Liên minh châu Âu hôm 13/2 vừa qua đã kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ lệnh cấm đối với kênh truyền hình BBC World News, được áp đặt nhằm trả đũa một cách rõ ràng việc Anh rút giấy phép của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN.

BBC
(Ảnh minh họa: chrisdorney/Shutterstock)

EU cho biết trong một tuyên bố rằng động thái của Bắc Kinh đã hạn chế hơn nữa “quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin bên trong biên giới của mình,” đồng thời vi phạm cả hiến pháp Trung Quốc và Tuyên ngôn về Nhân quyền.

Tuyên bố cũng nói rằng việc Hồng Kông thông báo đài truyền hình công cộng của họ cũng sẽ ngừng phát các chương trình phát sóng của BBC đã làm tăng thêm “sự xói mòn các quyền và tự do đang diễn ra” trên lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc kể từ khi áp dụng luật an ninh quốc gia mới vào năm 2020.

“EU vẫn cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ tự do truyền thông và chủ nghĩa đa nguyên, cũng như bảo vệ quyền tự do ngôn luận trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm quyền tự do đưa ra ý kiến, tiếp nhận và truyền đạt thông tin mà không bị can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào,” tuyên bố cho biết.

Mặc dù Anh không còn thuộc EU, nhưng nước này vẫn là thành viên của Hội đồng Châu Âu, cơ quan giám sát một thỏa thuận năm 1989, trong đó liên kết các giấy phép phát sóng. Anh, Mỹ và các phóng viên nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc cũng bày tỏ sự thất vọng về lệnh cấm đối với BBC.

Động thái của Trung Quốc hôm 11/2 vừa qua phần lớn mang tính tượng trưng, bởi BBC World chỉ được chiếu trên hệ thống truyền hình cáp ở các khách sạn và khu chung cư cho người nước ngoài và một số doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, nó đi ngược lại bối cảnh xung đột ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và các chính phủ phương Tây về một loạt các vấn đề từ nhân quyền đến thương mại và đại dịch COVID-19, trong đó những lời chỉ trích của Trung Quốc về việc đưa tin của các phương tiện truyền thông nước ngoài đóng một vai trò quan trọng.

Cơ quan Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc cho biết việc đưa tin của BBC World News về nước này đã vi phạm yêu cầu đưa tin phải trung thực và khách quan, cho thấy sự phàn nàn đối với các báo cáo của BBC về những ứng phó ban đầu của chính phủ đối với sự bùng phát virus corona ở Trung Quốc. Ngoài ra, BBC World News còn cáo buộc chính phủ Trung Quốc về hành vi cưỡng bức lao động và lạm dụng tình dục ở khu vực Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi khác. Tuyên bố của EU đã liên kết một cách rõ ràng lệnh cấm với BBC khi kênh này đưa tin về những chủ đề trên.

Không rõ liệu các phóng viên BBC ở Trung Quốc có bị ảnh hưởng hay không. Năm 2020, Bắc Kinh trục xuất các phóng viên nước ngoài của các tờ The Washington Post, The Wall Street Journal và The New York Times trong bối cảnh tranh chấp với chính quyền Tổng thống Trump và phàn nàn về những chỉ trích của giới truyền thông đối với Đảng Cộng sản cầm quyền.

Cơ quan giám sát truyền thông của Anh, Ofcom, đã thu hồi giấy phép của CGTN, kênh tin tức vệ tinh bằng tiếng Anh của Trung Quốc, vào ngày 4/2, trong đó viện dẫn các liên kết của CGTN với Đảng Cộng sản, bên cạnh các lý do khác.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ofcom đã hành động trên “cơ sở chính trị dựa trên sự thiên vị về ý thức hệ.”

Việc tước giấy phép tại Anh là một đòn đau đối với CGTN. Động thái này một phần trong nỗ lực toàn cầu của quốc gia này nhằm thúc đẩy quan điểm của mình và thách thức những bài báo của giới truyền thông phương Tây về Trung Quốc, nơi họ đã đổ những nguồn lực khổng lồ vào đó. CGTN có một trung tâm hoạt động Châu Âu tại Luân Đôn.

Theo Newsmax,

Phan Anh

Xem thêm: