Thứ Năm (ngày 17/11), Giám đốc FBI Christopher Wray nói với các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thiết lập những trạm cảnh sát trái phép ở các thành phố của Mỹ, nhằm tiến hành các hoạt động xâm nhập tiềm năng vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ.

id13868102 10062022 DSC03862 1200x800 600x400 1
“Hiệp Hội Trường Lạc” (Chang Le), Nhóm người Hoa thân cộng ở hải ngoại có trụ sở tại Khu Phố Tàu, Manhattan, thành phố New York. (Ảnh: Samira Bouaou / Epoch Times)

Việc ĐCSTQ thành lập “trạm cảnh sát” ở nhiều quốc gia hải ngoại đã liên tục bị truyền thông vạch trần.

Giữa tháng Chín năm nay, Tổ chức nhân quyền phi chính phủ của châu Âu “Safeguard Defenders” công bố một báo cáo có tên Các trạm cảnh sát 110 của Trung Quốc ở nước ngoài”. Báo cáo vạch trần việc ĐCSTQ thành lập các trạm cảnh sát hải ngoại ở nhiều quốc gia trên thế giới, gồm cả “Hiệp Hội Trường Lạc” – nhóm người Hoa thân cộng nằm ở Khu Phố Tàu, Manhattan, thành phố New York.

Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ đã yêu cầu chính quyền Biden phản ứng trước tác động của việc này.

FBI: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ

Trạm cảnh sát hải ngoại của ĐCSTQ phục vụ các mục đích hành chính vốn thường được ủy quyền cho các đại sứ quán, gồm hỗ trợ người nhập cư Trung Quốc gia hạn giấy phép lái xe ở nước ngoài.

Nhưng báo cáo của Safeguard Defenders cho thấy các trạm cảnh sát này còn có những mục đích thâm độc hơn, như theo dõi, bắt giữ và dẫn độ những người bị ĐCSTQ truy nã.

“Tôi rất lo lắng về điều này. Chúng tôi biết những trạm (cảnh sát) này tồn tại”, ông Christopher Wray nói trong phiên điều trần của Ủy ban Các vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa Thượng viện Hoa Kỳ.

“Đối với tôi, thật xúc phạm khi cảnh sát Trung Quốc mở trạm (cảnh sát) như ở New York, mà không có sự phối hợp thích hợp (với Hoa Kỳ). Điều này vi phạm chủ quyền, phá vỡ quy trình hợp tác thực thi pháp luật và tư pháp tiêu chuẩn”, ông nói.

“Lý do điều này rất quan trọng là vì chúng ta thấy Chính phủ Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng đã xuất khẩu các mô hình đàn áp của họ sang Hoa Kỳ,” ông Wray nói.

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​rất nhiều trường hợp… Chính phủ Trung Quốc sử dụng nó như một cái cớ để chống tham nhũng. Trên thực tế họ sử dụng nó như một công cụ giám sát. Chúng tôi đã gặp những trường hợp họ nhúng tay vào ô tô của người Mỹ.”

Ông Wray giải thích rằng các đặc vụ tình báo Trung Quốc cùng với những cá nhân được đặc vụ thuê ở Hoa Kỳ đã đích thân “quấy rối, theo dõi, giám sát và tống tiền một cách có hệ thống những người họ không thích, hoặc những người bất đồng với chế độ của ông Tập.”

“Đây là một vấn đề thực sự, và là điều mà chúng tôi đang thảo luận với các đối tác nước ngoài, vì chúng tôi không phải là quốc gia duy nhất xảy ra chuyện này,” ông nói.

Khi được Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rick Scott hỏi liệu các trạm cảnh sát có vi phạm luật pháp Hoa Kỳ hay không, Giám đốc Wray trả lời rằng FBI đang “xem xét các tham số pháp lý.”

Kêu gọi người Trung Quốc tại Mỹ bị trạm cảnh sát 110 quấy rối báo ngay cho FBI

Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Jim Banks, Dân biểu Michael Waltz của bang Florida và Dân biểu Mike Gallagher của bang Wisconsin cùng viết một bức thư, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Merrick Garland và Ngoại trưởng Antony Blinken giải thích lý do tại sao cảnh sát Phúc Châu lại có thể mở một dịch vụ cảnh sát trên đất Mỹ.

Báo cáo của Safeguard Defenders cho biết các trạm cảnh sát ở nước ngoài này là một phần mở rộng trong nỗ lực của Bắc Kinh, nhằm gây áp lực buộc một số công dân Trung Quốc, hoặc người thân của họ ở nước ngoài trở về Trung Quốc, và đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Các trạm cảnh sát ở nước ngoài này có liên quan đến các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, một tổ chức chuyên xuất khẩu tuyên truyền sức ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Hoa Kỳ bắt đầu trấn áp “chiến dịch săn cáo” của ĐCSTQ

Giám đốc FBI Christopher Wray cũng nói với các thượng nghị sĩ hôm thứ Năm (17/11) rằng Hoa Kỳ đã đệ trình nhiều cáo buộc rằng Chính phủ Trung Quốc quấy rối, theo dõi, giám sát và tống tiền những công dân Mỹ bất đồng ý kiến với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 24/10, công bố 3 trường hợp thay mặt ĐCSTQ tiến hành các hoạt động phi pháp tại Hoa Kỳ. Đến nay, 2 người đã bị bắt và 13 người đã bị buộc tội.

Ba cáo trạng gồm âm mưu cưỡng bức hồi hương công dân Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cố gắng cản trở việc truy tố hình sự, và âm mưu phục vụ như những đặc vụ bất hợp pháp của ĐCSTQ.

Đây là trường hợp mới nhất của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chống lại “chiến dịch Săn cáo” của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ.

“Chiến dịch Săn cáo” là một “hoạt động đặc biệt” do Bộ Công an ĐCSTQ triển khai, nhằm truy lùng những người trốn ra nước ngoài (gồm cả Hồng Kông và Ma Cao).

Kể từ năm 2014, có nguồn tin cho rằng trong “chiến dịch Skynet” “chiến dịch săn cáo”, thế lực nước ngoài này của ĐCSTQ đã hồi hương thành công khoảng 10.000 người từ hơn 120 nước, đại đa số những người này là “trở về không tự nguyện”.

ĐCSTQ đã sử dụng 3 phương pháp không tự nguyện để khiến nghi phạm của họ quay trở về Trung Quốc, gồm đe dọa thành viên gia đình ở Trung Quốc, quấy rối trực tiếp họ ở nước ngoài, bắt cóc từ nước ngoài đưa về Trung Quốc.

Một báo cáo mới vào tháng Chín cho thấy, cảnh sát và các cơ quan tư pháp địa phương của ĐCSTQ đang ngày càng có xu hướng sử dụng “các con tin người thân” tại Đại Lục, để buộc hồi hương các mục tiêu ở nước ngoài.

Báo cáo của Safeguard Defenders cáo buộc ĐCSTQ đã thành lập hơn 50 “trạm cảnh sát” tại nước ngoài, cho thấy hành động “đàn áp xuyên quốc gia” của nhà cầm quyền này đang ngày càng gia tăng.

Bình Minh (t/h)