Để có thể tồn tại, liên minh châu Âu cần phải linh hoạt hơn.

Ngày 25 tháng 3 năm 1957, trong khi bóng đen của Chiến tranh thế giới 2 còn đang bao phủ, sáu nước châu Âu đã ký hiệp ước thành lập một loại hình câu lạc bộ quốc tế mới. Câu lạc bộ này, sau được biết đến với cái tên Liên minh châu Âu (EU), đã có được thành công ngoài sức tưởng tượng của những người sáng lập ra nó, không chỉ củng cố nền hòa bình trong lục địa mà còn tạo ra thị trường chung cũng như đồng tiền chung, và tập hợp được những quốc gia từng có chế độ độc tài ở phía nam và những quốc gia cộng sản cũ ở phía đông. Từ 6 nước thành viên ban đầu đến nay EU đã mở rộng với 28 nước thành viên. Mặc dù đã gặp gỡ ở Rome để kỷ niệm 60 năm thành lập EU, các nhà lãnh đạo đương nhiệm của châu Âu cũng  biết rằng liên minh của mình đang trong tình thế khó khăn.

EU hiện đang phải đối mặt với những thách thức đến từ bên ngoài và cả trong nội bộ khu vực. Những thiếu sót được bộc lộ trong cuộc khủng hoảng đồng Euro vẫn chưa được sửa chữa. Bất ổn kinh tế kéo dài khiến sự ủng hộ dành cho EU suy giảm mạnh. Những người theo chủ nghĩa dân túy, các đảng chống châu Âu đang tấn công vào sự tồn tại của EU – đáng chú ý là ở Pháp, nơi mà bà Marine Le Pen đang làm rất tốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống, cho dù lãnh đạo Mặt trận Quốc gia có thể không giành được chiến thắng trong tháng 5. Đến nay kết quả kịch tính nhất trong làn sóng chống EU là Brexit. Thủ tướng Anh, bà Theresa May, đã không có mặt ở Rome trong bữa tiệc sinh nhật này; vào ngày 29/3 bà đã kích hoạt Điều 50 hiệp ước châu Âu để bắt đầu tiến trình Brexit. Những thương thảo về  sự ra đi của nước Anh sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức trong hai năm tới; mất đi một thành viên lớn như vậy liên minh đã chịu một cú giáng mạnh lên uy tín và tầm ảnh hưởng của mình.

Những áp lực từ bên ngoài cũng nghiêm trọng không kém. Cuộc khủng hoảng di dân đã lắng dịu nhưng cơ bản là nhờ vào hiệp ước khôn khéo với Thổ Nhĩ Kỳ. Một nước Nga mới hiếu chiến dưới thời tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump, một tổng thống Hoa Kỳ không mặn mà với EU và NATO, khiến EU lâm vào thời kỳ yếu ớt và chia rẽ. Thật trớ trêu khi mà một liên minh được lập ra để củng cố an ninh thời hậu chiến lại đang bị lung lay vào chính lúc mà nền an ninh đó trong cơn nguy kịch. Nó cũng nhắc nhở rằng sẽ tổn hại thế nào nếu châu Âu không thể tự cứu chữa mình.

Liên minh ‘chặt chẽ hơn bao giờ hết’

Phản ứng truyền thống của những người nhiệt tình ủng hộ EU trước những thách thức như vậy là thúc đẩy việc nhanh chóng tiến đến một liên minh gần gũi hơn. Họ cho rằng để đồng euro thành công, châu Âu cần có điều đó. Một cách công bằng, họ nói, EU nên có thêm quyền lực để tăng cường biên giới ngoại biên và đảm bảo tiếng nói chung của khu vực không bị lép vế trước các phát ngôn của ông Putin hoặc ông Trump. Thế nhưng, có bằng chứng rõ ràng rằng cả những cử tri châu Âu và chính phủ dân cử của họ đều không muốn điều này. Dư luận hiện ủng hộ cho điều ngược lại, tức là đòi các nước thành viên có quyền tự quyết cao hơn.

Nếu một liên minh sát lại gần nhau hơn nữa là không khả thi thì Brussels đơn giản là phải vật lộn để vượt qua. Cuộc khủng hoảng đồng Euro đã đi qua thời kỳ tồi tệ nhất, vấn đề nhập cư đã lắng dịu và Brexit được kiểm soát phần nào. Nếu, sau các cuộc bầu cử năm nay, Emmanuel Macron là tổng thống Pháp cùng với hoặc Angela Merkel hoặc Martin Schulz là thủ tướng Đức, liên minh sẽ ở dưới quyền lãnh đạo của những người ủng hộ châu Âu. Thế nhưng điều này vẫn có thể có những rủi ro. Một cuộc khủng hoảng tài chính tái diễn sẽ làm tổn thương đồng Euro lần nữa, hoặc  cuộc bầu cử của một chính phủ cam kết trưng cầu dân ý về EU hoặc đồng tiền chung Euro có thể làm liên minh bị chia rẽ.

