Giám đốc điều hành Twitter, Elon Musk, hôm 23/3 viết tweet rằng các quốc gia không nên “trao quyền” cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã nhanh chóng phản bác lại bình luận này.

“Các quốc gia không nên trao quyền cho WHO”, ông Musk, người có tài khoản Twitter với hơn 132 triệu người theo dõi, đã viết để đáp lại một video của thượng nghị sĩ cánh hữu Australia Malcolm Roberts chỉ trích tổ chức này.

“Các quốc gia không phải đang nhượng lại chủ quyền cho @WHO,” Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tweet để đáp lại. “#PandemiaAccord (Hiệp định đại dịch) sẽ không thay đổi điều đó. Hiệp định sẽ giúp các quốc gia phòng chống đại dịch tốt hơn”, ông nói thêm.

Trong các bình luận riêng tại cuộc họp báo hàng tuần của WHO vào cuối ngày thứ Năm, ông Tedros cho biết tuyên bố rằng Hiệp ước đại dịch sẽ khiến các quốc gia phải trao quyền lực cho WHO là “hoàn toàn sai sự thật” và là “tin giả”.

“Nếu bất kỳ chính trị gia hoặc doanh nhân nào, hoặc bất kỳ ai bối rối về việc hiệp định đại dịch là gì và không phải là gì, chúng tôi rất sẵn lòng thảo luận và giải thích về nó,” ông Tedros nói, rõ ràng là ám chỉ đến những bình luận của tỷ phú Musk.

Kể từ khi COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn ba năm, Tổ chức Y tế Thế giới đã phàn nàn về một “cơn đại dịch” thông tin sai lệch.

Một số nhà bình luận đã cáo buộc cơ quan này cố gắng tìm cách giành chính sách y tế khỏi tay các chính phủ, đặc biệt là kể từ khi các cuộc đàm phán quốc tế giữa các quốc gia thành viên bắt đầu về một hiệp ước đại dịch mới để tránh và đối phó với các đợt bùng phát trong tương lai.

Vấn đề gây tranh cãi khác bao gồm nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Hiệp ước có thể bao gồm những thủ tục ràng buộc về chia sẻ thông tin, tạo điều kiện cho các nhà điều tra nước ngoài khi đại dịch mới bắt đầu. Đây dường như là thách thức lớn, dựa trên thực tế là nguồn gốc COVID-19 vẫn mờ mịt và cuộc điều tra của WHO vướng những rào cản từ Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác cũng sẽ lo ngại thẩm quyền điều tra của một tổ chức quốc tế, bởi đây là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.

Ngân Hà