Hôm thứ Tư (28/9), Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố nghi ngờ hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) bị cố tình làm hỏng, qua đó cảnh báo “phản ứng thống nhất mạnh mẽ” đối với “kẻ phá hoại”. Trong khi đó, các nước Bắc Âu có ý định triển khai quân sự gần đường ống.

shutterstock 2134614345
Hình ảnh đường ống Nord Stream 1 và 2. (Nguồn: dragancfm/ Shutterstock)

“Tất cả thông tin cho thấy những rò rỉ này là kết quả của những hành động có chủ ý”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU là ông Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố đại diện cho 27 nước thành viên.

Ông nói: “Bất kỳ sự cố ý nào phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ phải chịu phản ứng mạnh mẽ và thống nhất [từ EU].”

Ông Borrell cũng cho biết EU hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào về thiệt hại và sẽ “thực hiện các bước tiếp theo để tăng khả năng phục hồi của chúng tôi về mặt an ninh năng lượng”. EU đã không nêu tên thủ phạm tiềm tàng hoặc nêu lý do vụ phá hoại bị EU cáo buộc.

Trong tuần này, đường ống Nord Stream 1 và 2 từ Nga đến Đức đã xảy ra 3 vụ rò rỉ. Hôm thứ Ba (27/9), giới địa chấn học báo cáo rằng trước khi phát hiện rò rỉ bất thường đã có vấn đề phát nổ tại đường ống ở Biển Baltic.

Giáo sư Joan Cordiner về kỹ thuật quy trình tại Đại học Sheffield (Anh) nói với Sky News: “Thường các vết rò rỉ do ăn mòn sẽ bắt đầu rất nhỏ và sau đó tăng dần, cho nên vết rò rỉ có kích thước như thế này chỉ có thể là do một cú đập bất ngờ khiến đường ống bị bể”.

Hai đường ống này được Nga và các nước châu Âu xây dựng với chi phí hàng tỷ USD, các nhà phân tích cho biết thiệt hại của các đường ống dẫn đến việc ngay cả khi Nga và EU đồng ý cung cấp khí đốt thì cũng sẽ hầu như không thể thực hiện trong mùa đông này.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói rằng có thể dự đoán trước cáo buộc động thái phá hoại này do Nga gây ra, nhưng [cáo buộc đó] thật ngu ngốc. Ông nói với giới truyền thông rằng vụ hư hỏng đường ống đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho Nga.

Người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga dự định triệu tập cuộc họp Liên Hợp Quốc về vấn đề này.

Thủ tướng Steller của Na Uy hôm thứ Tư (28/9) cho biết sẽ cho triển khai quân đội gần các cơ sở dầu khí, trong khi Đan Mạch cũng đang nâng cao cảnh giác quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov nói rằng sau cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, có những lý do để lo ngại về tình hình an ninh trong khu vực. Tờ Tagesspiegel của Đức dẫn nguồn tin chính phủ cho biết cơ quan an ninh Đức lo ngại Nord Stream 1 sẽ không thể sử dụng được nếu một lượng lớn nước muối chảy vào đường ống và gây ra hiện tượng ăn mòn.