Liên minh châu Âu (EU) đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại việc Trung Quốc áp đặt các hạn chế thương mại đối với Litva (Lithuania) – nước thành viên EU.

Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ.
Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ. (Ảnh: jorisvo/ ShutterStock)

Vấn đề này được cho là mở ra một mặt trận mới đối với hành vi dùng sức ép kinh tế để đạt mục tiêu chính trị của Bắc Kinh. EU cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại phân biệt đối xử với Litva đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung EU. EU đại diện cho 27 quốc gia thành viên để xử lý vấn đề ngoại thương này.

Phó Chủ tịch Valdis Dombrovskis của Ủy ban EU cho biết văn phòng của ông đã yêu cầu thương thảo với Trung Quốc tại WTO về những gì EU coi là các hành vi thương mại phân biệt đối xử, đây là giai đoạn đầu tiên của loại hình tố tụng này trong WTO. Ông cho rằng EU nên được tôn trọng hơn, Bắc Kinh nên ngừng ép buộc các nước thành viên EU trên cơ sở chính trị bằng cách chặn nhập khẩu các sản phẩm của họ và các thủ đoạn cưỡng chế thương mại khác.

Ông nói: “Mối quan hệ của chúng ta đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau”.

Các quan chức của Litva và EU cho biết Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại khác nhau để trả đũa việc Litva quyết định cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện với tên gọi “Đài Loan”. Cáo buộc cho biết các hành động của Trung Quốc bị cấm theo quy định của WTO.

Các hạn chế thương mại của Bắc Kinh đối với Litva bao gồm: hải quan Trung Quốc từ chối thông quan hàng hóa Litva, từ chối đơn đăng ký nhập khẩu của Litva và gây áp lực lên các công ty EU yêu cầu hàng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc không có các thành phần của Litva.

Thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại của Litva với Trung Quốc đã giảm 91% trong tháng 12/2021 so với cùng tháng hồi năm 2020, các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là dược phẩm, laser, điện tử và thực phẩm.

EU cho biết theo quy định của WTO thì các hành động của Trung Quốc như là phân biệt đối xử bất hợp pháp, gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu từ Litva và các nước EU khác, vì các hạn chế cũng nhắm vào các sản phẩm xuất khẩu từ các nước EU khác mà có chứa các thành phần của Litva.

Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm phản hồi rằng Trung Quốc luôn hành động phù hợp với các quy định của WTO. Vấn đề giữa Trung Quốc và Litva là vấn đề chính trị, không phải kinh tế.

Quan chức EU Dombrovkis cho biết: “Chúng tôi không thấy có con đường nào khác để thay đổi tình hình sau nhiều nỗ lực không thành công để giải quyết vấn đề song phương”.

Ông cũng nhấn mạnh EU đang theo đuổi các biện pháp ngoại giao “đồng bộ” và cáo buộc Trung Quốc xâm phạm thị trường chung EU, tại thị trường này hàng hóa xuất khẩu từ bất kỳ quốc gia hội nhập kinh tế nào của EU phải được đối xử bình đẳng: “Các biện pháp này gây ra mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của thị trường chung EU, ảnh hưởng đến thương mại nội khối EU và chuỗi cung ứng của EU, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sản xuất công nghiệp của EU”.

Viện Công nghiệp Liên bang Đức (BDI) ủng hộ việc EU kiện Bắc Kinh lên WTO. BDI nêu rõ: “Hàng xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc từ các nhà cung cấp từ Litva đang bị kẹt ở biên giới và thậm chí không thể đến được với liên doanh của Đức ở Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Litva hôm thứ Năm (27/1) bày tỏ hy vọng tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán từ trung gian EU. “Litva hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đồng ý tham gia đàm phán với EU, hy vọng sẽ không chỉ giải quyết thành công tranh chấp thương mại hiện nay mà còn đảm bảo một giải pháp bền vững lâu dài”, trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Litva cho biết.

Tờ Wall Street Journal có nhận định rằng mặc dù việc đệ đơn kiện thể hiện tình hình leo thang vượt ra ngoài ngoại giao, nhưng khả năng để tiến triển nhanh chóng là không cao. Quá trình của WTO diễn ra chậm và có thể mất nhiều năm mới có kết quả và sau đó là nhiều năm để thực hiện. Các quan chức cấp cao của EU cho biết họ hy vọng rằng miễn là vụ việc được đưa ra WTO, Trung Quốc có thể tìm cách giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.

DL litva
Ông Eric Huang (thứ ba từ phải sang), người hiện là trưởng phái bộ của Đài Bắc tại nước láng giềng Latvia, được chỉ định là người đứng đầu của Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva. (Ảnh Twitter Bộ Ngoại giao Đài Loan).

Gần đây, Reuter dẫn tin cho biết Litva yêu cầu phía Đài Loan đổi tên văn phòng đại diện để bớt căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lansbergis của Litva đã phủ định việc này, ông cho biết không có ý định hoặc kế hoạch liên quan. Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), do gần đây ông Landsbergis đã gặp Tổng thống Gitanas Nausėda để thảo luận về chính sách đối ngoại, khiến giới truyền thông chú ý liệu thái độ của ông Nausėda có thúc đẩy kế hoạch đổi tên Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva hay không. Tuy nhiên, ông Lansbergis cho hay, việc ông thảo luận với Tổng thống Nausėda là làm thế nào để đối phó hiệu quả với các hành động bất hợp pháp của ĐCSTQ chống lại Litva, giảm thiểu các rủi ro bên trong và xây dựng đồng thuận vấn đề hỗ trợ từ bên ngoài là EU.

Hồi đầu tháng trước, Bộ Ngoại giao Litva đã phản hồi câu hỏi của CNA liên quan vấn đề có xem xét việc đổi tên văn phòng đại diện của Đài Loan hay không, qua đó cho biết rằng Chính phủ Litva hoan nghênh việc Đài Loan thành lập “Văn phòng Đại diện Đài Loan”, quyết định này là “vững vàng”.

Vào ngày 5/1, Đài Loan cho biết, họ sẽ thành lập quỹ trị giá 200 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào các ngành công nghiệp của Litva (Lithuania) và thúc đẩy thương mại song phương, trong nỗ lực chống lại áp lực ngoại giao đối với quốc gia Baltic từ Trung Quốc.

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: