Hôm thứ Ba (4/5), trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của các Ngoại trưởng G7 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chủ đề về việc thành lập một mặt trận chung nhằm đối phó với Trung Quốc đã được đưa ra thảo luận.

Embed from Getty Images

Ủng hộ lời kêu gọi của ông Joe Biden về việc thành lập một liên minh các quốc gia dân chủ sâu rộng hơn, nước chủ nhà Anh đã mời các khách mời bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc tham gia một số cuộc hội đàm của G7 tại London kéo dài trong ba ngày.

Ngoại trưởng các nước G7 đã chào đón nhau bằng những cú thúc cùi chỏ thân thiện trong khi tập trung họp tại Lancaster House ở khu West End. Sau đó, các Ngoại trưởng đã dành phần lớn thời gian thảo luận về Trung Quốc – đất nước ngày càng tỏ ra hung hăng và đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng về quân sự và kinh tế trên toàn cầu. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu hôm 3/5: “Mục đích của chúng ta không phải là cố gắng ngăn chặn hay kiềm chế Trung Quốc. Những gì chúng ta đang cố gắng làm là nhằm duy trì trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế mà các quốc gia chúng ta đã đầu tư trong suốt nhiều thập kỷ … không chỉ cho chính người dân chúng ta mà còn cho người dân trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.”

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết sau phiên hôm thứ Ba (4/5) rằng “không có bất đồng lớn thực sự nào” trong nhóm G7 về vấn đề Trung Quốc và các vấn đề khác.

Quan chức này nói với các phóng viên rằng các Ngoại trưởng G7 đều lên tiếng cảnh báo về hồ sơ nhân quyền tệ hại của Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế ngày càng phẫn nộ trước việc chính quyền cộng sản Trung Quốc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như chính sách kinh tế “cưỡng bức” của Bắc Kinh đối với các nước khác.

Quan chức này cũng cho biết các cuộc hội đàm ít bàn về hành động phối hợp, mà chủ yếu tìm cách thành lập một mặt trận chung để kết hợp các nước “cùng chí hướng” lại với nhau.

Hôm thứ Ba (4/5), Ủy ban châu Âu đã đình chỉ việc thông qua thỏa thuận đầu tư quy mô lớn của châu Âu với Trung Quốc. Tin tức này chắc chắn sẽ được hoan nghênh tại Hoa Kỳ, mặc dù các quan chức cho biết vấn đề này đã không được đưa ra trong các cuộc thảo luận của G7.

Hợp tác với Trung Quốc nếu có thể

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab kêu gọi “buộc Bắc Kinh tuân thủ các cam kết mà họ đã đưa ra”, bao gồm cả vấn đề Hồng Kông khi trước đó ĐCSTQ đã cam kết sẽ dành cho Đặc khu này một hệ thống quản lý riêng biệt [so với Trung Quốc đại lục] trong 50 năm trước khi London bàn giao vùng đất này cho Trung Quốc vào năm 1997.

Tuy nhiên, phù hợp với quan điểm của chính quyền Biden vốn đã thay đổi giọng điệu trái ngược với quan điểm cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, ông Raab cũng kêu gọi “tìm những phương thức mang tính xây dựng để làm việc với Trung Quốc theo một cách hợp lý và tích cực nếu có thể”, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Raab nói: “Chúng tôi muốn nhìn thấy Trung Quốc gánh vác trách nhiệm và thực hiện đầy đủ vai trò của mình.”

Các ngoại trưởng G7 cũng thảo luận về cuộc khủng hoảng ngày càng tăng ở Myanmar cũng như các vấn đề về Syria, Afghanistan, Libya và nguy cơ từ Nga.

Ông Blinken sẽ đến Ukraine vào thứ Tư (5/5) để thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với nước này sau khi Nga đã tăng cường quân số lên các khu vực biên giới và vùng Crimea giáp với Ukraine vào tháng trước, nhưng sau đó đã rút 100.000 quân ra khỏi các khu vực này.

Sự trở lại của ngoại giao trực tiếp

Tổ chức G7 đang chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào tháng tới tại Cornwall, phía tây nam nước Anh. Ông Biden sẽ tham gia hội nghị này và đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Quan chức Mỹ cho biết Anh đang lên kế hoạch cho một cuộc họp thứ hai của các ngoại trưởng G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Anh vào cuối năm nay.

Quan chức này cho biết, cuộc họp thứ hai có điểm đặc biệt là có sự tham gia của của các quốc gia châu Phi nhằm hướng các nước tập trung hơn vào các vấn đề của lục địa đen.

Anh cũng thông báo rằng các Bộ trưởng tài chính G7 sẽ gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ đại dịch vào ngày 4 và 5/6, cũng tại dinh thự Lancaster House.

Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell đã hoan nghênh sự trở lại của các cuộc gặp ngoại giao trực tiếp.

Gia Huy (theo AFP)

Xem thêm: