Khi tin tức về việc Facebook, Instagram và WhatsApp (đều thuộc sở hữu của công ty Facebook) gặp phải sự cố gián đoạn truy cập trên toàn cầu từ trưa ngày 4/10, thì những bê bối gần đây của công ty này cũng được truyền thông nhắc lại. Gần đây nhất là vụ cựu giám đốc quản lý thông tin sai lệch của Facebook công khai tố cáo công ty này, và vụ nhân viên Facebook rò rỉ tài liệu cho Wall Street Journal (WSJ).

business facebook fb hands
(Nguồn: Pxfuel)

Tố cáo của cựu giám đốc quản lý thông tin sai lệch của Facebook

Trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật (ngày 3/10), cô Frances Haugen, cựu giám đốc quản lý thông tin sai lệch của Facebook, tiết lộ rằng Facebook đã nhiều lần vi phạm các tiêu chuẩn an toàn, nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Cô cho biết, Facebook mới chỉ có hành động đối với ít hơn 5% các trường hợp bạo lực và ngôn từ kích động thù địch, nhưng đồng thời lại nói với các nhà đầu tư rằng họ đang xem xét những rủi ro này một cách nghiêm túc.

Cô Haugen cho biết, cô đã nộp 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ, tố cáo những lời nói dối của Facebook. Cô có hàng chục ngàn trang tài liệu chứng minh cho vụ án của mình.

Cô nói: “Hết lần này đến lần khác, trên Facebook, tôi đã thấy sự xung đột lợi ích giữa những điều có lợi cho công chúng và những điều có lợi cho Facebook. Và Facebook đã chọn cách tối ưu hóa lợi ích của chính mình hết lần này đến lần khác, để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi đã xem nhiều mạng xã hội, tình hình trên Facebook tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ mạng xã hội nào mà tôi từng thấy trước đây.”

Ngoài ra, cô Haugen tin rằng gốc rễ các vấn đề của Facebook là năm 2018 họ đã thay đổi thuật toán của trang web. Thuật toán mới nhằm mục đích hiển thị cho người dùng nội dung mà họ có nhiều khả năng tương tác nhất.

Cô Haugen giải thích: “Ngày nay, một trong những cách Facebook lựa chọn những nội dung này là, họ đang tối ưu hóa nội dung có thể khơi dậy sự tương tác và phản ứng (của người dùng). Nhưng nghiên cứu của riêng Facebook cho thấy, những nội dung gây thù hận, chia rẽ và phân cực … dễ khơi dậy cơn giận dữ hơn những cảm xúc khác.”

Cô Haugen nói rằng thông tin sai lệch và nội dung kích động thù địch, là những thứ giữ chân mọi người và cho phép Facebook phát triển mạnh mẽ. Cô nói thêm, mặc dù Facebook nhận ra rằng nếu họ chuyển đổi và bảo vệ trước nội dung (gây thù hận) mà họ hiển thị, thì họ sẽ mất đi lợi nhuận.

Cô Haugen giải thích thêm: “Khi bạn tiêu thụ nhiều nội dung hơn, Facebook sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Mọi người thích tham gia vào những thứ gây ra những phản ứng cảm xúc không đáng có. Càng tiếp xúc nhiều với sự tức giận, họ càng tương tác và tiêu thụ nhiều hơn.”

Facebook đang biện hộ cho chính sách bảo mật của mình. Họ nói rằng công việc của công ty này là “giảm thiểu những bất lợi và khuếch đại lợi ích.” Đồng thời, thứ Ba (ngày 5/10), cô Haugen sẽ tham dự phiên điều trần trước Tiểu ban Bảo vệ Người tiêu dùng Thương mại của Thượng viện.

 

Tài liệu mật nội bộ mật của Facebook bị rò rỉ cho WSJ

Mới đây, một trong số 60.000 nhân viên của Facebook đã làm rò rỉ một số lượng lớn tài liệu mật cho Wall Street Journal, Quốc hội Mỹ và Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ – cơ quan quản lý thị trường tài chính và chứng khoán, gây ra chấn động lớn.

Dự kiến, những nội dung bí mật này sẽ kích hoạt các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ, Facebook sẽ truy tìm danh tính của người trong nội bộ làm rò rỉ thông tin, các báo cáo liên quan sẽ xuất hiện liên tục. Wall Street Journal cũng cam kết sẽ cung cấp nhiều “hồ sơ Facebook” hơn.

Sự kiện rò rỉ này làm nổi bật Facebook là một công ty “hai mặt” trị giá nghìn tỷ đô la, các ứng dụng của họ phá vỡ nền dân chủ như thế nào, gây nguy hiểm cho sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên và cả việc Facebook không muốn hoặc không thể giải quyết những vấn đề này.

Tài liệu tiết lộ quan trọng nhất là mặc dù CEO Facebook Zuckerberg đã công khai cam kết sẽ sử dụng nền tảng này để khuyến khích mọi người tiêm vắc-xin COVID-19, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng trang chủ của trang web này đang nhanh chóng trở thành “nơi bùng phát nội dung chống vắc-xin“, có 775 triệu bình luận phản đối vắc-xin mỗi ngày.

Ngoài ra, Facebook cũng có “danh sách trắng X Check” với 5,8 triệu người nổi tiếng. Những người trong danh sách trắng được phép vi phạm các quy tắc đăng bài, được đăng nội dung cực đoan hoặc có hại mà người khác không được phép đăng và có thể khiến trang chủ bị đóng. Theo Wall Street Journal đưa tin, hơn 40 bộ phận trong Facebook có quyền thêm người dùng vào danh sách X Check, đây là danh sách các tài khoản không chịu can thiệp bởi cơ chế xuất bản của Facebook.

Báo cáo của Wall Street Journal đã làm dấy lên lo ngại rằng cơ quan độc lập do Facebook thành lập vào năm 2019, tức Ủy ban Giám sát (Oversight Board), chỉ là bề mặt của các mối quan hệ công chúng. Kể từ khi bắt đầu thẩm tra các vụ việc vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban đã nhận được hơn 500.000 đơn khiếu nại, thường là về quyết định của Facebook về việc xóa hoặc để lại bài đăng, nhưng Ủy ban này không thể lấy lại nội dung, kiện giám đốc điều hành hoặc phạt tiền. Trung bình mỗi thành viên của Ủy ban này chỉ làm việc 15 giờ một tuần nhưng có thể nhận được mức lương 6 con số.

Đáp lại yêu cầu bình luận của AFP, người phát ngôn của Ủy ban Giám sát Facebook, John Taylor, chỉ ra rằng “Ban Giám sát đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch trong quá trình xem xét nội dung của Facebook, đặc biệt là tính thiếu nhất quán trong việc quản lý của công ty đối với những tài khoản nổi tiếng”.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: