Hôm 19/2, trong bài phát biểu tại G7, ông Joe Biden đã bác bỏ các chính sách “Nước Mỹ trước tiên” (America First) của cựu Tổng thống Donald Trump. Đáng lưu ý, theo Breitbart, đây là những chính sách đã không khơi mào bất cứ cuộc chiến tranh nào và đã mang lại các hiệp định hòa bình Trung Đông, những mục tiêu mà nhiều đời Tổng thống ở cả hai chính đảng đều không đạt được trong nhiều thập kỷ.

Ông Joe Biden đã trấn an các nhà lãnh đạo châu Âu hôm thứ Sáu rằng ông sẽ một lần nữa làm việc với họ, xin lỗi về cách tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump khi còn đương nhiệm.

“Tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng tới thế giới là, Nước Mỹ đã trở lại… chúng ta không hề lùi bước, chúng ta đang cùng nhau hướng về phía trước,” ông Biden nói.

“Bốn năm qua thật khó khăn nhưng châu Âu và Hoa Kỳ một lần nữa phải dẫn đầu bằng năng lực của chúng ta,” ông nói.

Trong khi không nêu tên ông Trump một cách rõ ràng trong bài phát biểu của mình, ông Biden liên tục than thở về những thiệt hại trong mối quan hệ Mỹ – châu Âu và hứa sẽ trở lại như trước đây.

Ông nói: “Tôi biết vài năm qua nước Mỹ đã gây căng thẳng và thử thách cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng Hoa Kỳ quyết tâm tái thiết với châu Âu, tham khảo ý kiến ​​của các bạn, để lấy lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy của chúng tôi”.

Là một phần của thông điệp tới châu Âu, ông Biden đặc biệt hứa sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm “những người bạn tốt” và “những nhà lãnh đạo xuất sắc” của ông như Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo mà ông Trump đã tỏ ra lạnh nhạt trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Ông nói: “Hãy để tôi xóa bỏ mọi nghi ngờ còn tồn tại, Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Liên minh châu Âu của chúng tôi và các nước khác trên khắp lục địa.”

Biden cho biết ông đánh giá cao sự thống nhất của toàn bộ châu Âu dưới Liên minh châu Âu và nói về mục tiêu của họ là đoàn kết chống lại các đối thủ toàn cầu như Nga và Trung Quốc.

“Cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ trở nên gay gắt”, ông Biden nói. “Đó là những gì tôi mong đợi. Đó là điều tôi hoan nghênh.”

Ông Biden cho biết Châu Âu và Hoa Kỳ phải cùng nhau nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa như biến đổi khí hậu.

Ông cũng cảnh báo về mối đe dọa do Nga gây ra, và nêu tầm quan trọng của việc bảo vệ Ukraine khỏi sự xâm lược của Nga.

Bài phát biểu tại G7 của ông Biden đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các quốc gia châu Âu.

Tờ Der Spiegel của Đức viết: “Biden đã đưa ra chính xác bài phát biểu mà nhiều người châu Âu muốn nghe, đó là một nước Mỹ thân ái chứ không chỉ trích hay đòi hỏi”.

Sau bài phát biểu của ông Biden, bà Merkel nói với các phóng viên rằng, châu Âu phải lấy ông Biden làm gương, đề cập đến việc ông đã thực hiện những lời hứa của mình từ những ngày đầu tiên nắm quyền.

Bà Merkel cũng hoan nghênh việc Hoa Kỳ quay trở lại với Hiệp định khí hậu Paris và quyết định ở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất chấp việc cơ quan này đã quản lý kém cỏi khi dịch bệnh bùng phát và khiến nửa triệu người Mỹ mất đi sinh mạng. Bà Merkel cũng đề cập việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran là “bước quan trọng hướng tới hợp tác đa phương hơn nữa.”

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cũng nhấn mạnh sự cần thiết của Hoa Kỳ để củng cố “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, nói rằng, “Một quan hệ đối tác mạnh mẽ cần những đối tác mạnh mẽ.”

Ông Biden đã đưa ra một kế hoạch hành động mới trong bài phát biểu của mình bằng cách thông báo rằng những người nộp thuế ở Hoa Kỳ sẽ quyên góp 4 tỷ đô la cho các nỗ lực tiêm chủng virus corona toàn cầu. Một khoản tài trợ ban đầu trị giá 2 tỷ đô la sẽ được thực hiện cho chương trình COVAX của WHO.

Trong khi đó, ông Macron cho rằng châu Âu nên tự lực nhiều hơn về các vấn đề, bởi khi làm như vậy thì Mỹ sẽ có thể tập trung nhiều hơn vào việc đối phó với Trung Quốc. 

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: