Hôm 15/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa xác nhận rằng Liên minh châu Âu sẽ tiến tới việc cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức, một động thái được nhiều người coi là nhắm vào Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Phát biểu tại Strasbourg, bà von der Leyen nói rằng để đảm bảo các sản phẩm do những người bị đe dọa hoặc cưỡng bức lao động làm ra không “được bán trong các cửa hàng ở đây ở châu Âu… chúng tôi sẽ đề xuất một lệnh cấm đối với các sản phẩm trên thị trường được tạo ra bởi lao động cưỡng bức”.

Bà nói: “Nhân quyền không phải để bán – với bất kỳ giá nào.”

EU dự kiến ​​sẽ công bố dự thảo luật thẩm định chuỗi cung ứng nhằm giải quyết vấn đề này vào cuối năm nay, trong số các biện pháp chính sách được thiết kế để giải quyết các vấn đề mà khối có với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bị cáo buộc tiến hành chương trình lao động cưỡng bức trên quy mô lớn ở khu vực phía tây Tân Cương.

Trong tuần này, Brussels cũng sẽ công bố thêm chi tiết về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới ra đời của mình. Bà Von der Leyen cho biết kế hoạch này được lấy cảm hứng từ “thực tế là các chế độ chuyên quyền đang sử dụng [khu vực này] để cố gắng mở rộng ảnh hưởng của họ”.

“Đây là một khuôn mẫu về cách châu Âu có thể thiết kế lại mô hình của mình để kết nối thế giới. Chúng tôi giỏi về đường tài chính. Nhưng việc xây dựng một con đường hoàn hảo giữa các mỏ đồng thuộc sở hữu của Trung Quốc và bến cảng do Trung Quốc sở hữu là không hợp lý”, bà nói, ám chỉ đến chiến lược kết nối mới của EU mà bà gọi là “Cổng toàn cầu”. Nó cũng sẽ được tiết lộ dưới dạng dự thảo trong tháng này và được coi là đối thủ của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Bài phát biểu của bà được đưa ra trong bối cảnh Nghị viện châu Âu (MEP) đang chịu áp lực phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. MEP đã đề xuất một báo cáo với quan điểm mới về Trung Quốc, trong đó đưa ra các khuyến nghị về những thay đổi trong mối quan hệ của EU với Bắc Kinh. 

Cụ thể, nó kêu gọi EU kiên quyết điều tra đầy đủ về nguồn gốc của đại dịch virus corona, và kêu gọi EU tận dụng các cuộc thảo luận xung quanh thỏa thuận đầu tư bị đình trệ với Trung Quốc “làm đòn bẩy để cải thiện việc bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ xã hội dân sự” ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Báo cáo cho biết chính sách Trung Quốc mới của EU có sáu trụ cột, bao gồm hợp tác về các thách thức toàn cầu, can dự vào các chuẩn mực quốc tế và nhân quyền, xây dựng quan hệ đối tác với các đối tác cùng chí hướng, thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược và bảo vệ các lợi ích và giá trị của châu Âu.

Báo cáo mới cũng kêu gọi EU và các nước thành viên tẩy chay tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào năm tới, trừ khi tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông được cải thiện và đối thoại nhân quyền song phương mang lại kết quả rõ ràng.

Quan hệ của EU với Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng kể từ khi cả hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng trước việc Bắc Kinh đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Brussels coi Bắc Kinh là đối tác trong các vấn đề như thương mại và biến đổi khí hậu, nhưng đã tăng cường nỗ lực để đối phó với Trung Quốc về các vấn đề như Hồng Kông và Tân Cương.

Rạn nứt mới gần đây giữa EU – Trung Quốc cũng xảy ra ở Lithuania khi quốc gia này mở “Văn phòng đại diện Đài Loan” ở thủ đô Vilnius. Bắc Kinh cho biết động thái này vi phạm chính sách ‘một Trung Quốc’ của Brussels, một tuyên bố bị cả Lithuania và EU phủ nhận.

Trung Quốc đã đáp trả bằng cách triệu hồi đại sứ của mình tại Vilnius và yêu cầu Lithuania làm điều tương tự. Các chuyến tàu chở hàng của Trung Quốc đến Lithuania đã bị đình trệ, trong khi một số giấy phép xuất khẩu nhất định đã bị thu hồi.

EU đã tỏ ra bênh vực Litva và đã triệu tập một buổi gặp gỡ không chính thức vào ngày 5/10 tới đây để bàn luận về “các bước cụ thể” nhằm hỗ trợ Litva. 

Lê Xuân (theo SCMP)

Xem thêm: