Ngày 14/9, Ủy ban châu Âu đã đề xuất ban hành lệnh cấm của EU với các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, theo đó sẽ làm tăng thêm áp lực hiện có của Mỹ đối với Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Cơ quan điều hành EU không nêu tên bất kỳ quốc gia nào trong đề xuất của mình, nhưng họ thực hiện theo lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu về một đạo luật như vậy hồi tháng 6, trong đó nêu rõ những lo ngại về nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi ở Tân Cương, bao gồm cả lao động cưỡng bức và giam giữ hàng triệu người trong các trại tập trung.

Hoa Kỳ, quốc gia cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng, đã ban hành luật vào năm 2021, trong đó quy định cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương.

Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận các hành vi lạm dụng nhân quyền của mình tại khu vực này.

Đề xuất của EU cũng nêu thực tế, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, có tới 27,6 triệu người đã bị buộc tham gia lao động cưỡng bức vào năm 2021, nhiều hơn 11% so với năm 2016. Trong số đó, có hơn một nửa là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Lệnh cấm của Châu Âu sẽ áp dụng cho mọi sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, bất kể ở công đoạn khai thác, thu hoạch, sản xuất hay xuất khẩu.

Luật mới có thể không dẫn đến những thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại, nhưng sẽ làm tăng áp lực lên các công ty trong việc giám sát chuỗi cung ứng.

Dù vậy, dự luật sẽ còn phải được điều chỉnh và thông qua ở Nghị Viện Châu Âu và các chính phủ thành viên EU trước khi có hiệu lực.

Minh Ngọc (Theo Reuters)