Một báo cáo mới của tổ chức theo dõi nhân quyền Freedom House chỉ ra vấn nạn tăng cường thao túng các tổ chức truyền thông trên phạm vi toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với chi phí hàng tỷ USD nhằm định hình dư luận có lợi cho Bắc Kinh.

id13820854 China Daily20171206Benjamin chasteen 2072 1200x800 600x400 1
Một thùng báo trả phí China Daily ở Midtown Manhattan – New York. Hình chụp ngày 6/12/2017. (Benjamin Chasteen / Epoch Times)

Hôm thứ Năm (8/9), Freedom House đã đưa ra một báo cáo với tiêu đề Tác động truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh”, cho thấy chính quyền ĐCSTQ và những bên được ủy quyền của họ đang sử dụng “các chiến thuật tinh vi hơn, bí mật và cưỡng ép” để lan truyền luận điệu có lợi cho ĐCSTQ đầy xuyên tạc, đồng thời loại bỏ các thông tin bất lợi đối với họ.

Nghiên cứu đã khảo sát tại 30 nước trong khoảng thời gian từ tháng 1/2019 – 12/2021, kết quả nhận thấy ĐCSTQ đã tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng truyền thông “cao” hoặc “rất cao” tại 16 nước. Trong 3 năm qua, ĐCSTQ đã gia tăng thao túng truyền thông ở 18 nước. Trong số đó, ĐCSTQ đã nỗ lực nhất để gây ảnh hưởng đến dư luận ở Đài Loan, tiếp theo là Mỹ và Vương quốc Anh.

Báo cáo cũng xem xét phản ứng của các nước liên quan và sau đó đánh giá khả năng phục hồi dân chủ của họ.

“ĐCSTQ đang nỗ lực gấp bội để kiểm soát diễn ngôn trên thế giới về hình ảnh của họ, uốn nắn truyền thông nước ngoài theo ý muốn của họ”, ông Michael J. Abramowitz, Chủ tịch Freedom House cho biết trong một thông cáo. “Những nỗ lực này tìm cách bịt miệng những lời chỉ trích họ và biến các phương tiện truyền thông độc lập trở thành nơi quảng bá cho hình ảnh của ĐCSTQ”.

Đầu tư lớn để tác động đến cách tường thuật

Báo cáo nêu chi tiết rằng tại Mỹ và nhiều nước khác, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang trả tiền cho các hãng truyền thông nổi tiếng để đăng tải nội dung mô tả tích cực về ĐCSTQ.

Ví dụ, tờ China Daily (Nhật báo Trung Quốc) hay Tân Hoa xã của ĐCSTQ trong nhiều năm đã trả phí để xuất bản các phụ trang trong các ấn bản trực tuyến và báo in gồm các tờ hàng đầu như Time, Thời báo Los Angeles, USA Today, CNN, Foreign Policy…

Báo cáo cho biết tài liệu từ Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra từ tháng 1/2019 – 10/2021, China Daily đã trả ít nhất 7 triệu USD cho các phụ trang trả phí trong các ấn phẩm khác nhau.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) của ĐCSTQ cũng trả phí để phát các chương trình phát thanh trên hai đài phát thanh ở khu vực Washington và New York.

id13820857 Wall Street Journal China Watch 1200x800 600x400 1
Một phụ trang trả phí của China Daily trên Wall Street Journal đã đăng một bài viết quảng cáo tấn công Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun của người Hoa ở Mỹ cổ vũ dân chủ. Hình ảnh ngày 17/1/2017. (Benjamin Chasteen / Epoch Times)

Tại Nigeria, Đại sứ quán Trung Quốc thường xuyên liên lạc với các biên tập viên tại các hãng tin lớn phụ trách nội dung tin tức để yêu cầu không đưa tin tiêu cực về Trung Quốc. Các cơ quan truyền thông có quan hệ với Đại sứ quán Trung Quốc có xu hướng kiểm duyệt các thông tin theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền này.

Tại Đài Loan, ĐCSTQ đã thúc đẩy trên diện rộng những thỏa thuận chia sẻ nội dung hoặc quảng cáo có trả tiền, để đưa nội dung do ĐCSTQ sản xuất lên các phương tiện truyền thông địa phương. Những nội dung này không được đánh dấu rõ ràng là sản phẩm của một tổ chức nhà nước Trung Quốc, tạo hình ảnh như được viết hoặc sản xuất độc lập.

Tại Anh, các hãng tin như Daily Telegraph và The Economist từng đăng các bài báo quảng cáo có trả tiền của truyền thông nhà nước Trung Quốc, vấn đề chỉ lặng lẽ dừng lại vào năm 2020 khi quan hệ Trung-Anh bắt đầu xấu đi. Tuy nhiên, nội dung trả phí từ Huawei vẫn tiếp tục xuất hiện trong phần China Watch của The Economist và Financial Times.

Sử dụng mạng xã hội để thao túng dư luận

Báo cáo lưu ý rằng chính quyền ĐCSTQ cũng tiếp tục sử dụng mạng xã hội để khuếch đại luận điệu tuyên truyền cho họ.

Tại Mỹ, theo một hồ sơ liên bang vào tháng 12 năm ngoái chỉ ra, lãnh sự quán ĐCSTQ ở New York đã trả tiền cho không ít những nhân vật có ảnh hưởng mạng xã hội để quảng bá Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 và “bất cứ điều gì tốt đẹp trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc”.

Freedom House phát hiện, kể từ năm 2019 ĐCSTQ đã tăng cường đáng kể chiến dịch thông tin sai lệch trên các nền tảng truyền thông xã hội khắp thế giới, sử dụng mạng lưới các tài khoản giả để truyền bá thông tin sai lệch.

Báo cáo cho biết, chỉ riêng tại Mỹ nhiều năm qua, hàng ngàn tài khoản giả được phát hiện trên Twitter, Facebook và YouTube đã bị ngăn chặn vì thao túng một loạt các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Những chủ đề này bao gồm các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, quan hệ Mỹ – Đài Loan và thậm chí làm mất uy tín của những người chỉ trích ĐCSTQ sống ở Mỹ.

Thông tin sai lệch do ĐCSTQ lan truyền cũng đã gây ra tranh luận về các vấn đề trong nước Mỹ, gây tình trạng hỗn loạn thông tin liên quan các chủ đề nóng như phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), căng thẳng chủng tộc và chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử năm 2020, báo cáo lưu ý.

Các nền dân chủ cần phối hợp hành động

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nước có thêm những phản ứng mạnh hơn đối với các hành động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ. Nhưng vấn đề cũng khiến động thái của Bắc Kinh ngày càng tinh vi, hung hãn và khó bị phát hiện hơn.

Báo cáo lưu ý, dựa trên kinh nghiệm của các nước như Đài Loan, Mỹ, Vương quốc Anh, Úc…, cho thấy do các hoạt động gây ảnh hưởng mang tính ôn hòa đã không đạt được kết quả như mong muốn, nên ĐCSTQ đã chuyển sang các chiến thuật gây hấn, đối đầu hoặc bí mật hơn.

Nghiên cứu cảnh báo rằng trong vài năm tới, hành động của ĐCSTQ có thể tiếp tục thúc đẩy rộng rãi hơn sang nhiều nước khác. Ở nhiều nước, các nhà nghiên cứu, nhà truyền thông và nhà hoạch định chính sách của họ có thể bị đe dọa ngoại giao, bắt nạt trên mạng, gia tăng thao túng trên mạng xã hội bởi những người có ảnh hưởng được thuê và khiến thông tin sai lệch ngày càng gia tăng.

Theo Freedom House, khi ngày càng có nhiều chính phủ và phương tiện truyền thông gặp khó khăn về tài chính, ĐCSTQ và các tổ chức ủy quyền của họ đã chứng tỏ rằng họ sẽ không ngần ngại sử dụng áp lực kinh tế để trấn áp và đàn áp các thông tin gây bất lợi cho Bắc Kinh.

Báo cáo khuyến nghị rằng các chính phủ, các tổ chức truyền thông, xã hội dân sự và các công ty công nghệ đều cần phát huy vai trò trong thúc đẩy dân chủ. Hoạt động liên quan bao gồm xây dựng kiến ​​thức về Trung Quốc, hỗ trợ truyền thông điều tra, tăng cường tính minh bạch của quyền sở hữu phương tiện truyền thông và các chiến dịch thông tin sai lệch, cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ cơ bản đối với tự do báo chí.

Các chính phủ nên hợp tác với xã hội dân sự và truyền thông để đảm bảo tăng cường các hoạt động lập pháp và chính sách liên quan [thúc đẩy dân chủ] để hạn chế tốt nhất trước xu thế làm suy yếu dân chủ.

Gần đây, những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng đến giới truyền thông ở các nước dân chủ ngày càng nhận được sự chú ý.

Vào tháng Năm, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” trước những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đàn áp tự do báo chí ở Trung Quốc cùng vấn đề họ lợi dụng môi trường truyền thông tự do ở các nước khác để truyền bá thông điệp thân Bắc Kinh. Ông Blinken nói: “Những nhà lãnh đạo này ở Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện truyền thông tự do và cởi mở mà chúng tôi đảm bảo, được bảo vệ trong hệ thống dân chủ, để quảng bá và truyền bá thông tin sai lệch. Đây là vấn đề cần phải ngăn chặn”.