiều hơn?

Nhà nước độc đảng Trung Quốc sẽ đột ngột quyết định từ bỏ kinh tế kế hoạch tập trung, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, tôn trọng pháp quyền và chuyển đổi dứt khoát sang hướng kinh tế thị trường hay họ sẽ quyết định mua thêm hàng Mỹ để ngăn chặn tác động tàn phá của các mức thế bổ sung mà chính phủ Trump có thể áp đặt?

Rõ ràng, các nhà đàm phán của Mỹ nên tiếp tục nhấn mạnh Trung Quốc phải đồng ý với các yêu cầu khác của chúng ta, mỗi yêu cầu trong số đó giải quyết một yếu tố quan trọng của cuộc chiến kinh tế mà Bắc Kinh đang tiến hành chống lại Mỹ. Nhưng ngay cả khi các lãnh đạo Trung Quốc đồng ý yêu cầu của Washington, chẳng hạn như việc họ nói sẽ “thực hiện ngay lập tức các bước đi có thể kiểm chứng về việc dừng gián điệp mạng trực tuyến đối với mạng lưới thương mại tại Mỹ”, cũng sẽ là khờ khạo nếu cho rằng phía Trung Quốc sẽ thực sự làm như vậy.

Trung Quốc cộng sản là một đế chế hoạt động theo quy tắc riêng của họ. Việc quan chức của họ có thể bị ép phải cúi đầu trước những thế lực bên ngoài, điều đó không có nghĩa rằng họ sẽ thực sự tuân thủ những yêu cầu của kẻ ra lệnh.

Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã kết luận quan điểm của ông về các cuộc đàm phán với Liên Xô là “tin tưởng nhưng phải kiểm chứng”.

Trung Quốc, địch thủ của Mỹ hiện tại, thậm chí còn kém tín cậy hơn Liên Xô, và khẩu hiệu của cựu Tổng thống Reagan cũng cần phải được nâng cấp.

Đừng tin tưởng, phải kiểm chứng mọi thứ”, là khẩu hiệu cần phải trở thành quy tắc giao dịch với nhà nước độc đảng Trung Quốc.

Trong số những yêu cầu mà Mỹ đang đặt lên bàn đàm phán với Trung Quốc, chỉ có một thứ dễ dàng kiểm chứng, đó là cắt giảm thặng dư thương mại.

Nếu ông Tập Cận Bình ra lệnh từ trên xuống dưới về việc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ, kết quả sẽ có ngay lập tức và rất rõ ràng. Những đơn đặt hàng sẽ ồ ạt tới các nhà máy và trang trại ở Mỹ. Theo thời gian, các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc hiện đã đóng cửa với bên ngoài để cạnh tranh với Mỹ sẽ được mở ra.

Điều quan trọng là trong khi chúng ta quan sát chiều hướng diễn tiến thực tế, đừng tin vào những gì phía Trung Quốc nói mà hãy kiểm chứng mọi thứ.

Hùng Cường

Xem thêm: