Theo truyền thông Mỹ Axios đưa tin hôm 11/1, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hành một quảng cáo bằng tiếng Trung kêu gọi người Mỹ gốc Hoa báo cáo việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trấn áp các vụ án hình sự xuyên quốc gia, và FBI cũng đã tham gia vào việc Mỹ tấn công các trạm cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ.

FBI bị kiện AFL kiện FBI 629482379
(Ảnh minh họa: Dzelat/Shutterstock)

Từ ngày 28/12/2022, FBI chủ yếu nhắm mục tiêu vào người Hoa từ 25 đến 44 tuổi ở khu vực Greater Philadelphia để phát hành quảng cáo định hướng tiếng Trung trên Facebook, kêu gọi nạn nhân bị theo dõi trực tuyến, quấy rối trực tuyến, quấy rối thân thể, dọa nạt, tống tiền, và quấy rối thông qua WeChat, hãy liên hệ với văn phòng FBI Philadelphia tại địa phương càng sớm càng tốt. Không rõ tại sao quảng cáo lại nhắm mục tiêu cụ thể đến Philadelphia.

Quảng cáo đề cập rằng nếu bạn gặp phải sự quấy rối ở trên, “bạn có thể là nạn nhân của chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Theo báo cáo, đây là hành động tấn công mới nhất của các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ chống lại “sự đàn áp xuyên quốc gia” (Transnational repression) của ĐCSTQ. FBI đã triển khai hành động tấn công trên khắp nước Mỹ vào năm 2022, bắt giữ và truy tố một nhóm quan chức tình báo ĐCSTQ và cư dân Mỹ.

FBI cho biết, nhiều nạn nhân không biết đàn áp xuyên quốc gia là tội ác, người dân Mỹ nên hiểu thế nào là đàn áp xuyên quốc gia và nên trình báo với các cơ quan thực thi pháp luật.

Phần “Đàn áp xuyên quốc gia” trên trang web chính thức của FBI chỉ rõ, “Một số chính phủ nước ngoài quấy rối và đe dọa công dân của họ sống ở Mỹ. Các chính phủ này cũng có thể nhắm mục tiêu đàn áp đến các các công dân đã nhập tịch hoặc sinh ra ở Mỹ, có gia đình ở nước ngoài, hoặc có mối quan hệ khác ở nước ngoài.”

FBI liệt kê 9 hành vi đàn áp xuyên quốc gia bao gồm có ý đồ bắt cóc, theo dõi, quấy rối, tấn công mạng, đánh người, phát tán thông tin sai lệch trên mạng, ép buộc hoặc đe dọa nạn nhân trở về nước của họ, đe dọa hoặc giam giữ người thân sống ở nước họ, đóng băng tài sản tài chính.

FBI cho biết, “đàn áp xuyên quốc gia” là một hành vi phạm tội, là chỉ các hành động được thực hiện bởi các chính phủ nước ngoài nhằm theo dõi, đe dọa hoặc tấn công người dân Mỹ. Các nhà hoạt động, người bất đồng chính kiến, nhà báo, phe phản đối chính trị, và thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo là những mục tiêu chính.

Trong số 12 trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” được liệt kê trên trang web chính thức của FBI, có 10 trường hợp có liên quan đến ĐCSTQ. Ví dụ, một vụ án gián điệp của ĐCSTQ được công bố vào tháng 3/2022, cáo buộc một cựu sĩ quan tình báo ĐCSTQ hợp tác với ĐCSTQ và một nhà điều tra tư nhân Mỹ, để theo dõi, quấy rối, đe dọa và tấn công một cựu quân nhân người Mỹ gốc Hoa, mục đích nhằm ngăn chặn và quấy rối để ông không tranh cử vào Quốc hội; ĐCSTQ đã từng đe dọa một vận động viên Olympic người Mỹ và gia đình của vận động viên này, vì họ từng chỉ trích những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ trên mạng xã hội.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn đe dọa các thành viên gia đình (vẫn còn sinh sống ở Trung Quốc) của những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài để buộc họ trở về Trung Quốc.

Một trường hợp mới nhất, thẩm phán liên bang của Mỹ đã chính thức truy tố Xiaolei Wu, một sinh viên Trung Quốc tại Trường Cao đẳng âm nhạc Berklee ở Boston vào đầu tháng này, cáo buộc anh ta theo dõi và đe dọa một sinh viên Trung Quốc khác từng dán một tờ rơi ủng hộ dân chủ. Cáo trạng cáo buộc Wu Xiaolei đã gửi thông tin cá nhân của sinh viên Trung Quốc cho chính quyền ĐCSTQ để đe dọa gia đình anh.

Mỹ tăng cường tấn công trạm cảnh sát hải ngoại của ĐCSTQ, chống lại “Chiến dịch Săn cáo”

ĐCSTQ đã thành lập hơn 150 trạm cảnh sát ở nước ngoài trên khắp thế giới, ít nhất 3 trong số đó là ở Mỹ. Theo các quan chức thực thi pháp luật hiện tại và trước đây của New York, đồn cảnh sát hải ngoại 110 (của ĐCSTQ) được thành lập vào thời kỳ giữa những năm 2010. Giám đốc FBI Christopher Wray đã làm chứng trước các thành viên Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái rằng ông biết và lo ngại về các trạm dịch vụ cảnh sát do ĐCSTQ thành lập tại Mỹ.

Những người quen thuộc với vấn đề này nói với The New York Times rằng mùa thu năm 2022, theo một cuộc điều tra hình sự của Văn phòng công tố liên bang Brooklyn ở thành phố New York, các đặc vụ FBI đã đột kích và khám xét tòa nhà của hội Hoa kiều Trung Quốc “Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ” ở Khu phố Tàu của Manhattan. Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng Mỹ tạm giữ các tài liệu liên quan từ đồn cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ. Ông Lư Kiến Thuận (Lu Jianshun), chủ tịch Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ, đã không trả lời các câu hỏi liên quan của New York Times.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, vào ngày 31/10 năm ngoái, một thành viên của Hiệp hội Trường Lạc cho biết, trạm dịch vụ cảnh sát của ĐCSTQ đã bị hủy bỏ. Các nhân viên liên quan không thấy đâu, và số điện thoại liên lạc đã bị cắt.

Ngày 11/1, Đại sứ quán ĐCSTQ tại Mỹ tuyên bố rằng chức năng của các đồn cảnh sát ở nước ngoài này là thông qua các tình nguyện viên để giúp người Trung Quốc ở nước ngoài đăng ký đổi bằng lái xe Trung Quốc. Tuy nhiên, New York Times phát hiện ra rằng các báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đề cập rằng các đồn cảnh sát nước ngoài này thu thập thông tin tình báo, hơn nữa thân phận của người phụ trách lại không rõ ràng.

Năm ngoái, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha báo cáo rằng ĐCSTQ đã thiết lập hàng trăm “Trạm dịch vụ cảnh sát và các vấn đề Hoa kiều ở nước ngoài” tại 21 quốc gia, phần lớn ở châu Âu. Mục đích của các trạm cảnh sát này là quấy rối và giám sát công dân Trung Quốc và những người bất đồng chính kiến. Vào tháng 11/2022, tổ chức này tuyên bố rằng 14 quốc gia bao gồm Canada, Thụy Sĩ và Ý cho biết họ đã tiến hành điều tra, đồng thời Ireland và Hà Lan đã yêu cầu đóng cửa các trạm cảnh sát này.

Theo mô tả của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và tuyên bố công khai, thành phố Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến), huyện Thanh Điền và thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), thành phố Nam Thông (tỉnh Giang Tô) đã thành lập hàng chục trạm dịch vụ cảnh sát ở nước ngoài trên khắp nơi như Nhật Bản, Ý, Pháp, Vương quốc Anh, Đức, Hungary và Cộng hòa Séc, v.v. Tổ chức Đảng Cộng sản tỉnh Giang Tô từng ban hành một văn bản nêu rõ kể từ tháng 2/2016, cảnh sát trong nước và nước ngoài của thành phố Nam Thông và Trung tâm dịch vụ liên hợp Hoa kiều, đã hỗ trợ bắt giữ và thuyết phục về nước hơn 80 nghi phạm.

Bộ Tư pháp Mỹ đang hạn chế chiến dịch “Săn cáo” của Bộ Công an Trung Quốc truy bắt những người đào tẩu xuyên biên giới. Vào tháng 10 năm ngoái, Văn phòng công tố liên bang tại Brooklyn, Mỹ, đã truy tố 7 công dân Trung Quốc, cáo buộc họ quấy rối một cư dân Mỹ và con trai ông, nhằm buộc ông trở về Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc hình sự.