Có hay không một giải pháp tốt hơn? Câu trả lời, như bài viết đặc biệt của chúng tôi đã chỉ ra, là theo đuổi chính sách một EU linh hoạt hơn. Theo cách nói của EU, tức là áp dụng hệ thống “đa cấp”, mà ở đó các quốc gia tham gia vào chính sách của châu Âu ở các mức độ khác nhau – và có thể thay đổi từ cấp này tới cấp khác một cách dễ dàng.

Cuộc chia tay lớn của nước Anh

Gần đây người ta thường nhắc đến khái niệm châu Âu “đa tốc độ”. Nhưng điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu muốn nhấn mạnh đến là các thành viên nòng cốt nên theo đuổi chính sách chung trong khu vực như quốc phòng, chính sách phúc lợi và tài khóa; nó hàm ý rằng tất cả các quốc gia nên chuyển động về cùng hướng. Một châu Âu rộng hơn và “đa cấp” sẽ có chỗ cho các nước không phải là thành viên. Lục địa này gồm 48 nước và 750 triệu dân, không chỉ là 28 nước và 510 triệu người trong liên minh, vẫn còn 19 quốc gia và 340 triệu người trong châu Âu.

Các nước nòng cốt trong EU sẽ là những nước sử dụng đồng tiền chung. Để giải quyết căn bệnh của đồng euro, họ cần hội nhập hơn và có chung các định chế – từ một liên minh ngân hàng thích hợp đến các công cụ nợ thông thường. Cấp tiếp theo là một nhóm các nước thành viên EU lỏng hơn, những nước chưa sẵn sàng đánh đổi một chút quyền tự quyết của mình để được sử dụng đồng Euro trong những năm tới hoặc có thể là không bao giờ.

Ngoài đó ra, một châu Âu đa cấp nên dung hòa sự khác biệt giữa các quốc gia. Tức là thay đổi về tư duy hơn là thay đổi hiệp ước: theo cách nói của quan chức trong Ủy ban châu Âu chính là chấp nhận một thực đơn với nhiều món ăn tự chọn. Ý tưởng mà bạn có thể lựa chọn tham gia phần nào đó trong EU mà bạn muốn, vốn không được chào đón ở Brussels, nhưng đó là những gì mà người dân châu Âu ngày càng mong muốn. Có thể những nước như Na-Uy hay Thụy Sỹ mong được tiếp cận gần hơn với thị trường chung châu Âu. Các nước khác như Anh lại không sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc của thị trường chung này, nhưng vẫn muốn tự do giao thương với EU. Họ có thể có được vai trò lớn hơn trong các lĩnh vực khác như an ninh và quốc phòng. Và những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Balkans, Ukraina và Geogia có thể muốn một vị thế tốt hơn thay vì tình thế không hài lòng như hiện nay, nơi mà họ được thông báo là đủ tư cách thành viên nhưng cũng biết rằng họ sẽ không bao giờ được tham gia.

Để vận hành được, một châu Âu đa cấp nên thẳng thắn chấp nhận những quy tắc mà mỗi thành viên phải tuân theo. Chẳng hạn, những nước vòng ngoài có thể không đồng ý hoàn toàn tự do đi lại, nhưng không vì thế mà ngăn họ tiếp cận với thị trường chung châu Âu. Cũng không nên xem những nước không nòng cốt là quốc gia hạng hai: suy cho cùng thì Đan Mạch, Thụy Điển là hai trong số các quốc gia mạnh nhất châu Âu. Những nước có ảnh hưởng mạnh về quân đội và ngoại giao, chẳng hạn Anh Quốc hậu Brexit, nêu có cách riêng để tham gia vào chính sách ngoại giao và quốc phòng.

Chìa khóa để liên minh châu Âu có thể tồn tại 60 năm nữa, chính là sự linh hoạt, trên nhiều khía cạnh. Ngay khi Anh rời EU, một ngày nào đó một quốc gia khác có thể bỏ đồng Euro. Những bước đi như vậy rất khó dự đoán. Nhưng nếu liên minh không chấp nhận sự khác biệt, nó có thể đối mặt với rủi ro tan rã.

Theo Economist/Liên Hương

Xem thêm: