Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Bắc Kinh có kế hoạch cử nhà ngoại giao cấp cao nhất Dương Khiết Trì tới Washington ngay sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức để thảo luận về hợp tác Mỹ – Trung. Ngoài ra, ông Biden cũng nói rõ rằng sau khi nhậm chức sẽ hạn chế vấn đề quyền sở hữu súng.

Dương Khiet Tri Joe Biden
Ông Dương Khiết Trì (phải) và ông Joe Biden tháng 9/2017 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

WSJ cho rằng Trung Quốc hy vọng quan hệ thương mại Mỹ – Trung sẽ ấm lại, trong thời gian ngắn có thể khiến Mỹ hủy bỏ các mức thuế mà chính quyền TT. Trump áp đặt lên Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Hiện tại chính quyền TT. Trump vẫn duy trì các mức thuế bổ sung đối với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Các cố vấn của ông Biden cho rằng những mức thuế này sẽ không sớm bị hủy bỏ, ông Biden có kế hoạch phân tích tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ và sẽ có hành động cụ thể sau khi tham khảo ý kiến ​​của các đồng minh.

Nhóm của ông Biden vẫn chưa xác nhận đối với vấn đề đàm phán Mỹ – Trung mới. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan do ông Biden đề cử nói rằng đây là một vấn đề khác mà ông Biden cần phải thảo luận trước với các đồng minh: “Ông ấy sẽ không chỉ xoáy vào một phương pháp nhất định”.

Những nghi vấn về đàm phán của ông Biden với ĐCSTQ

Những doanh nghiệp ở Mỹ phản đối việc tăng thuế quan đã kêu gọi ông Biden đàm phán với Trung Quốc để tìm kiếm nhượng bộ. Các tổ chức thương mại như “Hội nghị bàn tròn thương mại” (The Business Roundtable) gồm các công ty lớn của Mỹ cũng muốn ông Biden sẽ bãi bỏ thuế quan đối với Trung Quốc, để hy vọng Trung Quốc nhượng bộ trong việc giảm trợ cấp doanh nghiệp và hành vi ăn cắp của công ty nhà nước Trung Quốc. Các công ty lớn này là đồng minh truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Washington.

Nhưng có không ít nghi vấn đặt ra về thỏa thuận thương mại của ông Biden với Trung Quốc. Vì qua các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung của TT. Trump cũng đã có nhiều nghi vấn liệu Chính phủ ĐCSTQ có sẵn sàng thực hiện những thay đổi cần thiết hay không, thường thì có nhiều khả năng đây là thủ đoạn của ĐCSTQ để bẫy đối thủ phương Tây trong các cuộc đàm phán.

Trả lời WSJ, giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là Cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng sớm muộn thì ông Biden cũng sẽ đàm phán lại hiệp định thương mại Trung-Mỹ, vì thỏa thuận hiện nay không thực tế. Ông ấy ám chỉ về mục tiêu mua hàng mà Trung Quốc đã hứa.

Hy vọng tiếp tục hợp tác trong khủng hoảng tài chính và vấn đề khí hậu

Nhìn từ chính sách hợp tác Trung Quốc của thời chính quyền Obama – Biden, cho thấy Washington và Bắc Kinh đã hợp tác trong các vấn đề như khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu. Mặc dù một số cố vấn từng làm việc với chính quyền Obama và Biden hiện đã thay đổi quan điểm cho rằng đã kết thúc kỷ nguyên gắn bó giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng họ vẫn trông mong được Bắc Kinh giúp đỡ một số vấn đề về biến đổi khí hậu và các ưu tiên khác của ông Biden.

Có thể chính sách về Trung Quốc của ông Biden sẽ không “nhất thành bất biến” (một bước thành ngay và giữ nguyên không đổi). Một số cố vấn của ông Biden đã chỉ ra khả năng chính phủ mới có thể có những bất đồng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, giống như chính quyền thời Bill Clinton đã chú ý đến nhân quyền ở Trung Quốc khi mới thành lập; nhưng sau đó ông Clinton không còn gây áp lực với ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền nữa, thay vào đó là tập trung vào việc thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ – Trung.

