Phát ngôn chính phủ Anh, hôm Chủ Nhật (10/6) đã tuyên bố rằng đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ai-len (DUP) đã đồng ý về mặt nguyên tắc thỏa thuận “Tin tưởng và Bổ khuyết” để ủng hộ chính phủ của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, các Đảng phái đối lập nhìn nhận rằng đây không phải là một liên minh chặt chẽ và có nguy cơ thất bại cao.

Với việc không  giành đủ đa số ghế quốc hội trong cuộc bầu cử hôm 9/6, đại diện của đảng Bảo thủ, ông Gavin Williamson, ngay thứ Bảy (10/6) đã phải tới Belfast (Bắc Ai-len) để đàm phán với DUP về việc thành lập chính phủ mới.

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May thiếu 8 ghế để đạt đa số tối thiểu, DUP thắng 10 ghế.

Theo BBC, phía DUP đã nói rằng cuộc đàm phán là “tích cực” và hai bên sẽ tiếp tục trao đổi vào tuần tới để “làm việc chi tiết hơn” và “tiến tới thỏa thuận”.

Bà Fosters, lãnh đạo DUP đang giữ vai trò lớn về tương lai chính phủ thiểu số của bà May

Chính phủ Anh cho hay thỏa thuận phác thảo sẽ được thảo luận tại phiên họp nội các vào thứ Hai (12/6).

Thỏa thuận “Tin tưởng và Bổ khuyết” không phải là một liên minh đầy đủ, nhưng đó là điều kiện cần thiết tối thiểu để đảng Bảo thủ của bà May duy trì được chính phủ nhờ vào sự ủng hộ của đảng DUP trong một số hạng mục, đặc biệt là thông qua ngân sách.

Phát ngôn viên của chính phủ cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh cam kết này, điều này có thể mang lại sự ổn định và vững mạnh cho đất nước khi chúng tôi bắt tay vào Brexit và xa hơn nữa”.

Trong tuyên bố DUP phát đi giữa đêm thứ Bảy (10/6), đảng này nói: “DUP đã tổ chức các cuộc thảo luận với đại diện của đảng Bảo thủ, theo đó bà Arlene Foster [lãnh đạo DUP] cam kết  cùng tìm cách mang lại sự ổn định cho đất nước vào thời điểm đầy thách thức hiện nay”.  Họ cũng đánh giá: “Các cuộc đàm phán cho đến nay là tích cực, có ý nghĩa sâu sắc”.

DUP là một đảng ủng hộ Brexit và có quan điểm bảo thủ về mặt xã hội. Trong tuyên bố của đảng này năm 2017 có đưa ra quan điểm về Brexit và các vấn đề khác, trong đó có một số vấn đề cùng chung quan điểm với đảng Bảo thủ và cũng có một số khác biệt.

Những vấn đề mà DUP có chung cách nhìn nhận với đảng Bảo thủ bao gồm việc tăng mức thu nhập không chịu thuế, tiếp tục gia tăng mức lương sinh hoạt quốc gia, đổi mới hệ thống phòng ngừa hạt nhân và xem xét lại luật chống khủng bố. Hai đảng còn khác biệt ở các vấn đề như cắt giảm thuế hành khách hàng không, cắt giảm thuế VAT (giá trị gia tăng) cho các doanh nghiệp du lịch và việc duy trì “ba ổ khoá” về đảm bảo mức lương hưu tối thiểu.

Trái với sự tự tin hướng tới chính phủ mới thành công của đảng Bảo thủ và DUP. Lãnh đạo của các đảng phái khác liên tục gây sức ép và tỏ ra nghi ngại về tương lai chính trị nước Anh.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, ông Tim Farron kêu gọi bà May phải ngay lập tức cung cấp cho công chúng chi tiết về thỏa thuận hợp tác với DUP.

Ông Farron nói: “Các hoạt động của chính phủ này sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với các cuộc đàm phán Brexit và tương lai của đất nước. Vào thời điểm quan trọng như vậy, Thủ tướng phải rõ ràng với người dân về thỏa thuận mà bà đã thực hiện với DUP qua những phiên họp kín”.

Lãnh đạo đảng Sinn Féin, Bắc Ai-len, bà Michelle O’Neill cho hay đảng DUP đã “phản bội lợi ích của người dân”  ở đó.

Bà Michelle nhận định: “Trong quá khứ,  họ [DUP] đã đạt được rất ít khi theo đuôi chính phủ Bảo thủ và đặt lợi ích riêng của họ trước lợi ích của người dân. Sự kết hợp mới giữa DUP và đảng Bảo thủ chỉ là tạm thời và sẽ kết thúc trong nước mắt”.

Tiếng nói phản đối bà May mạnh nhất đến từ đảng Lao động. Lãnh đạo đảng này, ông Jeremy Corbyn nói rằng chính phủ không có bất kỳ sự tín nhiệm nào để tiến lên phía trước và Đảng Lao động sẽ làm những gì có thể để ngăn chặn nó.

Trao đổi với tờ Sunday Mirror, ông Corbyn cho hay: “Bà Theresa May đã đến Cung điện [gặp Nữ Hoàng]. Bà ta hiện đang cố gắng thành lập chính phủ. Nhưng bà ấy sau đó còn phải trình bày một chương trình cho Quốc hội. Có thể việc bỏ phiếu [tại Quốc hội] thông qua bài phát biểu của Nữ Hoàng [do chính phủ thiểu số đưa ra] sẽ thất bại và chúng tôi sẽ làm mọi cách để thực hiện điều đó”.

Thỏa thuận “Tin tưởng và Bổ khuyết” là gì?

Thỏa thuận này giữa DUP và đảng Bảo thủ nhằm đảm bảo đảng DUP sẽ hậu thuẫn chính phủ do đảng Bảo thủ cầm quyền bỏ phiếu thông qua các vấn đề quan trọng, trong đó có ngân sách.

Đổi lại, chính phủ của đảng Bảo thủ sẽ ủng hộ hoặc tài trợ cho một số chính sách do DUP đề xuất.

Những thỏa thuận dạng này có xu hướng lỏng lẻo và còn mất một chặng đường dài mới có thể tiến tới một liên minh chính thức.

Tuy nhiên, những chính phủ thiểu số tồn tại nhờ thỏa thuận “Tin tưởng và Bổ khuyết” này cũng không phải hiếm gặp tại lịch sử Anh Quốc.

Ông John Major, lãnh đạo đảng Bảo thủ từ 1990 – 1997, cũng đã giữ được chức Thủ tướng và chính phủ Bảo thủ hồi giữa những năm 1990 mà không cần chiếm đa số ghế quốc hội .

Harold Wilson và James Callaghan của đảng Lao động cũng đã điều hành chính phủ thiểu số vào những năm 1970.

Tuy nhiên, nhìn chung các chính phủ thiểu số như vậy bị hạn chế những việc họ có thể làm, thường tránh việc phải thông qua nhánh lập pháp càng ít càng tốt.

Những chính phủ dạng này cũng có thể không ổn định và thường tồn tại trong thời gian ngắn. Nếu thỏa thuận giữa các đảng bị phá bỏ, chính phủ sẽ sụp đổ và cần phải bầu cử lại.

Do đó, bất kỳ sự kết hợp nào giữa đảng Bảo thủ của bà May và đảng DUP vẫn tồn tại những câu hỏi lớn, đặc biệt là về việc liên minh lỏng lẻo này sẽ có thể kéo dài được bao lâu.

Tân Bình

Xem thêm: