Ngày 7/11, công tố viên liên bang của quận phía Nam New York thông báo rằng họ đã thu giữ số Bitcoin trị giá hơn 3,36 tỷ USD từ James Zhong, một nhà phát triển bất động sản.

127546814 d85ba64f 6e77 4877 93cb 9d3f437347a8
Bitcoin bị đánh cắp được tìm thấy trên thẻ nhớ. (Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ)

Tháng 11/2021, các nhà điều tra đã tìm thấy hơn 50.000 Bitcoin khi họ đột kích vào nhà của James, một cư dân Georgia. Vào thời điểm đó, 1 Bitcoin trị giá hơn 66.000 USD, hơn 50.000 Bitcoin trị giá hơn 3 tỷ USD.

James Zhong, sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính 32 tuổi, đã bị bắt vào ngày 4/11. Hôm đó, Zhong thừa nhận đã sử dụng các phương pháp gian lận ở tuổi 22, để đánh cắp 50.000 Bitcoin từ website chợ đen Silk Road cách đây 10 năm, và phạm tội gian lận chuyển khoản.

Silk Road là một trang web mua sắm chợ đen khét tiếng, bán các mặt hàng như ma túy, vũ khí, thẻ tín dụng bị đánh cắp, tài liệu giả mạo, và thậm chí cả những vụ giết người. Nó đã bị Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa vào năm 2013 và người sáng lập Ross Ulbricht đã bị bắt.

Khi Ulbricht bị kết án vào năm 2015, tòa án cho Quận phía Nam New York đã ra phán quyết rằng tất cả 9,9 triệu Bitcoin được giao dịch thông qua nền tảng Silk Road đều bị tịch thu. Tuy nhiên, tại thời điểm tuyên án, Chính phủ không rõ chính xác tung tích của những đồng Bitcoin đã mất tích.

Hoạt động này là một phần của cuộc điều tra về tung tích của số Bitcoin bị mất tích, do Văn phòng luật sư Hoa Kỳ quận phía Nam Manhattan dẫn đầu.

127546817 77860000 3b80 4114 b928 31c642f09f13
Cũng như Bitcoin, cảnh sát tìm thấy 600.000 đô la tiền mặt trong một két sắt dưới sàn. (Ảnh Bộ Tư pháp Mỹ)

50.000 Bitcoin được giấu trong một lọ bắp rang trên một bảng mạch đơn

Theo cáo trạng, Zhong bắt đầu phạm tội từ năm 2012, khi thanh niên 22 tuổi này lừa đảo hơn 53.000 Bitcoin từ trang web đen. Zhong đã tạo 9 tài khoản Silk Road để che giấu danh tính và thực hiện 140 giao dịch liên tiếp, nhằm lừa nền tảng giải phóng Bitcoin vào tài khoản mình; sau đó chuyển số Bitcoin này sang các tài khoản khác dưới sự kiểm soát của Zhong.

Ví dụ: Ngày 19/9/2012, Zhong đã gửi 500 Bitcoin vào ví Silk Road. Chưa đầy 5 giây sau lần gửi tiền đầu tiên, Zhong đã thực hiện 5 lần rút 500 Bitcoin liên tiếp trong cùng 1 giây, với tổng cộng 2.500 Bitcoin. Một ví dụ khác, Zhong gửi vào một khoản tiền, và ngay lập tức rút 50 khoản, sau đó hủy tài khoản.

Nói về hơn 50.000 Bitcoin mà Zhong đánh cắp từ Silk Road hơn một thập kỷ trước, trong một tuyên bố, Luật sư Damian Williams của quận phía Nam New York, cho biết: “Tung tích của đống Bitcoin bị mất tích này đã trở thành một bí ẩn trị giá hơn 3,3 tỷ USD trong 10 năm qua.”

Quá trình điều tra vụ án Silk Road giống như một bộ phim cảnh sát truyền thống, ngoài công nghệ theo dõi tiền mã hóa tiên tiến, việc tìm kiếm những đồng tiền bị mất tích cũng dựa vào các phương pháp cổ điển của cảnh sát.

Ông Williams cho biết họ đã tìm thấy một bảng mạch (SBC) chứa 50.000 Bitcoin trong đáy một lọ bắp rang, bị phủ dưới đống chăn trong tủ phòng tắm của Zhong.

Luật sư của Zhong, ông Michael Bachner, trả lời phóng viên của Epoch Times rằng: “Zhong vô cùng hối hận về hành động của mình 10 năm trước khi chỉ mới 22 tuổi. Anh ấy đã hoàn trả gần như toàn bộ số tiền mua lại không đúng cách (hơn 50.000 Bitcoin).”

“Trớ trêu thay, với sự tăng trưởng về giá trị của Bitcoin trong thập kỷ qua, số Bitcoin anh ta trả có giá trị cao hơn theo cấp số nhân so với số Bitcoin anh ta đã lấy đi.”

Theo thỏa thuận nhận tội của Zhong, số Bitcoin anh đánh cắp có nguồn gốc từ tiền thu được của tội phạm Ulbricht, vì vậy Zhong không phải bồi thường cho nạn nhân.

Đến tháng 3/2022, James Zhong quyết định đầu thú, và nhận tội lừa đảo trên Silk Road trong phiên tòa ngày 4/11.

Ngày 4/11, Zhong đã được tại ngoại với 310.000 USD phí bảo lãnh. Tội danh lừa đảo qua mạng Internet có mức án tối đa là 20 năm tù, Zhong phải đối mặt với mức án 27 – 33 tháng tù sau khi nhận tội. Tòa án dự kiến ​​sẽ tuyên án Zhong vào ngày 22/2/2023.

Bộ Tư pháp Mỹ không công bố cụ thể quy trình thu giữ số Bitcoin này. Nhưng theo The Verge, một trong những nguyên nhân khiến Zhong bại lộ là anh đã từng báo cảnh sát vì gặp trộm vào năm 2019, trong đó, vật dụng bị mất có “một lượng lớn Bitcoin”.

Bình Minh (t/h)