Về vấn đề gây áp lực lên ĐCSTQ trong việc đàn áp sâu rộng các quyền tự do dân sự ở Hồng Kông cũng cần được ra quyết định sớm. Trong các cuộc phỏng vấn trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống, cố vấn cấp cao của ông Biden cho biết rằng trọng tâm trong chính sách Trung Quốc của ông Biden là thiết lập “hội nghị thượng đỉnh dân chủ”, cơ chế này sẽ tìm cách thiết lập một giải pháp thay thế cho sự cai trị độc đoán của Bắc Kinh.

Đã từ lâu ĐCSTQ thúc đẩy và kiểm soát các quy tắc đa phương

Các đề xuất của ông Biden trong mối quan hệ Mỹ – Trung đều là giải pháp hợp tác đa phương, nhưng khi thực thi sẽ chịu nhiều ràng buộc.

Ông Biden có kế hoạch sau khi nhậm chức sẽ đoàn kết với các nền dân chủ phương Tây để gây sức ép lớn lên Bắc Kinh, trong khi những năm gần đây ông Tập Cận Bình bận rộn trong việc lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ vào vòng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đang thúc đẩy chương trình nghị sự đa phương của riêng họ. Trong 20 năm kể từ khi Mỹ giúp ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ĐCSTQ đã thúc đẩy tăng cường hoạt động thông qua WTO. Nhiều tổ chức quốc tế, thậm chí cả Liên Hiệp Quốc, cũng trở thành mục tiêu then chốt để ĐCSTQ thao túng nắm quyền.

WSJ dẫn lời một quan chức hiểu rõ suy nghĩ của giới lãnh đạo ĐCSTQ cho hay: “Nếu bạn kiểm soát luật chơi, bạn có thể kiểm soát cuộc chơi”.

Với sức hấp dẫn của thị trường khổng lồ Trung Quốc, hiện nay rất khó để ông Biden có khả năng thuyết phục được EU và các đồng minh khác đoàn kết chống lại ĐCSTQ.

Cân nhắc làm mới lại và tham gia TPP?

Gần đây, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông sẽ “tích cực xem xét” tham gia Hiệp định Thương mại châu Á – Thái Bình Dương (TPP) gồm 11 nước, đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương do chính quyền thời Obama khởi xướng.

Năm 2017, TT. Trump quyết định rút khỏi TPP vì cho rằng hiệp định này sẽ giết chết việc làm của người Mỹ.

Ông Biden cho biết sẽ cần đàm phán lại trước khi cân nhắc việc gia nhập. Đối với ông Biden, làm mới lại những chính sách về Trung Quốc hàm nghĩa phủ nhận các cách làm của chính quyền TT. Trump.

Trong nhiệm kỳ của TT. Trump, ông đã thay đổi chính sách xoa dịu trong nhiều thập kỷ và thực hiện một loạt biện pháp theo nhiều hướng để chống lại ĐCSTQ. TT. Trump cũng liên tục thúc đẩy Quốc hội và công chúng nhận thức rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và thế giới tự do.

Chính sách đối với NRA

Ông Biden đã hứa vào ngày 8/1 vừa qua rằng sau khi tuyên thệ nhậm chức phải “đánh bại Hiệp hội Súng trường Quốc gia” (NRA).

Với hơn 5 triệu thành viên, NRA tìm cách bảo vệ quyền sở hữu súng của công dân dựa trên “Tu chính án thứ Hai” của Hiến pháp.

“Chúng ta phải làm tốt công tác chuẩn bị cho các cuộc tấn công”, NRA cho hay nếu các quan chức thành công thì chính quyền Biden “sẽ thực hiện các biện pháp như cấm và tịch thu các loại súng trường phổ biến nhất ở Mỹ, và sẽ tự ý giới hạn số lượng súng có thể mua mỗi tháng”.

Trang web của ông Biden cho biết ông ấy có kế hoạch “chấm dứt tình trạng bạo lực súng đạn của chúng ta”, bao gồm việc cấm sản xuất và bán những thứ được gọi là vũ khí tấn công và thùng đạn có dung lượng lớn, đồng thời giới hạn số lượng súng mỗi người có thể mua mỗi tháng còn một khẩu, và cấm sở hữu súng đối với những người bị kết án tội ác thù hận.

Tiêu Nhiên, Vision Times tiếng Trung

Xem thêm: