Sau khi Trung Quốc và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency) phản kích về các vệ tinh Starlink của SpaceX chiếm dụng quá nhiều không gian, Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk đã lên tiếng đáp trả về chỉ trích này.

Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video Elon Musk Rewind)

Đầu tuần này, tỷ phú, doanh nhân công nghệ Elon Musk đã bị Trung Quốc chỉ trích vì vệ tinh của SpaceX “tiếp xúc gần” với trạm vũ trụ mới Tiangong (Thiên Cung) của Bắc Kinh 2 lần. 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times tại Anh, Elon Musk đã đáp lại những lời chỉ trích về việc các vệ tinh Starlink của công ty ông đang chiếm dụng không gian. Musk nói rằng “hàng chục tỷ” tàu vũ trụ có thể vận hành trong quỹ đạo gần Trái đất, và bác bỏ tuyên bố rằng công ty của ông đang “chèn ép các đối thủ cạnh tranh trong không gian”.

Musk nói: “Không gian cực kỳ khổng lồ, và các vệ tinh thì rất nhỏ. Đây không phải là tình huống mà chúng ta nên ngăn chặn người khác một cách hiệu quả bằng bất kỳ phương thức nào. Chúng tôi không ngăn cản bất cứ ai làm bất cứ điều gì và chúng tôi không hy vọng sẽ làm như vậy.”

Bình luận của ông Elon Musk trong cuộc phỏng vấn với Financial Times là phản ứng trước tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu Josef Aschbacher rằng ông Musk đang “chế định các quy tắc” cho ngành thương mại mới của nền kinh tế không gian.

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào tháng này, ông Aschbacher cảnh báo rằng việc ông Musk vội vàng phóng hàng ngàn vệ tinh thông tin liên lạc sẽ làm giảm thiểu tần số vô tuyến và vị trí quỹ đạo có sẵn cho những người khác.

Công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX của Elon Musk đã phóng gần 2.000 vệ tinh cho mạng thông tin băng thông rộng Starlink, đồng thời có kế hoạch phóng thêm hàng chục ngàn vệ tinh nữa như một phần của hệ thống Internet toàn cầu, để cung cấp khả năng truy cập Internet tới các khu vực thiếu dịch vụ internet. Ngày 18/12/2021, SpaceX thực hiện lần phóng thứ 34, sử dụng tên lửa để đưa 52 vệ tinh lên quỹ đạo.

Musk bác bỏ cáo buộc rằng ông đang “chèn ép” các đối thủ cạnh tranh vệ tinh trong tương lai, ông ví số lượng vệ tinh trong quỹ đạo trái đất thấp với số lượng mà ông gọi là 2 tỷ ô tô và xe tải. Ông nói rằng mọi “vỏ” quỹ đạo xung quanh trái đất đều lớn hơn bề mặt trái đất, và trong không gian xa hơn, cứ 10 mét lại có thêm một vỏ.

Ông nói: “Điều này có nghĩa là không gian có hàng chục tỷ vệ tinh. Hàng ngàn vệ tinh chẳng là gì cả. Nó giống như có hàng ngàn chiếc ô tô trên Trái đất – và điều này chẳng là gì cả.”

Một số chuyên gia đặt câu hỏi về tuyên bố của Elon Musk rằng các vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất thấp có thể giống với mật độ ô tô và xe tải trên hành tinh một cách an toàn.

Ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Harvard-Smithsonian (Harvard-Smithsonian Center) cho biết, tàu vũ trụ bay với tốc độ 17.000 dặm / giờ đòi hỏi khoảng cách lớn hơn nhiều so với ô tô để có thời gian điều chỉnh quỹ đạo của nó khi một vụ va chạm dường như có thể xảy ra. Theo tính toán của ông, với tốc độ này, một khoảng cách 3 giây sẽ chỉ đủ chỗ cho khoảng 1.000 vệ tinh trong mỗi một vỏ quỹ đạo.

Ông McDowell nói rằng vì rất khó để tính toán quỹ đạo của nhiều vệ tinh khác nhau và có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thời tiết không gian, cho nên các vụ va chạm tiềm ẩn chỉ có thể được xác định khi chúng gần có khả năng xảy ra.

Ông nói: “Đối với nhiều người sử dụng không gian, phải mất ít nhất vài giờ hoặc thậm chí vài ngày để lập kế hoạch tránh, vì vậy điều này cho thấy không gian quá đông đúc.”

Hồi tháng 12, Trung Quốc đã phàn nàn rằng hai vệ tinh Starlink đã buộc trạm vũ trụ của nước này phải thực hiện các biện pháp “kiểm soát tránh va chạm mang tính dự phòng” vào tháng 10 và tháng 7 để “đảm bảo an toàn và tính mạng của các phi hành gia trên quỹ đạo.”

