Người dân châu Âu đang chuẩn bị phải đối mặt với đợt tăng giá khí đốt cao kỷ lục sau khi Nga cho biết một trong những đường ống cung cấp chính của họ sang châu Âu sẽ đóng cửa vô thời hạn.

Embed from Getty Images

Trước đó, việc cắt giảm một phần dòng khí đốt từ Nga trước và sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai đã đẩy giá ở châu Âu lên gần 400% trong năm qua, khiến chi phí điện tăng vọt.

Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng, trong khi Moscow đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật của phương Tây gây ra sự gián đoạn nguồn cung.

Đường ống Nord Stream, chạy dưới Biển Baltic tới Đức, trước đây cung cấp khoảng một phần ba lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu, nhưng đã chỉ chạy ở mức 20% công suất trước khi nó bị dừng vào tuần trước để bảo trì.

Nhiều người kỳ vọng rằng gã khổng lồ năng lượng của Nga Gazprom sẽ khởi động lại dòng chảy ở mức 20%, và vì vậy giá khí đốt tiêu chuẩn trên sàn TTF của Hà Lan giảm khoảng 40% từ mức cao kỷ lục ngày 26 tháng 8 xuống chỉ còn hơn 200 euro (199 USD) mỗi megawatt/giờ vào thứ Sáu.

Nhưng sau khi Nga hôm thứ Bảy tuyên bố dừng vô thời hạn đường ống để bảo trì, giá có thể sẽ tăng trở lại, các nhà phân tích cho biết.

Chi phí điện năng cao do giá khí đốt tăng cao đã buộc một số ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều năng lượng như phân bón và nhôm phải thu hẹp quy mô sản xuất và khiến các chính phủ EU phải bơm hàng tỷ USD vào các chương trình trợ giúp các hộ gia đình.

Tác động của việc cắt giảm mới nhất sẽ phụ thuộc vào khả năng của châu Âu trong việc tìm kiếm nguồn thay thế khí đốt khác.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm Chủ nhật cho biết đất nước của ông đã chuẩn bị cho việc bị ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn.

Đức, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, đang ở giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn để đối phó với việc sụt giảm nguồn cung thấp.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, châu Âu nhanh chóng đưa ra kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga, chuyển sang các nhà cung cấp khí đốt và các loại nhiên liệu khác để thay thế, đồng thời thúc đẩy triển khai nhanh hơn các nguồn cung cấp năng lượng sạch.

Đức đã bắt đầu phát triển các thiết bị đầu cuối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để cho phép nước này tiếp nhận khí đốt từ các nhà cung cấp toàn cầu và tránh nhập khẩu khí đốt của Nga.

Tuần trước, châu Âu đã sớm đạt được mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt của mình vào tháng 11. Theo dữ liệu của Gas Infrastructure Europe, các kho dự trữ của EU hiện đầy 81%, với của Đức đã đầy 85%.

Khí đốt của Nga hiện vẫn đang chảy đến châu Âu thông qua các đường ống dẫn qua Ukraine, nhưng hiện đang có nhiều đồn đoán về việc liệu điều đó có thể bị dừng lại hay không.

Ngân Hà (theo Reuters)