Hôm thứ Sáu (ngày 8/10), tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ sau lễ nhậm chức. Cuộc trao đổi nói về các vấn đề quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Hồng Kông, Tân Cương… Ông Kishida cũng bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ cùng nhau thiết lập một mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định.

Fumio Kishida 20170216

Cựu Ngoại trưởng và tân Thủ tướng Nhật bản Fumio Kishida (Ảnh: Wikimedia)

“Tôi thẳng thắn nêu lên những quan ngại giữa hai nước từ phía tôi, tôi đề nghị chúng ta nên tiếp tục đối thoại trong tương lai”, ông Kishida nói trong các bình luận được phát sóng trên đài truyền hình NHK của Nhật Bản sau cuộc nói chuyện với ông Tập qua điện thoại.

Kishida: Các vấn đề được thảo luận bao gồm quần đảo Senkaku, Hồng Kông, Tân Cương…

Ông Kishida cho biết các vấn đề ông đã nêu ra bao gồm quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư), Hồng Kông và cách đối xử của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng ông không nói rõ về những vấn đề này.

Ông nói: “Bởi vì chúng tôi là láng giềng, có nhiều vấn đề giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận thẳng thắn với Chủ tịch Tập trên cơ sở cuộc gặp hôm nay, đồng thời kiên quyết khẳng định những gì chúng tôi nên tuân thủ.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông nói: “(Cuộc đàm thoại) không đề cập đến chủ đề này.”

Ông Kishida cũng cho biết, chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch Tập “chưa được thảo luận trong cuộc điện đàm hôm nay”. Ông nói: “Bản thân tôi biết điều đó, vấn đề này vẫn chưa được quyết định”.

Ông Tập Cận Bình vẫn chưa đến thăm Nhật Bản kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013. Năm ngoái, kế hoạch thăm Nhật Bản của ông Tập vào tháng Tư đã bị hoãn vô thời hạn do một số nghị sĩ Nhật Bản có hành động cứng rắn chống lại cách hành xử ở Hồng Kông cũng như việc xử lý đại dịch virus không phù hợp của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cuộc nói chuyện giữa hai người kéo dài 30 phút, ông Kishida nói: “Ông Tập Cận Bình và tôi đồng ý làm việc cùng nhau trong nhiều vấn đề chung bao gồm cả Triều Tiên.”

Tập Cận Bình: Xử lý thích hợp các vấn đề nhạy cảm lớn như lịch sử và Đài Loan

Theo Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Kishida trong cuộc trò chuyện rằng hai nước nên xử lý “đúng cách” các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan. Ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản nên tích cực tăng cường đối thoại và phối hợp chính sách kinh tế cũng như thúc đẩy hợp tác khu vực.

Tình hình eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng, trong 4 ngày liên tiếp kể từ ngày 1/10, ĐCSTQ đã điều gần 150 máy bay quân sự đến gây rối Đài Loan. Hôm thứ Ba, chính quyền mới của ông Kishida đã phát đi tín hiệu về lập trường quyết đoán hơn đối với thái độ cứng rắn của Trung Quốc đối với Đài Loan, cho thấy Tokyo sẽ chuẩn bị cho “nhiều tình huống khác nhau” để đáp lại vấn đề này, đồng thời tái khẳng định mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Kishida: “Trung Quốc và Nhật Bản là láng giềng của nhau. Duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác giữa hai nước vì lợi ích của cả hai bên, có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở châu Á và thế giới.”

Ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ sẵn sàng nhân kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm sau làm cơ hội để mở ra những triển vọng mới.

Ông Kishida cũng cho biết: “Nhật Bản hy vọng sẽ sử dụng cơ hội kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào năm tới để hợp tác với Trung Quốc nhằm thiết lập mối quan hệ Nhật – Trung mang tính xây dựng và ổn định, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.”

Ông Tập Cận Bình bày tỏ hoan nghênh Nhật Bản tham gia Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh dự kiến ​​tổ chức vào tháng Hai năm sau. Nhật Bản đã đăng cai Thế vận hội Tokyo vào mùa hè này.

Khẩu hiệu chủ đề của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 là “Cùng nhau vì một tương lai chung” (Together for a Shared Future), ủng hộ việc theo đuổi các mục tiêu chung là đoàn kết, hòa bình, tiến bộ và bao dung. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tổ chức nhân quyền và các nhà lập pháp trên thế giới yêu cầu Ủy ban Olympic quốc tế thu hồi quyết định đăng cai sự kiện này tại Bắc Kinh. Họ lên án chiến dịch đàn áp sâu rộng của chính quyền ĐCSTQ đối với các nhóm dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo và những người bất đồng chính kiến vẫn không ngừng diễn ra, đặc biệt là chính sáchdiệt chủng đối với các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.

Kishida: Tăng cường Liên minh Bộ tứ và Kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm

Theo tờ Nikkei Asian Review, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách vào hôm thứ Sáu, ông Kishida Fumio đã bày tỏ quyết tâm củng cố liên minh Bộ tứ (Quad) và ổn định quan hệ với Trung Quốc. Quad bao gồm Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ, được thành lập nhằm mục đích chống lại ĐCSTQ.

Ông Kishida cam kết rằng thông qua liên minh Bộ tứ, sẽ “thúc đẩy mạnh mẽ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “liên minh Nhật – Mỹ là cốt lõi trong các chính sách an ninh và đối ngoại của nước ta”.

Ông Kishida thừa nhận rằng Nhật Bản tìm cách duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc. Ông nói rằng Nhật Bản sẽ “tiếp tục đối thoại với Trung Quốc và hợp tác đối phó với những thách thức chung.”

Ông cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ không ngần ngại kêu gọi Trung Quốc có những hành động có trách nhiệm, nhưng ông không nói rõ các vấn đề cụ thể.

Tân thủ tướng cũng tuyên bố rằng ông sẽ đổi mới chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản do cựu Thủ tướng Shinzo Abe xây dựng vào năm 2013 nhằm tăng cường an ninh ven biển và khả năng phòng thủ tên lửa.

Ông Kishida đồng thời lên án việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như bày tỏ hy vọng được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc. 

Hứa Trinh/ Theo Epoch Times