Bà Laura Forczyk, một nhà phân tích không gian tại tổ chức tư vấn không gian Astralytical, nói rằng việc ông Musk so sánh vệ tinh với các phương tiện trên Trái đất là “tùy tiện“, nhưng bà nói thêm: “Về cơ bản, ông ấy đúng. Đây là một vấn đề về quản lý phương tiện giao thông.”

Bà cho biết cuộc chạy đua để khởi động một mạng lưới thông tin liên lạc mới với hàng ngàn vệ tinh cho thấy rõ ràng cần có sự phối hợp nhiều hơn giữa các quốc gia để quyết định “làm thế nào để phân bổ không gian quỹ đạo và quản lý giao thông không gian.”

Bà Laura Forczyk nói rằng những lời chỉ trích của ông Ashbacher đối với Starlink là “dựa trên cảm xúc, và không phải dựa vào sự thực”. Bà nói: “Tôi phải tự hỏi, khi một số hãng hàng không bắt đầu bay nhiều máy bay hơn trên các đường bay đã được thiết lập, liệu có sự phàn nàn tương tự hay không. Không ai sở hữu không gian và mọi người có thể sử dụng chúng một cách tự do.”

Elon Musk mang Internet băng thông rộng đến mọi nơi trên thế giới thông qua nhóm vệ tinh Starlink

Mục tiêu Starlink của Elon Musk là cung cấp dịch vụ ở miền bắc nước Mỹ và Canada vào năm 2020, sau đó mở rộng phạm vi dịch vụ của mình để tiếp cận với toàn cầu vào năm 2021. Khi đó, một chòm sao vệ tinh khổng lồ bao gồm 12.000 vệ tinh sẽ được triển khai theo quỹ đạo định trước trên trái đất.

Chòm sao này, được gọi không chính thức là “Starlink”, đang được phát triển tại cơ sở của SpaceX ở Redmond, Washington. Mục đích là truyền tải internet tốc độ cực cao từ không gian đến nhà của người dùng.

Mặc dù Internet vệ tinh đã ra đời được một thời gian, nhưng nó đang gặp phải vấn đề về độ trễ cao và kết nối không đáng tin cậy.

Tuy nhiên đối với Starlink thì khác. SpaceX nói rằng việc đặt một “chòm sao” vệ tinh ở quỹ đạo trái đất thấp sẽ cung cấp cho thế giới Internet tốc độ cao, giống như internet qua dây cáp.

Công ty của Elon Musk hy vọng sẽ tạo ra một hệ thống toàn cầu. Trước đây, ông đã tuyên bố rằng công ty có thể cung cấp quyền truy cập Internet giá rẻ cho 3 tỷ người hiện không thể sử dụng Internet.

Nó cũng có thể giúp tài trợ cho việc thành lập các thành phố trên sao Hỏa trong tương lai. Giúp nhân loại tiếp cận Hành tinh Đỏ là một trong những mục tiêu dài hạn của ông Musk, và đây cũng là lý do thôi thúc ông thành lập SpaceX.

Công ty SPaceX đã đệ trình kế hoạch lên Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) để phóng 4.425 vệ tinh lên trên trái đất, gấp 3 lần số vệ tinh đang hoạt động.

Công ty này cho biết: “Sau khi được triển khai đầy đủ, hệ thống SpaceX sẽ đi qua hầu hết tất cả các nơi trên bề mặt trái đất. Vì vậy, về nguyên tắc, nó có khả năng cung cấp các dịch vụ toàn cầu ở khắp mọi nơi. Mọi điểm trên bề mặt trái đất sẽ nhìn thấy vệ tinh SpaceX ở bất kỳ thời điểm nào.”

SpaceX bổ sung thêm, mạng internet này sẽ cung cấp kết nối internet cho Mỹ và các nơi khác trên thế giới.

Quá trình này dự kiến ​​sẽ mất hơn 5 năm và khoản đầu tư 9,8 tỷ USD (7,1 tỷ bảng Anh). Mặc dù Internet vệ tinh đã được chứng minh là một thị trường đắt đỏ trong quá khứ, các nhà phân tích dự tính hóa đơn cuối cùng sẽ cao hơn nữa.

Ông Elon Musk so sánh dự án này với việc “xây dựng lại Internet trong không gian” vì nó sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào mạng lưới cáp quang biển chằng chịt hiện có.

Tại Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang hoan nghênh kế hoạch này, cho rằng nó là một phương thức để cung cấp cho nhiều người hơn khả năng kết nối Internet.

Tuy nhiên, Starlink khiến ĐCSTQ lo lắng, bởi vì một khi Internet vệ tinh toàn cầu không có ngõ cụt, cái gọi là bức tường lửa Internet của ĐCSTQ, được sử dụng để phong tỏa ngôn luận và cưỡng chế tẩy não sẽ bị lật đổ.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Xem thêm: